2. Tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh
2.8. Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững
Nhìn chung, các doanh nghiệp sản xuất trong nước hiện nay chưa quan tâm đúng mức đến việc xử lý nước thải sau sản xuất bởi đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải rất tốn kém, chi phí vận hành cao mà không mang lại lợi nhuận. Tuy nhiên, tại các nước công nghiệp hóa họ đều rất chú trọng đến việc bảo vệ môi trường sinh thái. Từ năm 1969, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật môi trường quốc gia nhằm "tạo ra và duy trì các điều kiện môi trường trong đó con người và thiên nhiên cùng tồn tại trong mối quan hệ hài hòa có lợi". Cho đến năm 1988, hầu hết các thành phố của Mỹ đều đã xây dựng hoặc đã cam kết xây dựng mạng lưới hạ tầng xử lý nước thải.
Việt Nam cũng đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề này. Bằng chứng là luật bảo vệ môi trường đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005. Riêng TP Hà Nội cũng đã giao cho Sở GTCC triển khai xây dựng 2 trạm xử lý nước thải thử nghiệm tại Kim Liên (3.700 M3/ngày) và Trúc Bạch (2.300 m3/ngày). Cũng như qua quyết định của Thủ tướng là đến năm 2010, VN sẽ quản lý 70% các nguồn thải, loại chất thải, và lượng chất thải: 90% tổng sản lượng chất thải rắn phát sinh tại các đô thị và khu công nghiệp được thu gom và xử lý, 10% chất thải rắn y tế và 60% chất thải rắn độc hại công nghiệp được xư lý bằng công nghệ phù hợp v.v...
Công ty Việt Hà cũng như các công ty thành viên đều quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường, phát triển môi trường bền vững. Định hướng của công ty không chỉ là nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành mà còn giảm tối đa tác nhân ảnh hưởng đến con người, đến môi trường xung quanh.
- Công ty Việt Hà đã chủ động phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng trên địa bàn đo kiểm môi trường, kết quả đều đạt tiêu chuẩn cho phép. Năm 2009, công ty đã đầu tư xây dựng 02 trạm xử lý nước thải giá trị hơn 12 tỷ đồng và đầu tư nâng cấp thiết bị, công nghệ cũng như các giải pháp nhằm đảm bảo việc giữ gìn môi trường và phát triển bền vững.
- Tại Công ty CP Bánh Mứt kẹo Hà Nội, do hoạt động sản xuất, cần sử dụng nhiên liệu than đá để nướng bánh nên có phát sinh khí thải; nước thải sản xuất (nước vệ sinh dụng cụ, thiết bị) bị ô nhiễm bởi chất hữu cơ, gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Để đảm bảo môi trường sinh hoạt trong sạch cho người dân trên địa bàn thủ đô. Cuối năm 2009, Công ty Cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội chuyển cơ sở sản xuất đến khu công nghiệp Quốc Oai, Hà Nội.
- Năm 2001, Liên doanh Nhà máy bia Đông Nam Á (SEAB) là một trong doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam đầu tư hệ thống trạm xử lý nước thải với công nghệ xử lý tiên tiến, hiện đại và hoàn chỉnh. Toàn bộ trạm xử lý nước thải vận hành tự động theo một chương trình phần mềm chuyên dụng, giúp kiểm tra, giám sát quá trình xử lý nước thải cũng như truy xuất các báo cáo đầy đủ và chi tiết. Sở dĩ nhà máy đầu tư gần một triệu USD cho một hệ thống không làm ra lợi nhuận bởi đây là chính sách chung của Carlsberg quốc tế và đối tác Việt Hà ngay khi thành lập liên doanh. Việt Nam đang trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới, luật bảo vệ môi trường ngày càng được thực thi chặt chẽ, các doanh nghiệp trong nước không thể bỏ qua nội
dung này. Trạm xử lý nước thải tại SEAB đã được đưa vào vận hành 7 năm với kết quả tốt. Tiêu chuẩn nước đầu ra sau trạm xử lý phù hợp với TCVN loại B.
Bảng 1: Các thông số về nước thải trước và sau xử lý tại SEAB.
Đơn vị tính: mg/lít
Trước xử lý (tính TB)
Sau xử lý
Lưu lượng BOD5 2000 50
Lượng COD 2857 100
Lượng chất rắn không tan lơ lửng - TSS 714 100
Tổng lượng phốt pho 60 6
Nguồn : Halida.com.vn