Năm 2007, khả năng an toàn vốn của BIDV đã có những bước cải thiện đáng kể. Vốn cấp 1 năm 2007 đạt 10.276 tỷ VND, tăng 1,5 lần so với 2006. Vốn cấp 1 của ngân hàng tăng mạnh như vậy chủ yếu là nhờ khoản cấp bổ sung vốn điều lệ 3.400 tỷ đồng theo Quyết định số 148/QĐ - TTg ngày 01/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ, giúp vốn điều lệ của BIDV tăng từ 4.077 tỷ VND lên 7.699 tỷ VND, trở thành ngân hàng lớn thứ 3 Việt Nam về vốn điều lệ và đáp ứng được yêu cầu của NHNN (vốn điều lệ của các ngân hàng quốc doanh phải đạt 3.000 tỷ VND vào năm 2008). Đây là một trong những hành động của Chính phủ nhằm đảm bảo hệ số CAR của BIDV đạt 8% trước cổ phần hoá. Bên cạnh đó, nguồn tăng của Vốn cấp 1 năm 2007 còn từ lợi nhuận giữ lại (tăng gấp 2 lần so với năm 2006).
Về vốn cấp 2, Đề án Phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 của BIDV giai đoạn 2006-2007 đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, theo đó cho phép BIDV phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 với số lượng phát hành là 5.600 tỷ (trong đó, năm 2006, BIDV đã phát hành 3.250 tỷ, dự kiến phát hành thêm 2.350 tỷ vào các năm tiếp theo). BIDV trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam phát hành trái phiếu dài hạn để tăng vốn cấp II theo đúng các điều kiện quy định của Ngân hàng Nhà nước
và Bộ Tài chính. Mức vốn cấp 2 vừa đảm bảo mức an toàn vốn vừa tuân theo đúng quy định của Ngân hàng nhà nước không vượt quá 50% vốn cấp 1.
Bảng 2.2: Vốn tự có của BIDV năm 2006 - 2007
Đơn vị: tỷ VND 2006 2007 Vốn cấp 1 6.648 10.276 Vốn cấp 2 3.341 3.223 Khoản giảm trừ -3.644 -2.856 Tổng vốn tự có tính CAR 6.345 10.643 Tỷ lệ Vốn cấp 1/Tổng tài sản có rủi ro 5,8% 6,4% Hệ số an toàn vốn – CAR (theo IFRS) 5,5% 6,7% Hệ số an toàn vốn – CAR (theo VAS) 9,6% 9,71%
Nguồn: Báo cáo thường niên của BIDV năm 2007
Nhờ tốc độ tăng của vốn cấp 1, chỉ số CAR của BIDV theo cách tính quy định cụ thể tại Quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN ngày 19/04/2005 của NHNN liên tục được cải thiện. Nếu theo VAS, chỉ số CAR của BIDV năm 2007 đạt 9,71%, cao hơn mức 8% quy định của NHNN. Tỷ lệ này cũng là tương đối cao so với các ngân hàng quốc doanh khác, đồng thời thể hiện nỗ lực của BIDV trong việc nâng cao năng lực vốn của ngân hàng, nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
Bảng 2.3: Chỉ tiêu an toàn vốn (CAR) năm 2007 của các ngân hàng quốc doanh
BIDV VCB ICB Agribank MHB Trung bình
2006 2007 2006 2007 2006 2007 2006 2007 2006 2007 2006 2007
9,6% 9,71% 9,6% 5,2% 5% 7,20% 9,30% 9,40% 6,80% 9,2%
(Nguồn: báo cáo thường niên các ngân hàng, báo cáo phân tích ngành ngân hàng)
Tuy nhiên, nếu tính theo IFRS thì hệ số CAR của BIDV năm 2007 mới chỉ đạt 6,7%, vẫn còn thấp hơn so với thông lệ. Đây là mục tiêu nhưng cũng là thách thức lớn của BIDV trong quá trình cổ phần hoá để hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Nếu theo đánh giá của tác giả thì khả năng an toàn vốn của BIDV mới chỉ đạt mức hạng 3, mức chưa hỗ trợ được đầy đủ các rủi ro của ngân hàng. Theo
đánh giá tín nhiệm của tổ thức định hạng Moody’s, khả năng an toàn vốn của BIDV đạt điểm C (trong thang điểm giảm dần A, B, C, D và E) và thậm chí phía tổ chức định hạng còn khuyến nghị BIDV cần tăng chỉ số Vốn cấp 1 theo IFRS lên 8%.
Trong năm 2008, BIDV cần tiếp tục có kế hoạch tăng vốn để duy trì hệ số CAR ở mức cao, tạo điều kiện mở rộng qui mô hoạt động. Mặc khác, song song với việc tăng vốn thì việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, giảm tỷ lệ nợ xấu cũng là một biện pháp quan trọng để nâng cao chỉ tiêu an toàn vốn.