I. Đánh giá thực trạng thu hút ĐTTTNN vào khu công nghiệp – khu chế xuất
1. Kết quả đạt được
1.2. Tạo việclàm cho người lao động
KCN-KCX dưới góc độ lao động - việc làm được phát triển theo 2 hướng:
- Phát triển KCN theo hướng áp dụng công nghệ cao, công nghệ sử dụng nhiều vốn, tuy hệ số co giãn việc làm thấp (thường dưới 0,1) do đầu tư cho một chỗ làm việc mới rất tốn kém (từ 50 triệu đến hàng trăm triệu đồng cho 1 chỗ làm việc), nhưng tạo ra mũi nhọn tăng trưởng kinh tế, sử dụng lao động trình độ cao và tạo việc làm có giá trị cao.
- Phát triển KCN theo hướng áp dụng công nghệ sử dụng nhiều lao động,sản xuất các mặt hàng cho xuất khẩu mà Việt Nam có ưu thế (lắp ráp điện tử, may mặc, giày da…), vừa có ý nghĩa quan trọng góp vào tăng trưởng kinh tế, vừa tạo nhiều việclàm cho người lao động. Đây là hướng phổ biến nhất cho KCN ở nước ta vừa qua.
Qua 16 năm phát triển, KCN-KCX đã mở ra một không gian kinh tế rộng lớn,
một kênh mới rất có tiềm năng để thu hút lao động, giải quyết việc làm cho lao động xã hội. Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, đến năm 2006 các doanh nghiệp trong KCN-KCX thu hút khoảng 918 nghìn lao động trực tiếp, ở vùng KTTĐ Bắc Bộ khoảng 110 nghìn lao động. Nếu tính độ lan toả của nó (hiệu ứng tràn) thì khả năng thu hút lao động còn lớn hơn nhiều. Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hệ số lan toả của các KCN từ 1,3 đến 1,5, thông qua tạo ra các tầng lao động khác nhau, đặc biệt là tầng dịch vụ ngoài hàng rào KCN (dịch vụ nhà ở, ăn uống, sản xuất và chế biến thực phẩm, dịch vụ văn hoá…); theo hệ số này, các KCN trên cả nước hiện nay có thể thu hút khoảng 1 triệu lao động trực tiếp và khoảng 2 triệu lao
động gián tiếp phục vụ cho sản xuất. Cũng theo kết quả điều tra các doanh nghiệp có vốn đầu tư nươc ngoài trong các KCN, KCX của vùng hàng năm có nhu cầu tăng thêm lao động bình quân 10% do mở rộng sản xuất.
KCN là nơi sử dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật phù hợp với công nghệ mới áp dụng vào sản xuất đạt trình độ khu vực và quốc tế. Do đó, KCN đóng góp rất lớn vào đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam để hình thành đội ngũ lao động của nền công nghiệp hiện đại. Kết quả điều tra của Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho thấy, cơ cấu tuyển lao động vào các KCN cứ 100 lao động thì có: 57 lao động phổ thông – 29 công nhân kỹ thuật – 14 trung cấp, cao đẳng, đại học.
Trong số lao động được tuyển vào doanh nghiệp thì:
- Lao động phổ thông về cơ bản được đào tạo kèm cặp tại doanh nghiệp theo yêu cầu của công nghệ và dây chuyền sản xuất để vào làm việc (không được cấp chứng chỉ)
- Số còn lại trên 45% được đào tạo bổ sung kỹ năng mới cho phù hợp với công nghệ áp dụng trong sản xuất.
Đến nay nhiều KCN trên cả nước đã xây dựng các cơ sở dạy nghề( trường nghề KCN Dung Quất, Trung tâm dạy nghề Việt Nam-Singapore), nhưng hiện nay vùng KTTĐ Bắc Bộ vẫn chưa có cơ sở dạy nghề. Đây là hướng rất quan trọng để giải quyết tình trạng thiếu nghiêm trọng lao động kỹ thuật hiện nay.
Phát triển KCN đồng nghĩa với hình thành và phát triển mạnh mẽ thị trường lao động, nhất là thị trường lao động trình độ cao ở nước ta. Hiện nay, lao động làm công ăn lương ở nước ta có khoảng 25,6% (khoảng 13 triệu lao động) thì 80% tập trung ở các vùng kinh thế trọng điểm, KCN tập trung. Đây là một tác động rất lớn của KCN đến phát triển thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong xu thế hội nhập ở nước ta. Về cơ bản, KCN sản xuất sản phẩm dùng cho xuất khẩu (80%), ở đó doanh nghiệp được thử thách trong môi trường cạnh tranh sôi động không chỉ trong nước, mà còn thử thách trong môi trường cạnh tranh quốc tế. Cạnh tranh và quan hệ cung - cầu lao động diễn ra ở khu vực này cũng rất gay gắt, tạo động lực để lao động không ngừng phấn đấu, nâng cao tay nghề.
Quan hệ lao động trong các KCN bước đầu được thực hiện trên cơ sở thoả thuận và tự định đoạt của các bên theo nguyên tắc của thị trường và của pháp luật. Kết quả điều tra của Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho thấy, về cơ bản các doanh nghiệp trong các KCN thực hiện dúng quy định của pháp luật về giao kết hợp đồng lao động, (96% giao kết hợp đồng có thời hạn từ 1 – 3 năm và hợp đồng không xác định thời hạn); tiền lương thực trả cao hơn tiền lương ghi trong hợp đồng từ 14-15% (không vi phạm trong việc áp dụng tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định); trong các năm 2001-2005, tiền lương thực trả có xu hướng tăng từ 10-25%/năm; chênh lệch giữa tiền lương thực trả cho lao động có chuyên môn kỹ thuật cao nhất so với lao động phổ thông là 3,5 lần; thu nhập bình quân 1 lao động trong các khu KCN tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; điều kiện lao động và an toàn vệ sinh lao động trong các KCN tương đối tốt, do mới được thành lập và có trang thiết bị, máy móc hiện đại; ¾ số doanh nghiệp được điều tra đã có tổ chức công đoàn với 80% người lao động tham gia công đoàn; 56% doanh nghiệp đã có thoả ướ lao động tập thể và 45% có cán bộ hoà giải cấp cơ sở.
KCN có mô hình tổ chức và quản lí nói chung, tổ chức và quản lí nhân lực nói riêng, rất tiên tiến, đạt trình độ quốc tế và đa dạng, phụ thuộc vào nguồn xuât xứ của FDI (Nhật, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, EU, Mỹ…). Đây là môi trường rất tốt để đào tạo, chuyển giao khoa học quản lí cho đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp của Việt Nam để có thể thay thế dần lao động quản lý người nước ngoài. Theo kết quả điều tra của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, về cơ bản lao động vào làm việc trong các KCN được phân công làm việc đúng ngành nghề đào tạo; phần lớn lao động Việt Nam đảm nhận công việc thuôc nghề bậc trung và bậc cao (trực tiếp vận hành máy móc, thiết bị); tỷ lệ lao động gián tiếp trong các doanh nghiệp thuộc KCN rất thấp (khoảng 12%); một bộ phận lao động Việt Nam đã đảm đương công việc quản lý cao cấp; lao động là người nước ngoài chiếm tỷ lệ thấp (dưới 2%), chủ yếu là lao động quản lí, chuyên gia, công nhân lành nghề bậc cao, nghệ nhân và đang có xu hướng giảm.