Cuộc họp lần thứ hai diễn ra vào ngày 6/5/2002 nhằm tiếp tục thảo luận các vấn đề đặt ra tại cuộc họp lần thứ nhất một năm trước đó.
i. Phân loại nội dung truyền dữ liệu điện tử là hàng hóa hay dịch vụ
Nhiều phái đoàn nhấn mạnh vấn đề phân loại là một yếu tố nền tảng trong Chương trình làm việc nhưng họ không thấy cần thiết phải tìm kiếm một quyết định dứt khoát toàn bộ sản phẩm số hóa được phân loại là hàng hóa hay dịch vụ. Những phái đoàn này cho rằng cần duy trì hiện trạng không áp dụng thuế nhập khẩu đối với các giao dịch điện tử. Một số phái đoàn khác lập luận tập hợp các sản phẩm được đề cập tới không lớn nên nếu tiến hành phân loại được sản phẩm nào là hàng hóa hay dịch vụ sẽ rất có ích. Một phái đoàn bày tỏ quan điểm cho rằng vấn đề mấu chốt là phân loại nội dung của các giao dịch điện tử.
Một số phái đoàn bày tỏ mong muốn xây dựng được một khung khổ toàn cầu dễ dự đoán, rõ ràng và dễ áp dụng đối với sự phát triển trong tương lai, đồng thời cho rằng sự phát triển của công nghệ cũng như sự thay đổi mau lẹ của thị trường không thể được coi là những trở ngại để đạt tới nhận thức chung đối với vấn đề phân loại. Tuy nhiên, bất kỳ chính sách nào về giao dịch điện tử cung phải trung lập về công nghệ. Một phái đoàn gợi ý cách tiếp cận phân loại tốt nhất là theo từng trường hợp cụ thể do tập hợp các sản phẩm có thể giao dịch trực tuyến không lớn. Liên quan tới cách tiếp cận này, một phái đoàn khác nêu câu hỏi những tiêu chí nào sẽ được sử dụng trong cách tiếp cận đó và tỏ ra lạc quan về việc đạt tới một quyết định chung đối với việc phân loại. Một số phái đoàn nhấn mạnh tới sự cần thiết phải làm rõ sự khác biệt giữa nội dung và vật mang nội dung đó.
Liên quan tới nội dung tài sản trí tuệ của các giao dịch điện tử, có phái đoàn đã chỉ ra tài sản trí tuệ chứa trong sản phẩm được cung cấp bằng phương tiện điện tử không liên quan tới việc phân loại sản phẩm đó là hàng hóa hay dịch vụ. Nhưng không phải sản phẩm nào được cung cấp bằng phương tiện điện tử cũng chứa tài sản trí tuệ và các hệ thống pháp luật khác nhau lại diễn giải quyền sở hữu trí tuệ một cách khác nhau, nên bất kỳ quyết định nào liên quan tới Hiệp định TRIPS áp dụng với một sản phẩm cụ thể cũng phải được đưa ra cho từng trường hợp riêng rẽ.
Tại cuộc họp, phái đoàn Canađa đã đưa ra tài liệu tham khảo “Phân loại phần mềm được cung cấp điện tử”. Tài liệu này nhấn mạnh tới một số vấn đề mà Canađa cho là quan trọng nhất liên quan tới vấn đề làm thế nào để phân loại các sản phẩm truyền qua mạng với sản phẩm được cung cấp theo phương thức truyền thống. Chẳng hạn như đối với phần mềm, cán bộ hải quan có thể tải sản phẩm số hóa hay sử dụng nó trực tuyến. Điều này cũng tương tự như GATT và GATS áp dụng thế nào đối với các giao dịch điện tử và những tác động của việc phân loại một sản phẩm như vậy là “hàng hóa” hay “dịch vụ”.
