Giải pháp từ phía quản lý Nhà nước

Một phần của tài liệu Giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp - nông thôn gắn với du lịch (Trang 55 - 56)

Thực hiện công tác xây dựng “làng, xã lành mạnh, không có tệ nạn xã hội”, xây dựng làng văn hóa, phát động các phong trào làng xanh, sạch đẹp. Phát triển năng lực thu gom rác thải sinh hoạt tại các vùng nông thôn, các vùng du lịch sinh thái, tích cực hoàn thành nhiệm vụ đề ra về việc xây dựng các công trình nước sạch và công trình vệ sinh nông thôn.

Phát triển các chương trình khuyến nông với mục đích chuyển giao tiến bộ và kỹ thuật trong sản xuất rau, quả sạch, phát triển các giống lúa, quả có chất lượng nhằm phục vụ du lịch, triển khai tích cực chương trình nâng cao chất lượng đàn gia súc, chương trình nuôi heo hướng nạc. Hỗ trợ người dân phát triển đàn đà điểu, hươu và cá sấu để tăng lượng sản phẩm phục vụ người dân và du khách. Các loại sản phẩm như rau, quả sạch, các đối tượng chăn nuôi mới lạ tuy có khả năng trong phục vụ du lịch nhưng vẫn còn nhiều vấn đề phải làm như: giá rau sạch còn cao và khó được người tiêu dùng thông thường chấp nhận; hoạt động nuôi hươu, cá sấu, đà điểu còn hạn chế, chỉ do vài công ty du lịch thực hiện. Do vậy, sự phối hợp sử dụng và phát triển các sản phẩm này phải được hai ngành quan tâm đầu tư.

Phát triển mô hình phòng chống dịch hại tổng hợp. Ngăn chặn triệt để các hành động nuôi trồng, khai tác tài nguyên biển, rừng theo cách thức làm suy thoái và cạn kiệt tài nguyên đất, rừng, biển… Các hoạt động du lịch gây ô nhiễm môi trường cần phải được hạn chế và quản lý chặt chẽ. Tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên, nghiêm túc theo đúng định kỳ. Xây dựng cơ chế cho việc tổ chức cho cộng đồng tham gia giám sát quá trình thực hiện quy hoạch phát triển du lịch nhằm tránh các hậu quả về môi trường và tránh xung đột giữa cộng đồng bản địa và người đầu tư phát triển du lịch.

Thực hiện tốt chủ trương giao khoán bảo vệ rừng, phát triển vườn rừng nhằm phát triển đời sống của người dân các vùng đệm của các khu bảo tồn nói riêng và của người dân vùng núi nói chung.

Quy hoạch phát triển các làng nghề, ngành nghề nông thôn truyền thống, đặc sắc có giá trị phục vụ du lịch cao và có tiềm năng mở rộng thị trường. Hạn chế hoặc chuyển đổi các ngành nghề nông thôn gây ô nhiễm môi trường.

Thực hiện mạnh các chiến lược phát triển thị trường của ngành du lịch với mục tiêu tăng cường giới thiệu tới khách hàng các sản phẩm mới về du lịch sinh thái bên cạnh các sản phẩm đã nổi tiếng của Khánh Hòa. Có kế hoạch cho việc mở rộng các tour mới vào các vùng sản xuất nông nghiệp, các làng nghề được lựa chọn và hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong việc giới thiệu và thực hiện các tour du lịch này.

Thường xuyên tổ chức các hội chợ sản phẩm du lịch hàng năm kết hợp với việc trình diễn các sản phẩm nông nghiệp đặc sản và các sản phẩm làng nghề đặc sắc cùng với cách thức sản xuất chúng.

Phát triển công tác nghiên cứu, phát hiện và xây dựng các sản phẩm du lịch nông thôn. Và để liên kết và học hỏi kinh nghiệm của quốc tế, phải tổ chức giao lưu văn hóa truyền thống mà địa bàn tổ chức phải ưu tiên cho các làng du lịch, các cụm du lịch. Phát triển và tổ chức các lễ hội truyền thống, phong tục truyền thống trong dân gian tại không gian nông thôn. Phối hợp với các công ty du lịch giới thiệu về các sản phẩm văn hóa du lịch của tỉnh. Các sản phẩm văn hóa du lịch là đối tượng mà khách du lịch nước ngoài quan tâm khi đặt chân đến Việt Nam và Khánh Hòa nói riêng, nhưng thực tế cho thấy các công ty lữ hành cả nhỏ lẫn lớn đang rất thiếu sót và yếu kém trong việc giới thiệu tới du khách. Đây cũng là sự phản ánh của tình trạng thiếu quan tâm của địa phương trong việc phát huy các yếu tố văn hóa truyền thống vào phục vụ du lịch.

Và quan trọng nhất là thực hiện công việc xây dựng các làng du lịch, cộng đồng phát triển du lịch.

Một phần của tài liệu Giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp - nông thôn gắn với du lịch (Trang 55 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)