Cuộc họp chuyên đề lần thứ nhất về thương mại điện tử của Đại hội đồng

Một phần của tài liệu Tổng quan về các hoạt động của WTO liên quan tới thương mại điện tử (Trang 31 - 33)

i. Phân loại nội dung sản phẩm được cung cấp trên mạng điện tử là hàng hóa hay dịch vụ

Việc phân loại một sản phẩm hay giao dịch nhất định là hàng hóa hay dịch vụ có ý nghĩa lớn trong việc thực thi các hiệp định của WTO vì nó sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của GATT hoặc GATS.

Theo dự kiến ban đầu thì cuộc họp sẽ thảo luận về định nghĩa thương mại điện tử, tuy nhiên ngay từ đầu cuộc họp các thành viên đã thống nhất không bàn tới nội dung này nữa. Lí do là trong Chương trình làm việc về Thương mại điện tử khái niệm “thương mại điện tử” được hiểu là việc sản xuất, phân phối, tiếp thị, bán hay cung cấp hàng hoá và dịch vụ thông qua các phương tiện điện tử. Cả hàng hóa và dịch vụ đều có thể bán được qua các phương tiện điện tử.

Nhiều phái đoàn cho rằng phần lớn sản phẩm được truyền điện tử thực sự là sản phẩm dịch vụ. Mặc dù vậy việc phân loại của GATT và GATS còn chưa rõ ràng đối với những sản phẩm vừa có thể được cung cấp ở dạng điện tử, vừa ở dạng thông thường.

Một số phái đoàn cho rằng các sản phẩm số hóa phải được đối xử như dịch vụ và vì vậy thuộc phạm vi điều chỉnh của GATS. Những phái đoàn ủng hộ việc coi các sản phẩm số hóa là dịch vụ đề nghị các phái đoàn có quan điểm khác đưa ra những bằng chứng cụ thể về các sản phẩm số hóa không thể coi là dịch vụ.

Nhiều phái đoàn cho rằng một số sản phẩm đang được phân loại như là hàng hóa và hưởng đối xử quốc gia và miễn thuế nhập khẩu theo ITA và GATT cần tiếp tục được hưởng các ưu đãi này dù cho sau này các sản phẩm đó được phân loại là dịch vụ. Tuy nhiên, một số phái đoàn khác bày tỏ quan ngại về sự nhất quán của cách tiếp cận này với các nguyên tắc của GATS để đưa ra Biểu cam kết về dịch vụ. Cũng có những ý kiến cho rằng sẽ không có lợi để phân loại lại một số sản phẩm như là dịch vụ nếu như một số nguyên tắc của GATT vẫn tiếp tục được áp dụng với những sản phẩm này, chẳng hạn như các nguyên tắc MFN, NT hay cấm hạn chế định lượng.

Một số phái đoàn lưu ý việc quyết định vội vàng áp dụng theo GATT hay GATS đối với nội dung của một số giao dịch điện tử nhất định hoặc việc thông qua các quy định cứng nhắc về phân loại có thể tạo ra những hạn chế không cần thiết đối với thương mại. Họ cũng lưu ý rằng thị trường thương mại điện tử còn non trẻ và đang tiến hóa. Những phái đoàn này nhấn mạnh cách tiếp cận phân loại tốt nhất là cách hạn chế thương mại thấp nhất. Tuy nhiên, một số phái đoàn khác lại chỉ ra rằng hiện tại chưa có nghĩa vụ tuân thủ tiêu chuẩn “hạn chế thương mại thấp nhất”.

Liên quan tới vấn đề “tương tự” và trung lập về công nghệ, một số phái đoàn cho rằng cần phải giải quyết xong vấn đề phân loại trước khi thảo luận về hai vấn đề này. Liên quan tới vấn đề “tương tự”, một số phái đoàn nhắc lại rằng triết lý bao trùm của luật đòi hỏi một quyết định về sự “tương tự” phải được xem xét theo từng trường hợp cụ thể. Liên quan tới vấn đề trung lập về công nghệ, một phái đoàn lưu ý cần phải làm rõ khái niệm này và việc áp dụng nó trong bối cảnh của GATT.

Cũng có ý kiến cho rằng vấn đề phân loại phải được giải quyết xong trước khi bàn tới vấn đề quy tắc xuất xứ.

Về tổng thể hầu hết các phái đoàn đều thống nhất nguyên tắc không được tạo ra các rào cản không cần thiết ngăn cản sự phát triển của thương mại điện tử.

ii) Thúc đẩy thương mại điện tử ở các nước đang phát triển

Nhiều phái đoàn lưu ý những tiềm năng to lớn của thương mại điện tử cho sự tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, một số phái đoàn bày tỏ quan điểm những lợi ích của thương mại điện tử không tự động có được ở các nước đang phát triển, do đó cần có một cách tiếp cận toàn diện để đảm bảo cho các nước đang phát triển có được lợi ích từ thương mại điện tử. Cần phải có những biện pháp thích hợp liên quan tới tiếp cận hạ tầng cơ sở, công nghệ, đầu tư, tiếp cận thị trường, nguồn nhân lực và giáo dục. Đồng thời, các chính phủ có vai trò tiên quyết trong việc hỗ trợ tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển thương mại điện tử thông qua việc xây dựng các chiến lược phát triển và môi trường chính sách và pháp luật.

Nhiều phái đoàn nhấn mạnh thông qua Uỷ ban Thương mại và Phát triển (CTD), WTO cần tham gia trong các nỗ lực rộng lớn hơn để thu hẹp khoảng cách số do các tổ chức khác đang triển khai.

Có phái đoàn lưu ý các nước đang phát triển phải tham gia sâu vào việc phát triển các tiêu chuẩn cho thương mại điện tử. Một số phái đoàn bày tỏ lo ngại về việc các nước đang phát triển chưa tiếp cận tốt tới một số công nghệ, chẳng hạn công nghệ mã hóa và an ninh thông tin. Liên quan tới vấn đề này, có phái đoàn nhắc tới việc Điều IV của GATS chưa được triển khai đầy đủ.

iii) Tác động của thương mại điện tử tới tài chính công và áp dụng thuế nhập khẩu

Có nhiều quan điểm khác biệt về tác động thực sự của thương mại điện tử tới nguồn thu quốc gia bị giảm đối với các nước đang phát triển.

Liên quan tới áp dụng thuế nhập khẩu đối với các giao dịch điện tử, cần phải xem xét kỹ lưỡng tác động dài hạn của việc chưa áp dụng thuế nhập khẩu. Một phái đoàn cho rằng chi phí thu thuế nhập khẩu đối với các giao dịch điện tử có thể cực kỳ cao.

Ngoài ra, một số phái đoàn cũng đề nghị phải làm rõ hơn khái niệm “truyền dữ liệu điện tử” (electronic transmissions) được sử dụng trong Tuyên bố về Thương mại điện tử toàn cầu(20/5/1998).

iv) Các vấn đề quyền tài phán và pháp lý

Một phái đoàn nhấn mạnh tới thực tế chung là mọi quy định hiện tại của WTO phải áp dụng với thương mại điện tử, bất kỳ lỗ hổng nào trong các quy định sẽ được xem xét theo từng trường hợp cụ thể.

Một phần của tài liệu Tổng quan về các hoạt động của WTO liên quan tới thương mại điện tử (Trang 31 - 33)