Chương trình định canh định cư được áp dụng với các đối tượng là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống du canh, du cư có đủ 3 tiêu chí sau:
- Không có đất sản xuất ổn định thuộc quyền sử dụng của hộ theo quy định của nhà nước.
- Nơi ở không ổn định di chuyển chỗ ở theo nương rẫy hoặc đang sinh sống tách biệt, rải rác thành các nhóm nhỏ, xa các điểm dân cư tập trung, thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống và sinh hoạt.
- Chưa được hưởng thụ các chíh sách hỗ trợ tương tụ của Nhà nước theo các Quyết định: 190/2003/QĐ-TTg, ngày 16/9/2003, số 120/QĐ-TTg ngày 11/6/2003, số 134/QĐ-TTg ngày 20/7/2004, số 193/2006/QĐ-TTg ngày 24/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ.
Cần đảm bảo nguyên tắc không được trùng lắp đối tượng và nội dung thụ hưởng chính sách.
ĐCĐC được tổ chức theo hai hình thức: Thứ nhất là tổ chức ĐCĐC tập trung, tổ chức cho các hộ về sinh sống tại các điểm ĐCĐC mới. Thứ hai, tổ chức ĐCĐC xen ghép, có nghĩa là cho các hộ về sinh sống xen ghép với dân sở tại ở các thôn, bản đã có.
Thành tựu của công tác ĐCĐC
Nhìn chung công tác ĐCĐC ở miền núi trong những năm gần đây đã có những chuyển biến tích cực, giúp nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sống du canh du cư được định cư và sản xuất ổn định, gồm có việc khai hoang đất để phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, và đảm bảo quỹ đất cho các hộ yên tâm định cư lâu dài. Bên cạnh đó dự án ĐCĐC còn đầu tư vốn hỗ trợ về giống cây trồng, phân bón, khuyến nông, khuyến lâm, đồng thời đồng bào còn được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, trường học, nước sinh hoạt, các công trình thủy lợi…. Đời sống của nhiều đồng bào dân tộc đã được đảm bảo sau khi ĐCĐC.
Hộp 2.6: Cuộc sống mới của người Mông ở xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái
Từ năm 1999, số hộ đồng bào người Mông di cư từ các huyện vùng cao đến xã Hồng Ca ngày càng nhiều. Trước thực trạng đó, Ban dân tộc – Miền núi tỉnh đã thực hiện dự án ĐCĐC, ổn định đời sống và giải quyết dân di cư tự do tại hai bản vùng cao Hồng Lâu và Khun Bổ thuộc xã Hồng Ca. Sau 5 năm định canh định cư ở vùng đất mới, đời sống của đồng bào đã được nâng
lên rõ rệt, tỷ lệ nghèo giảm từ 37% (năm 1999) xuống còn 19% (năm 2005), bình quân lương thực đầu người đã tăng từ 177 kg lên 270 kg/người/năm, số hộ dân được dùng nước sạch đạt 80%, 100% số hộ được cấp thẻ khám bệnh miễn phí…. Ngoài ra ngay từ đầu về đây, người Mông đã được đã được đồng bào Tày và Kinh trong xã Hồng Ca đùm bọc giúp đỡ.
Tại bản Hồng Lâu, trưởng bản Hờ A Tính cho biết “từ ngày về bản mới, 98% con em đồng bào Mông đã được đến lớp mầm non và được học tiếp lên các bậc học cao hơn. Bản đã hoàn thành công tác xóa mù chữ từ năm 2002. Các hủ tục lạc hậu, ma chay, cưới xin, sinh hoạt hàng ngày đã dần được xóa bỏ. Đồng bào Mông yên tâm ổn định cuộc sống, gắn bó với bản làng mới”.
Nguồn: Ủy ban dân tộc – Miền núi Nhìn chung công tác ĐCĐC, không những có tác động trực tiếp đến đời sống của bà con dân tộc thiểu số có lối sống DCDC mà còn có ảnh hưởng gián tiếp đến công tác ngăn chặn nạn phá rừng thông qua việc giảm sức ép của đời sống DCDC vào tài nguyên rừng. Vì vậy cần phải đẩy mạnh công tác ĐCĐC cho các đồng bào dâ tộc, giải quyết triệt để vấn đề DCDC còn tồn tại ở vùng miền và trong cả nước.
