Hiện trạng môi trường

Một phần của tài liệu Đánh giá thực trạng tiêu thụ và một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý các sản phẩm có nhãn sinh thái tại các siêu thị, đại lý trên địa bàn Hà Nội (Trang 34 - 35)

Với sự phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cao. Công tác bảo vệ môi trường của thành phố Hà Nội đang đặt ra những thách thức, những công việc lớn.Việc kiểm soát, xử lý nguồn thải, chất thải đã và đang được tiến hành nhằm đem lại một không gian Thủ đô sạch sẽ.

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, lượng chất thải ra thành phố chủ yếu từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, hoạt động giao thông vận tải và sinh hoạt cộng đồng. Tổng lượng nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất công nghiệp ở khu vực nội thành Hà Nội khoảng 500.000m3/ngày đêm.

Trong những năm qua, tốc độ đô thị hóa ở Hà Nội tăng mạnh. Mức sống của người dân cao nên lượng rác thải bình quân tính theo đầu người tăng từ 0,44kg/người/ngày (năm 2000) lên 0,6kg/người/ngày (năm 2004). Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt trong nội thành là 500.000 tấn/năm. Lượng chất thải công nghiệp tăng hàng năm là 5% trong đó khoảng 38% là chất thải độc hại. Việc xử lý chế biến rác sinh hoạt thành phần hữu cơ trung bình chỉ được gần 10% ( tại Nhà máy xử lý rác Cầu Diễn với công suất xử lí 50.000 tấn rác sinh hoạt /năm ). Lượng rác được thu gom, vận chuyển chôn lấp hợp vệ sinh tại bãi rác Nam Sơn - Sóc Sơn chỉ đạt 85%. Mặc dù, năm 2004 đã có trạm xử lý rác thải công nghiệp với công suất thiết kế là 50-100 tấn /ngày nhưng hiện vẫn trong giai đoạn vận hành thử. Do vậy, việc xử lý chất thải rắn để tiết kiệm diện tích chôn lấp là một trong những khó khăn hiện nay.

Môi trường nông thôn ngoại thành cũng đang bị ô nhiễm.Tình trạng ô nhiễm nước tưới tiêu, ô nhiễm đất vẫn đang tăng dần, tập quán canh tác sử dụng phân tươi để bón rau, sử dụng quá mức phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật gây hậu quả xấu tới môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Quá trình phát triển kinh tế - xã hội, sự gia tăng dân số đang gây sức ép lớn đối với tài nguyên, môi trường Hà Nội. Để cải thiện tình hình trên, cần có sự thay đổi từ nhận thức đến cách ứng xử với môi trường, kêu gọi cộng đồng cùng tham gia đóng góp giữ gìn, bảo vệ tài nguyên, thiên nhiên.

Một phần của tài liệu Đánh giá thực trạng tiêu thụ và một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý các sản phẩm có nhãn sinh thái tại các siêu thị, đại lý trên địa bàn Hà Nội (Trang 34 - 35)