Lập kế hoạch cho hoạt động kinh doanh trên cơ sở tình hình năm báo cáo, chi tiết số lượng theo từng tháng, quý. Kiểm tra chất lượng số hàng hóa khi nhập về trong trường hợp công ty là kinh doanh thương mại do thu mua( nhập khẩu). Nếu hàng kém phẩm chất thì phải đề nghị người bán đền bù tránh thiệt hại cho công ty.
Bảo quản tốt hàng tồn kho. Hàng tháng, kế toán hàng hóa cần đối chiếu sổ sách, phát hiện số hàng tồn đọng để xử lý, tìm biện pháp để giải phóng số hàng hóa tồn đọng để nhanh chóng thu hồi vốn.
Tổ chức tốt quá trình thu mua, vận chuyển và bảo quản hàng hóa, kiểm tra chặt chẽ nhằm tiết kiệm các chi phí phát sinh trong quá trình thu mua và dự trữ hàng hóa. Ví dụ như cần chú ý đến tính khoa học trong sắp xếp kho; nâng cao chất lượng và cơ sở vật chất kỹ thuật ở kho giúp giảm thiểu việc hư hỏng, mất mát hàng hóa. Hoặc trong trường hợp đi thuê kho thì nên lựa chọn người cung cấp dịch vụ tối ưu; tính toán kỹ loại kho thuê, diện tích thuê…
Đảm bảo lượng hàng tồn kho ở mức hợp lý để hệ số vòng quay hàng tồn không quá lớn và cũng không quá thấp. Vì khi vòng quay hàng tồn kho quá lớn thì thể hiện mức tồn kho quá thấp, nguy cơ dẫn đến thiếu hàng hóa phục vụ cho kỳ kinh doanh, còn nếu vòng quay quá thấp thì là biểu hiện của việc vốn hàng tồn kho ứ động vì hàng hóa kém chất lượng, không phù hợp yêu cầu thị trường.
Tiết kiệm chi phí vận chuyển bằng cách áp dụng bài toán xe không, xác định tuyến đường chở hàng sao cho tổng chi phí tương ứng với quãng đường chạy xe không là nhỏ nhất.
Kịp thời phát hiện hàng hóa ứ đọng trong quá trình kinh doanh đồng thời đề ra biện pháp nhanh để giải quyết ứ đọng vốn, tăng nhanh tốc độ luân chuyển vốn.
Thường xuyên theo dõi sự biến động của thị trường hàng hóa. Từ đó dự đoán và quyết định điều chỉnh kịp thời việc nhập khẩu và lượng hàng hóa trong kho trước sự biến động của thị trường. Đây là biện pháp rất quan trọng để bảo toàn vốn của công ty.