V. Các nhân tố ảnh hưởng
3. Đánh giá thuận lợi và khó khăn đối với quản lý nhà nước về đất nông
nghiệp tại huyện Thanh Trì.
Đặc điểm, điều kiện tự nhiên và tình hình kinh tế, xã hội như trên đem đến cho huyện Thanh Trì những thuận lợi song cũng còn không ít khó khăn. Chúng ta đã biết những nhân tố ảnh hưởng đến quản lý nhà nước về đất nông nghiệp bao gồm điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội và khoa học công nghệ. Bởi vậy tình hình điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của huyện có ảnh hưởng sâu sắc tới công tác này.
Thuận lợi lớn nhất của huyện có lẽ là điều kiện tự nhiên. Mặc dù diện tích đất tự nhiên của huyện Thanh Trì bị thu hẹp do điều chỉnh địa giới hành chính của Chính phủ nhưng đây vẫn là địa phương có nhiều tiềm năng về đất đai. Diện tích đất nông nghiệp lớn kết hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thủy văn rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp: nhiều hồ, đầm, ruộng trũng, đất phù sa được bồi đắp hàng năm. Những lợi thế đó đã và đang được Ban lãnh đạo huyện khai thác ngày càng hiệu quả. Ngoài ra, vị trí địa lý của huyện cũng là một lợi thế đáng kể giúp cho việc phát triển thị trường hàng hóa. Là một cùng ven đô lại ở “gã ba đường” nên huyện Thanh Trì vừa có thị trường rộng lớn vừa có điều kiện giao lưu kinh tế nội vùng và liên vùng. Bên cạnh đó, bộ máy quản lý đất đai của huyện rất chặt chẽ, các cấp lãnh đạo luôn tích cực và có tư duy đổi mới. Từ những thuận lợi trên đây cho thấy đây là vùng giàu tiểm năng phát triển nông nghiệp. Vì vậy, quản lý nhà nước về đất nông nghiệp cũng có điều kiện để phát huy khả năng sáng tạo, tạo tiền đề triển khai đầy đủ các nội dung quản lý.
Tuy nhiên, những thuận lợi đó đi đôi với khó khăn cho công tác quản lý đất nông nghiệp.
SVTH: Nguyễn Thị Hạnh Địa chính K44
Khó khăn đầu tiên chính là sự biến động phức tạp của đất nông nghiệp do quá trình đô thị hóa, việc chuyển đổi cơ cấu diễn ra mạnh mẽ khiến cho việc quản lý gặp nhiều trở ngại. Việc nắm bắt được diện tích, người sử dụng đất, mục đích sử dụng đất nông nghiệp là điều không hề dễ dàng. Việc quản lý đất nông nghiệp gắn liền với việc quản lý các ngành sản xuất nông nghiệp nên việc điều chỉnh diện tích đất cho từng ngành đó ra sao cũng là một nhiệm vụ phức tạp đặt ra cho các nhà quản lý.
Tiếp theo, Thanh Trì là khu vực hứng chịu toàn bộ nguồn nước thải của cả Thành phố, của nghĩa trang Văn Điển và một số nhà máy hóa chất cũ kỹ, lạc hậu. Bởi vậy, môi trường đất, môi trường nước và không khí ở một số tiểu vùng rất nặng nề. Điều đó có ảnh hưởng nặng nề tới chất lượng đất, chất lượng sản phẩm cây trồng. Trong thời gian tới, quản lý nhà nước về đất nông nghiệp cũng cần phải chú ý đến tình trạng này và có biện pháp xử lý hữu hiệu nhất.
Ngoài ra, một số khó khăn khác cũng ảnh hưởng tới công tác quản lý nhà nước về đất đai như: việc chuyển đổi tự phát diện tích đất nông nghiệp sang mục đích khác, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp chưa xứng với tiềm năng của vùng…
Những khó khăn và lợi thế đang tạo ra những thời cơ và thách thức mới cho huyện Thanh Trì trên hành trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Các nhà quản lý đất đai cần phải có những động thái tích cực hơn nữa để khai thác, sử dụng đất đai có hiệu quả hơn đặc biệt là đất nông nghiệp – loại đất có ý nghĩa và đang có nhiều chuyển biến phức tạp.