Xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý tại Trung tâm Điện toán và Truyền số liệu Khu vực I (Trang 65 - 67)

Văn hóa doanh nghiệp là một khái niệm tương đối trừu tượng. Có thể hiểu đó là các giá trị được mọi người trong doanh nghiệp chấp nhận. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp là một việc làm không thể ngày một ngày hai mà thành công được. Nhưng nó cần một điểm bắt đầu! Trong phạm vi VDC1 với 254 CBCNV, việc xây dựng một phong cách, một giá trị chung là thuận lợi, nhưng do quy mô nhỏ nên rất khó phát động phong trào một cách sôi nổi được.

Nhà quản lý là người khởi tạo văn hóa doanh nghiệp, cho nên, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý xem ra có vẻ luẩn quẩn. Tuy nhiên không vì thế mà văn

hóa doanh nghiệp bị coi nhẹ , ngược lại nó xứng đáng được đúng với vai trò quan trọng của nó trong việc điều chỉnh hành vi của đội ngũ cán bộ quản lý.

Trước hết, VDC1 cần xây dựng chiến lược cụ thể cho việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp của VDC1, giúp cho toàn bộ CBCNV hiểu được, ý thức được về văn hóa của Trung tâm mình, và tự hào về nó.

Ở VDC1, với đặc điểm nguồn nhân lực rất trẻ, kể cả nguồn nhân lực quản lý thì việc xây dựng một môi trường làm việc trẻ trung là rất cần thiết. Bước vào trụ sở VDC1, chúng ta có cảm giác choáng ngợp hơn là sự gần gũi, hòa đồng… Tại các phòng ban của Trung tâm cũng vậy, việc thiết kế nơi làm việc nói chung còn hơi gò bó và tù túng. Do đó, Trung tâm cần tổ chức lại nơi làm việc cho toàn bộ CBCNV, sẽ tạo một bộ mặt mới mẻ cần thiết cho một cuộc “kiến tạo văn hóa doanh nghiệp” trong phạm vi toàn trung tâm.

Các phong trào tập thể nên được phát động định kỳ và huy động sự tham gia của quản lý các phòng ban và ban Giám đốc – những người luôn có công việc bận rộn, thời gian eo hẹp. Chính những hoạt động như vậy sẽ góp phần tạo nên một đội ngũ lao động quản lý gắn kết, tăng cường hiệu quả công việc quản lý của họ.

Trên đây là những giải pháp được đưa ra dựa trên việc phân tích thực trạng của Trung tâm về chất lượng nguồn nhân lực quản lý. Xin nhấn mạnh một lần nữa tầm quan trọng, vai trò của các cán bộ quản lý của trung tâm trong việc tạo điều kiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý hiện nay. Đó là, chính họ là người kiến tạo nên những chính sách và cơ chế, là nhân tố kích thích sự thay đổi trong Tổ chức, đồng thời họ cũng là đối tượng cần đổi mới trước hết.

KẾT LUẬN

Trên đây là toàn bộ phần trình bày luận văn “ Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý tại Trung tâm Điện toán và Truyền số liệu Khu vực I – VDC1”.

Đề tài đã phân tích chất lượng nguồn nhân lực quản lý hiện nay của Trung tâm qua kết quả điều tra chính thức bằng bảng hỏi do phòng Tổ chức hành chính thực hiện dưới sự chỉ đạo của Ban giám đốc Trung tâm. Trên cơ sở đó, đề ra những giải pháp nhằm có thể nhanh chóng giải quyết vấn đề chất lượng nguồn nhân lực quản lý hiện nay. Các giải pháp đưa ra không gây một sự biến động mạnh mẽ nào đối với Trung tâm, vì thế nếu thực hiện thì không phải trả một cái giá quá đắt, hay ảnh hưởng không tốt đối với nguồn nhân lực quản lý hiện tại của Trung tâm.

Tuy nhiên, do thời gian thực tập cũng như nguồn thông tin có hạn, nhiều nhận xét đưa ra là thiếu thỏa đáng, và có phần phiến diện. Thêm vào đó, cách xử lý kết quả cuộc điều tra chưa thực sự thu được nhiều kết quả hữu ích cho việc nghiên cứu (kết quả mới chỉ được thống kê mô tả). Chính vì vậy, một số giải pháp đưa ra còn thiếu thực tế.

Kết quả nghiên cứu của luận văn này mở hướng nghiên cứu cho các đề tài tiếp theo, đó là việc nghiên cứu và phân tích kỹ hơn nữa các tiêu chí về chất lượng nguồn nhân lực quản lý hiện nay của Trung tâm, để có thể đưa ra các giải pháp phù hợp và sâu sát hơn với thực tế.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý tại Trung tâm Điện toán và Truyền số liệu Khu vực I (Trang 65 - 67)