V. Các nhân tố ảnh hưởng
2. Điều kiện kinh tế-xã hội
Cũng như điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội cũng là một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến việc sử dụng đất nông nghiệp qua đó ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước về đất nông nghiệp. Ngược lại, nhìn vào hiện trạng sử dụng đất của một vùng, một địa phương chúng ta cũng phần nào đánh giá được mức độ phát triển kinh tế, xã hội của vùng, địa phương đó.
SVTH: Nguyễn Thị Hạnh Địa chính K44
34 34
Đất nông nghiệp là một trong những loại đất trực tiếp tạo ra những của cải vật chất. Đất nông nghiệp tạo ra sản phẩm nuôi sống bản thân, gia đình người lao động và xã hội. Khi xã hội càng phát triển trình độ của con người càng được nâng cao thì con người sẽ nắm được các quy luật tự nhiên, hiểu biết về khả năng sinh lợi của đất nên sẽ có biện pháp khai thác, sử dụng, bồi dưỡng đất. Kinh tế càng phát triển, con người càng có điều kiện đầu tư vào đất như: phân bón, máy móc…Do những điều kiện thuận lợi đó, con người nâng cao khả năng sinh lời của đất thông qua việc tăng năng suất lao động, sử dụng đất theo cả chiều rộng và chiều sâu. Song cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội là công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng đưa đến những hậu quả đáng lo ngại với việc sử dụng đất đai nhất là đất nông nghiệp. Kinh tế phát triển mạnh mẽ dẫn đến xu thế tất yếu là thu nhập tăng làm nảy sinh nhiều nhu cầu mới (ngoài ăn ở còn có vui chơi, giải trí…). Có cầu thì ắt có cung, ngành công nghiệp thương mại dịch vụ phát triển nhanh “chóng mặt” đồng nghĩa với việc một diện tích đất nông nghiệp phải chuyển đổi mục đích sang đất phi nông nghiệp. Đó là một hiện thực không thể phủ nhận. Vì vậy, Nhà nước cần phải có các chủ trương, chính sách sử dụng đất nông nghiệp cho phù hợp không để hiện tượng chuyển đổi mục đích sử dụng của đất nông nghiệp diễn ra một cách tự phát, bừa bãi. Mặt khác, dân số Việt Nam tuy không còn ở giai đoạn bùng nổ nhưng cũng đang tăng nhanh đặt ra một thực tế về nhu cầu đất ở. Diện tích đất ở tăng lên trong khi đó tổng quỹ đất trên phạm vi toàn cầu và phạm vi quốc gia không đổi do vậy sẽ phải chuyển đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng sang làm đất ở. Nhưng ở các đô thị và những vùng dân cư đông đúc như đồng bằng sông Hồng thì diện tích đất chưa sử dụng là không đáng kể. Hậu quả nhãn tiền là diện tích đất nông nghiệp giảm sút nghiêm trọng.
Tất cả những vấn đề trên đều dẫn đến một kết cục là diện tích đất nông nghiệp đang giảm. Các cấp, các ngành có trách nhiệm quản lý đất đai nói chung và đất nông nghiệp nói riêng cần phải có biện pháp để bảo đảm sử dụng đất đai hiệu quả và bền vững.