Những tồn tại và hạn chế
- Tuy nhiên cũng không ít đồng bào dân tộc gặp khó khăn sau khi ĐCĐC. Do quỹ đất thì hạn chế, nhưng tình trạng di cư tự do thì tiếp diễn liên tục ở các dân tộc thiểu số, nên việc đảm bảo quỹ đất sản xuất cho bà con sau ĐCĐC còn hạn chế và gặp nhiều vướng mắc trong cách giải quyết của các đơn vị, tổ chức có chức năng.
Vẫn còn tồn tại trường hợp người dân bỏ nơi định canh định cư di chuyển đến nơi khác.
Hộp 2.7: Đồng bào người Mông bỏ đi từ khu tái định cư Lũng Noong – Bắc Kạn
Khu tái định cư Lũng Noong ở tỉnh Bắc Kạn, có hơn 40 hộ người Mông được đưa về định cư tại đó. Tuy nhiên sau 3 năm đinh cư, đến nay đã có 9 hộ với hơn 30 khẩu đã bỏ khu tái định cư chuyển đi nơi khác sống, và cũng có 6 hộ hiện đã bán hết tài sản để chuẩn bị chuyển đi. Trong đó có những hô rất khá, trước khi đi họ có hàng chục con trâu, lương thực khá nhiều và đời sống ổn định.
Nguồn: Ủy ban dân tộc – Miền núi - Nguy cơ mai một đi một số nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc tiểu số sau khi ĐCĐC. Mới đầu thay đổi nếp sống, nơi ở mới, có nhiều văn hóa mới du nhập vào trong làng bản của các đồng bào dân tộc, bên cạnh đó lại không nhận được sự quan tâm sát sao của các cấp các ngành trong vấn đề bảo tồn văn hóa truyền thống. Nhiều dân tộc sau khi ĐCĐC, thì những trang phục truyền thống cũng không còn, thay vào đó là những trang phục hiện đại giống như người Kinh. Hay nhiều giai điệu, điệu múa như điệu múa xòe của người Mông cũng mai một dần, người dân không được tổ chức sinh hoạt như trước kia.
Nguyên nhân hạn chế của công tác ĐCĐC ở miền núi phía Bắc.
- Do tập quán và thói quen sinh hoạt của những người sống DCDC, nên bước đầu cũng khó khăn cho người dân trong việc làm quen với đời sống ĐCĐC.
- Do bất đồng ngôn ngữ mà công tác tuyên truyền, vận động của công tác này kém hiệu quả. Thứ nhất là những người sống DCDC chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, có văn hóa và ngôn ngữ riêng của dân tộc mình. Thứ hai thì những cán bộ làm công tác tuyên truyền này lên để giúp đồng bào ĐCĐC thì chỉ yếu là những người miền xuôi chưa thông thạo tiếng của các dân tộc. Chính vì vậy mà công tác vận động tuyên truyền của người dân vẫn chưa đi
vào lòng dân.
- Chương trình ĐCĐC còn ít chú trọng đến sự tham gia của người dân địa phương, là những người cần được đề xuất ý kiến và bàn bạc, trực tiếp quyết định các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của mình, cho phù hợp với từng vùng, phù hợp với văn hóa của từng dân tộc
- Ngoài ra, các chương trình, công tác hỗ trợ thiếu sự đồng bộ, nguyên nhân chính là do thiếu vốn. Ở nhiều nơi định cư cho đồng bào nhưng vẫn khó khăn cho vấn đề đi lại, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nông lâm nghiệp, thậm chí nhiều chương trình hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi còn chưa được triển khai, hoặc triển khai chậm. Đây cũng chính là một lý do khiến người dân không tin tưởng, và không yên tâm gắn bó với nơi định cư mới.