Nhiều phái đoàn chỉ ra tầm quan trọng của vấn đề phân loại đối với các cuộc đàm phán đang diễn ra trong cả lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ. Trong bối cảnh này, một số phái đoàn đặt ra nhiều câu hỏi liên quan tới tài liệu của Canađa và bày tỏ quan tâm tới những tác động của việc phân loại đối với ví dụ minh họa phần mềm trong tài liệu. Khi tham chiếu tới các dịch vụ chuyên môn như kiến trúc, tư vấn kỹ thuật và thiết kế thời trang, một phái đoàn cho rằng nhiều sản phẩm được truyền qua mạng có sự tương đương với việc giao sản phẩm theo các phương thức truyền thống có dòng thuế trong Hệ thống Hài hòa (HS).
Một số phái đoàn khác bình luận rằng tài liệu của Canada tham chiếu tới một số vấn đề thực tiễn gắn với việc áp thuế nhập khẩu lên thương mại điện tử và nhấn mạnh rằng tất cả vấn đề liên quan tới thương mại điện tử phải được xem xét trong bối cảnh cần phải duy trì môi trường thương mại tự do cho thương mại điện tử. Một phái đoàn gợi ý rằng khi có những cam kết thương mại tự do hơn trong cả GATT và GATS thì vấn đề phân loại ít có ý nghĩa hơn. Phái đoàn này cũng cho rằng cần phải đảm bảo giữ nguyên môi trường thương mại tự do hiện tại cho các sản phẩm có thể phân phát theo cả hai phương thức: qua mạng và truyền thống.
Ban Thư ký đã chuẩn bị một tài liệu phục vụ cho cuộc họp. Tài liệu này xem xét những tác động xảy ra trong bối cảnh cơ sở phân loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau giữa GATT và GATS cũng như những yếu tố liên quan tới các hệ thống phân loại khác nhau hiện đang được sử dụng.
Một phái đoàn đã nhắc lại sự ủng hộ của mình việc đối xử với các sản phẩm số hóa theo GATS và lưu ý một số phái đoàn khác bày tỏ lo ngại cách tiếp cận theo GATS sẽ dẫn tới đối xử kém ưu đãi hơn. Tuy nhiên, phái đoàn này cùng một số phái đoàn khác lưu ý tài liệu của Ban Thư ký đã chú ý tới thực tế là khi tự do hóa đầy đủ sẽ có rất ít sự khác biệt giữa cách tiếp cận phân loại theo GATT hay GATS.
Nhiều phái đoàn đã nhất trí coi phần lớn các sản phẩm chuyển giao trực tuyến thực sự là dịch vụ, tuy nhiên còn thiếu sự rõ ràng liên quan tới phân loại theo GATT và GATS một số sản phẩm có thể chuyển giao theo cả hình thức trực tuyến lẫn truyền thống. Một số phái đoàn khác không nhất trí coi tất cả sản phẩm cung cấp trực tuyến là dịch vụ. Nhiều phái đoàn nhấn mạnh tới sự cần thiết có sự rõ ràng về pháp lý cũng như dễ dự đoán đối với vấn đề phân loại.
Một phái đoàn chỉ ra một số vấn đề cần phải thảo luận và giải quyết từ khía cạnh của GATS, chẳng hạn như quyền tài phán theo sự khác biệt giữa phương thức 1 và 2 của GATS. Một phái đoàn khác dẫn chiếu tới các cuộc thảo luận tại ITU về xã hội thông tin và đề xuất WTO và ITU nên tìm cách tham gia các cuộc thảo luận của nhau.
ii) Thúc đẩy thương mại điện tử ở các nước đang phát triển
Một phái đoàn nhận xét thương mại điện tử có thể đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, đồng thời có tiềm năng to lớn trong việc kích thích phát triển kinh tế và tăng trưởng tại mọi nước. Với quan điểm này, tự do hóa thị trường dịch vụ viễn thông là nền tảng cho phát triển thương mại điện tử. Ngoài ra, ITA là quan trọng đối với việc tiếp cận dễ dàng hơn nữa các thiết bị công nghệ thông tin. Sự phát triển của thương mại điện tử cũng phụ thuộc rất nhiều vào môi trường chính sách và pháp lý.
iii) Tác động của thương mại điện tử tới tài chính công và áp dụng thuế nhập khẩu
Liên quan tới câu hỏi của một số thành viên tại cuộc họp chuyên sâu lần thứ nhất về kinh nghiệm quốc gia khi giải quyết các vấn đề về thuế liên quan tới thương mại điện tử, phái đoàn Úc đã cung cấp ba nguồn thông tin về kinh nghiệm của nước mình và một số nước khác, đó là Báo cáo của OECD năm 1998 nhan đề “Các điều kiện đánh thuế thương mại điện tử” và hai báo cáo của chính phủ nước mình về việc làm thế nào để áp dụng các nguyên tắc đặt ra trong báo cáo đó (có tại địa chỉ www.ato.gov.au).
