Kinh tế tăng trưởng
Theo các chuyên gia kinh tế, kinh tế thế giới đang ở vào thời kỳ tăng trưởng của chu kỳ kinh tế mới, về tổng thể nền kinh tế thế giới vẫn đang vận hành tốt đẹp: mậu dịch quốc tế tăng trưởng, thị trường tiền tệ sôi động, sức sáng tạo kỹ thuật mạnh mẽ, môi trường vĩ mô thông thoáng,.. khiến kinh tế thế giới vận hành trong qũy đạo tăng trưởng. Trong tương lai từ nay về sau, tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới có hy vọng nhanh hơn so với tốc độ 3,7% trong 20 năm qua. Nền kinh tế của các nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil đang lần lượt trỗi dậy, đang làm thay đổi xu thế tăng trưởng của kinh tế thế giới.
Kinh tế thế giới sau khi trải qua thời kỳ tăng trưởng cao vào năm 2004, thời gian gần đây tốc độ tăng phần lớn chậm lại. Nhưng Tổ chức Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng sự phát triển của kinh tế toàn cầu đang quay trở lại xu thế bình thường. Các chuyên gia kinh tế dự đoán mức độ tăng trưởng của kinh tế thế giới năm 2008 sẽ là 3,8% nhưng vẫn cao hơn mức bình quân của nhiều năm trước, phù hợp với mô hình “hạ cánh mềm”, triển vọng tương đối lạc quan. Ngân hàng thế giới (WB) thì dự đoán mức tăng trưởng kinh tế thế giới 10 năm tới sẽ tốt hơn 20 năm qua. Trong một giai đoạn từ nay về sau, tình hình tăng trưởng kinh tế thế giới về cơ bản có đặc điểm mới là điểm tăng trưởng nhiều, nguồn tăng trưởng đa nguyên, tính phổ biến và tính toàn diện được tăng cường.
Riêng khu vực châu Á một lần nữa trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế thế giới. Kinh tế theo mô hình kinh tế đang phát triển châu Á đã phục hồi ở mức trước cuộc khủng hoảng tiền tệ. Theo thống kê của IMF, năm 2005 và 2006, mức tăng trưởng của kinh tế đang phát triển ở châu Á lần lượt đạt 8,1% và 8,2% cao hơn mức trung bình chung của thế giới. Hiện nay tình hình kinh tế vĩ mô của kinh tế châu Á vẫn ổn định, hợp tác trong khu vực có hiệu quả rõ rệt, cục diện cùng có lợi cùng thắng lợi đang hình thành. Tình hình phát triển kinh tế khu vực xuất hiện “nở hoa toàn diện ”: Đông Á tăng trưởng tương đối nhanh, Đông Nam Á phục hồi vững chắc,…Những điều này đã tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế của Việt Nam, như vậy tạo tiền đề cho sự lớn mạnh của ngành vận tải hàng không nước nhà.
Xu hướng hội nhập kinh tế toàn cầu
Trong những năm trở lại đây, toàn cầu hoá kinh tế là vấn đề đặt ra với tất cả các nước trên thế giới. Toàn cầu hoá chính là sự tự do dịch chuyển các yếu tố của quá trình tái sản xuất từ nước này sang nước khác trên phạm vi toàn cầu. Các dòng vốn, kỹ thuật, hàng hoá, dịch vụ,…ngày càng vượt biên giới các quốc gia. Sự liên kết chặt chẽ kinh tế của các nước trên thế giới tạo thành các luồng phân phối lưu thông, các nguồn lực kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế các nước ngày càng phụ thuộc và chi phối mạnh mẽ tới nhau. Do vậy, hội nhập là xu thế tất yếu.
Gia nhập nền kinh tế toàn cầu, các quốc gia sẽ đón nhận được nhiều cơ hội, có được những điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu phát triển. Tác động tích cực của nền kinh tế toàn cầu là tạo không gian kinh tế rộng mở cho tất cả các nước, thúc đẩy mở cửa thị trường, tự do hoá thương mại. Toàn cầu hoá mở ra cơ hội cho các nước đang phát triển được tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế, tận dụng các luồng vốn lưu chuyển để phát triển.
Thời gian qua, Việt Nam đã chủ động tham gia các tổ chức, diễn đàn kinh tế khu vực và thế giới. Cơ hội mở ra đối với các doanh nghiệp nói chung và VNA là rất nhiều, vì thế điều quan trọng là nắm bắt và tận dụng thật tốt để nâng cao khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu như hiện nay.
Khoa học kỹ thuật phát triển
Sự tăng trưởng kinh tế đã kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật. Càng ngày tốc độ ra đời công nghệ mới càng tăng lên nhanh chóng. Công nghệ hiện đại đã khiến cho năng suất lao động, hiệu quả sản xuất tăng lên đáng kể.
Đối với một ngành công nghệ hiện đại như vận tải hàng không, điều này tác động rất lớn tới khả năng cạnh tranh của ngành. Bởi vì sự thay đổi theo chiều hướng tích cực của kỹ thuật giúp cho hành khách sử dụng dịch vụ thoải mái và tiết kiệm thời gian rất nhiều. Đó là lý do mà VNA đang tích cực hiện đại hoá đội bay. Đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật,… tất cả những hoạt động đó nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và uy tín của TCT trên thị trường trong nước và quốc tế.