Giải pháp nâng cao khả năng thanh khoản

Một phần của tài liệu Năng lực tài chính của ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam giai đoạn hội nhập WTO thực trạng và giải pháp (Trang 99 - 101)

Đảm bảo khả năng thanh khoản phát triển bền vững trong bối cảnh thị trường ngày càng có nhiều biến động là một thách thức không nhỏ đối với các ngân hàng. Việc các ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là các NHTM cổ phần rơi vào tình trạng khủng hoảng thanh khoản trong 6 tháng đầu năm 2008, cùng với việc một loạt các Định chế tài chính khổng lồ tại Mỹ và trên thế giới bị xụp đổ hoặc mua lại do mất khả năng thanh khoản từ hậu quả của việc cho vay dưới chuẩn như Lehman Brothers, Merrill Lynch, Wachovia, Fortis,… là một bài học kinh nghiệm xương máu cho các ngân hàng trong việc đảm bảo khả năng thanh khoản bền vững. Mặt khác, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thì sự ảnh hưởng của biến động kinh tế thế giới tới nền kinh tế trong nước sẽ càng lớn, do vậy rủi ro sẽ càng gia tăng.

BIDV cũng không nằm ngoài xu thế đó. Khả năng thanh khoản của BIDV hiện nay là khá tốt do BIDV có lợi thế về thương hiệu, quy mô, mạng lưới. Tuy nhiên, lợi thế sẽ không là mãi mãi và BIDV cần nỗ lực để giữ vững thị phần trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Cụ thể:

- Kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng, gắn việc tăng trưởng tín dụng với huy động vốn

Việc kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng luôn được BIDV chú trọng hàng đầu và thực hiện khá tốt trong một vài năm trở lại đây. Cụ thể, BIDV thực hiện kiểm soát giới hạn tín dụng từng quý, đảm bảo kiểm soát tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2008 ở mức dưới 30%. Chi nhánh nào có tỉ lệ mức sử dụng vốn/huy động vốn >=100% được phép chủ động tăng trưởng tín dụng tương ứng với tăng trưởng nguồn vốn huy động trong từng quý, chi nhánh nào có mức sử dụng vốn/huy động vốn <100% được tính tăng trưởng tín dụng tương ứng với nguồn vốn huy động trong từng quý nhân với hệ số sử dụng vốn/huy động vốn bình quân năm 2007

của chi nhánh. BIDV cần tiếp tục triển khai đồng bộ chính sách này nhằm đảm bảo hạn chế rủi ro thanh khoản.

- Cơ cấu đầu tư hợp lý, dàn trải, tránh tập trung đầu tư vào các ngành rủi ro cao, quay vòng vốn lâu như bất động sản

Mục tiêu hàng đầu của hoạt động đầu tư của BIDV là đa dạng hóa danh mục tài sản có, dàn trải rủi ro, nâng cao hiệu quả kinh doanh, từ đó góp phần nâng cao tính thanh khoản một cách bền vững, lâu dài. Năm 2007, hoạt động đầu tư của BIDV đã đi đúng định hướng, tập trung vào những lĩnh vực, ngành nghề có tiềm năng và hiệu quả cao như năng lượng, tài nguyên, khoáng sản, cơ sở hạ tầng, tài chính ngân hàng, viễn thông, hàng không, giáo dục y tế…Tổng trị giá danh mục đầu tư tăng 153% so với năm 2006. Bên cạnh qui mô đầu tư, hiệu quả đầu tư cũng có kết quả tăng trưởng khá. Tổng thu nhập từ hoạt động đầu tư trong năm 2007 tăng 61% so với năm 2006. Trong năm 2008 cũng như các năm tiếp theo, hoạt động đầu tư cần tiếp tục được coi là trọng tâm trong hoạt động của BIDV nhằm tăng cường khả năng thanh khoản, giảm thiểu rủi ro tín dụng.

- Đẩy mạnh huy động tiền gửi là nguồn vốn cốt lõi, đảm bảo khả năng thanh khoản bền vững của ngân hàng.

Thị phần huy động hiện nay của BIDV là khá cao so với các NHTM trong nước, tuy nhiên BIDV cần tiếp tục đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm giữ vững và thu hút nhiều hơn nữa nguồn tiền gửi từ dân cư. Mặt khác, để nâng cao khả năng thanh khoản trung và dài hạn, trong thời gian tới BIDV cần tập trung điều chỉnh kỹ thuật nhằm tăng cơ cấu nguồn vốn trung, dài hạn bằng các biện pháp như triển khai phát hành trái phiếu dài hạn tăng vốn cấp 2, trái phiếu tăng vốn bằng VND, giấy tờ có giá dài hạn USD, huy động tiết kiệm dự thưởng; nâng cao quảng bá các sản phẩm huy động vốn trung, dài hạn tới khách hàng.

BIDV cũng cần nhanh nhạy hơn trong việc tiếp cận với các khách hàng lớn như các dự án, các tổng công ty, các doanh nghiệp có nguồn vốn lớn để huy động vốn trung, dài hạn; tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư từ các dự án khác để huy động vốn trung dài hạn.

- Nâng cao chất lượng quản lý thanh khoản

BIDV cần thiết lập ngay chiến lược quản trị thanh khoản thông qua việc hoạch định và dự đoán những thay đổi về lưu lượng tiền gửi và cho vay, cũng như những thay đổi về lợi nhuận. Công tác quản trị này phải đánh giá được ảnh hưởng của các yếu tố rủi ro và lợi nhuận. Trên thực tế công tác quản trị thanh khoản của BIDV đang ngày càng được cải thiện, đặc trưng là việc thiết lập cơ chế kiểm soát và theo dõi hợp lý tình trạng thanh khoản hàng ngày và dài hạn. Tuy nhiên, ngân hàng cần tiếp tục hoàn thiện công tác quản lý thanh khoản theo hướng thông lệ quốc tế, phát huy hơn nữa chức năng, vai trò của hội đồng ALCO và các đơn vị hỗ trợ ALCO nhằm kiểm soát tốt nhất rủi ro thanh khoản của ngân hàng. Bên cạnh đó, BIDV cần tập trung nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh. Ðây là một biện pháp được đánh giá là khá căn bản để có thể quản lý thanh khoản trong cả công tác phòng ngừa và xử lý các khó khăn về thanh khoản.

Một phần của tài liệu Năng lực tài chính của ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam giai đoạn hội nhập WTO thực trạng và giải pháp (Trang 99 - 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)