Một phái đoàn khác cho biết nghiên cứu của UNCTAD “Thuế nhập khẩu, thuế nội địa và thương mại điện tử” đã cố gắng xác định tổn thất về nguồn thu ngân sách nhà nước ở các các nước phát triển và đang phát triển (từ thuế nhập khẩu) sẽ được bù đắp từ khoản thu thuế nội địa. Theo quan điểm của phái đoàn này, Chương trình làm
việc về Thương mại điện tử không hạn chế quyền của các thành viên áp dụng thuế nội địa đối với việc trao đổi sản phẩm trực tuyến. Tuyên bố về Thương mại điện tử toàn cầu chỉ áp dụng đối với thuế nhập khẩu (thuế quan), trong khi đó thuế nhập khẩu và thuế nội địa là hai phạm trù tách biệt hoàn toàn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để thu thuế nội địa đối với các sản phẩm trực tuyến.
Một phái đoàn bày tỏ quan điểm trong bối cảnh chung của tự do hóa thương mại, mấu chốt của thuế quan là giảm chứ không tăng. Nước nào áp đặt thuế quan đối với giao dịch điện tử qua biên giới có thể sẽ gặp bất lợi so với các nước tự do hóa giao dịch trên môi trường mạng. Nếu nước nào không khuyến khích sử dụng Internet như một phương tiện cung cấp các sản phẩm số hóa thì nước đó sẽ giảm sự sử dụng và phát triển các dịch vụ đó, từ đó dẫn tới việc giảm đi khả năng thu ngân sách từ việc áp dụng các loại thuế nội địa đối với các dịch vụ này. Điểm mấu chốt là khi áp dụng các loại thuế nội địa thì phải tuân thủ nguyên tắc không phân biệt đối xử.
iv) Cạnh tranh
Một phái đoàn bình luận thị trường thương mại điện tử (electronic marketplace) có hiệu quả rất lớn nhưng có nguy cơ xuất hiện các hành vi phản cạnh tranh. Tuy nhiên, các cuộc họp chuyên sâu của Đại Hội đồng không nên tập trung vào việc xây dựng các nghĩa vụ hay khuyến nghị tiềm năng đối với các sáng kiến chính sách cạnh tranh trong tương lai. Các vấn đề liên quan tới cạnh tranh trong thương mại điện tử toàn cầu sẽ đòi hỏi sự đối thoại quốc tế dài hạn với sự phối hợp công việc của các tổ chức quốc tế khác như Mạng lưới cạnh tranh quốc tế (International Competition Network) và OECD. Mặt khác, quan sát cho thấy thương mại điện tử dường như đang tạo ra các cơ hội cho cạnh tranh cao hơn trong các thị trường trước kia bị tách biệt bởi các rào cản đối với khu vực tư nhân, chẳng hạn như các hệ thống phân phối.
Một phái đoàn khác cho rằng các vấn đề của thương mại điện tử liên quan tới cạnh tranh có tác động trực tiếp tới các cuộc đàm phán đang diễn ra, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, hơn nữa có mối liên kết chặt chẽ tới việc quyết định xem liệu phương thức 1 và 2 của GATS sẽ bao gồm các giao dịch các sản phẩm số hóa hay không.
iv) Các vấn đề quyền tài phán và pháp lý
Một số phái đoàn nhất trí cho rằng vấn đề quyền tài phán và các vấn đề pháp lý khác là quan trọng và và nên tiếp tục cân nhắc như một chủ đề riêng trong các cuộc họp chuyên sâu trong tương lai. Một phái đoàn gợi ý Luật mẫu về Thương mại điện tử của UNCITRAL có thể giúp thúc đẩy sự hài hòa các luật trong mọi quyền tài phán.