I. Đánh giá thực trạng thu hút ĐTTTNN vào khu công nghiệp – khu chế xuất
1. Kết quả đạt được
1.1. Thúc đẩy phát triển công nghiệp của địa phương và của vùng
Bảng 2.7 cho thấy hơn 80% tổng vốn FDI đầu tư vào KCN-KCX tại vùng KTTĐ Bắc Bộ là tập trung vào công nghiệp, góp phần rất lớn trong việc phát triển công nghiệp địa phương, từ đó đóng góp quan trọng vào sự nghiệp CNH-HĐH của cả nước.
Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, CNĐP (với thành phần chủ yếu là các DN quốc doanh ĐP và một số HTX, tổ hợp, cơ sở nhỏ ngoài QD) mới chỉ chiếm tỉ tọng khoảng 15% trong tổng giá trị SXCN toàn ngành. Sản phẩm của CNĐP lúc đó nhìn chung cũng còn nghèo nàn về chủng loại, chất lượng không cao, chủ yếu phục vụ nhu cầu xuất khẩu tại chỗ. Đến năm 2006, tỷ trọng CNĐP trong tổng giá trị SXCN toàn ngành công nghiệp tại vùng KTTĐ Bắc Bộ đã đạt xấp xỉ 40%; CNĐP đang dần vươn lên chiếm vị trí số 1 về các chỉ tiêu chủ yếu (năng lực sản xuất, sản lượng, doanh thu, nộp ngân sách, thu hút lao động…) như thép nhựa,, phân bón tổng hợp NPKK, dệt may, da giày, chế biến nông-lâm thuỷ hải sản, chế biến gỗ… Ngay cả ngành cơ khí là ngành mà CN trung ương có thế mạnh áp đảo trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới thì nay CNĐP đang dẫn đầu 1 số ngành như sản xuất xe máy và phụ tùng, quạt điện, dây và cáp điện, máy điều hoà, tủ lạnh…..
Kết quả đó có được là nhờ nhiều yếu tố, song không thể không nói tới vai trò của các KCN-KCX. Trước đây 15 năm, những địa phương như Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc… hầu như đều chưa có tên tuổi trên bản đồ công nghiệp Việt Nam. Nhờ phát triển mạnh các KCN, đặc biệt là ngành công nghiệp nặng dựa trên vốn FDI, hiện nay các tỉnh này đều nằm trong nhóm các tỉnh có công nghiệp phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ, có đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của toàn ngành. Ngược lại, những địa phương chưa hình thành được KCN-KCX thường là những địa phương công nghiệp chậm phát triển.
Rõ ràng, các KCN-KCX có tác động lớn như vậy là do: KCN-KCX đã tạo những điều kiện hết sức thuận lợi về mặt hạ tầng kỹ thuật cho nhà đầu tư. Thay vì phải tự lo các thủ tục về lựa chọn địa điểm, xin cấp đất đai, đền bù, san lấp mặt bằng, rà phá bom mìn, giải quyết các vấn đề cấp điện- cấp nước…. thì nhà đầu từ chỉ cần ký hợp đồng thuê đất trong KCN và xây dựng nhà xưởng (hoặc thuê trực tiếp nhà xưởng), lắp đặt thiết bị rồi sản xuất. Điều này tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí, giúp nhà đầu tư không bỏ lỡ
cơ hội kinh doanh. Trong quá trình hoạt động sản xuất – kinh doanh, các nhà đầu tư còn được hưởng nhiều lợi ích khác (nếu so với đầu tư ngoài KCN) như các dịch vụ phục vụ CN trong KCN-KCX (hải quan, ngân hàng, bảo vệ, tư vấn, thông tin…), xử lý các vấn đề phát sinh qua BQL KCN, khả năng liên kết-hợp tác với các doanh nghiệp khác trong cùng KCN. Những lợi ích trên đã tạo cho các KCN-KCX một sức hấp dẫn lớn không chỉ đối với các nhà đầu tư nhỏ hoặc trung bình, mà cả các tập đoàn, công ty lớn, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.