Nghiên cứu phân bố của trứng cá và cá bột là cơ sở để xác định bãi đẻ,
ương dưỡng và mùa vụ sinh sản của cá [22], [40]. Sự xuất hiện trứng cá tại một khu vực nào đó, đồng nghĩa với khu vực đó có cá bố mẹ tập trung sinh sản, dựa vào thời gian của từng giai đoạn phát triển trứng và quá trình vận chuyển có thể phỏng đoán vị trí cá đẻ trứng. Vì vậy, phân bố trứng cá và cá bột là nội dung trong điều tra tìm hiểu về vị trí bãi đẻ, bãi ương dưỡng theo chuỗi thời gian, từ đó xác định được bãi đẻ trứng, bãi ương dưỡng của loài về
mặt không gian và thời gian [42]. Các chương trình điều tra trứng cá và cá bột, với mục đích xác định được bãi đẻ trứng, bãi ương dưỡng để thành lập
các sơ đồ hay bản đồ phân bố hay atlas cho từng loài, là rất có ý nghĩa trong
khai thác và quản lý nghề cá. Chương trình hợp tác khảo sát nghề cá biển California (California Cooperative Oceanic Fisheries Investigations) đã điều tra trong nhiều năm và xây dựng 35 bộ atlas cho các lĩnh vực khác nhau; trong đó có 10 bộ atlas về phân bố của cá bột [121]. Mức độ phong phú và tính chất phân bố của cá bột cùng với các điều kiện môi trường đặc trưng của
vùng biển được nghiên cứu, đã phản ánh các mối quan hệ giữa sự phong phú của cá bột với các yếu tố môi trường. Brodeur và cs (1985) [55] khảo sát
vùng nước trồi ở Oregon (Hoa Kỳ), cho thấy cá bột loài cá cơm phương bắc (Engraulis mordax) rất nhiều trong năm 1983, trong khi có rất ít vào những năm trước đây. Lý giải cho hiện tượng này là do tác động của hiện tượng El Niño làm cho nhiệt độ nước biển tăng lên, dẫn đến cá bột các nhóm khác giảm, còn loài cá cơm phương bắc thích nghi ở nhiệt độ nước biển cao hơn nên chiếm
ưu thế. Phân bố mật độ trứng cá và cá bột trong toàn bộ khối nước giúp đánh
giá sinh khối của chúng, còn theo từng tầng nướclà để biết được tập tính sinh
sản của cá bố mẹ và đặc tính nổi của trứng cá và cá bột từng loài [40]. Sự
phân bố của cá bột theo chiều thẳng đứng còn phụ thuộc vào chu kỳ ngày đêm
[51]. Tính chất phân bố trứng cá và cá bột còn thể hiện theo mùa [136]. North và Houde (2004) [129] phân tích sự khác nhau của cá bột theo không gian
phân bố và từ đặc điểm dòng chảy đã chỉ ra sự vận chuyển trứng cá và cá bột
của loài cá cơm Anchoa mitchilli ở vịnh Chesapeake (Hoa Kỳ). Kết quả
nghiên cứu về phân bố theo mặt rộng theo không gian và thời gian còn được
áp dụng đánh giá và so sánh mức độ phong phú, vùng phân bố và hiệu quả bổ
sung quần đàn trong các điều kiện môi trường khác nhau theo mùa và của các
năm. Tính chất phân bố cá bột của nhiều loài có quan hệ với đặc điểm khối nước vùng ven bờ [59]. Motos và cs (2004) [122] đã phân tích mối quan hệ
nhiệt độ, độ mặn nước tầng mặt, sinh khối động vật phù du và sự tập trung
của trứng cá và cá bột ở vùng biển xứ Basque, trong đó mật độ trứng cá có liên quan đến phân bố nhiệt độ và độ mặn tầng mặt. Fives và cs (2001) [75] phân tích về sự phong phú và phân bố mật độ khác nhau của cá bột của 4 loài cá Scomber scombrus, Trachurus trachurus, Merluccius merluccius và
1986, 1989 và 1992, đã đánh giá được mức độ bổ sung quần đàn của chúng
vào các năm này.
Dựa vào sự khác nhau của độ phong phú của trứng cá và cá bột theo thời gian và vùng phân bố có thể phán đoán được sự tác động của các yếu tố môi trường đến mùa đẻ và khả năng bổ sung quần đàn. Nhiệt độ nước là yếu tố có mối quan hệ rõ ràng nhất đối với sự phân bố cá bột trong các tầng nước [40]. Kanstinger và Peck (2009) [94] phân tích sự xuất hiện đồng thời cá bột của 3 loài cá thuộc họ cá trích (Clupeidae): Sardina pilchardus, Engraulis encrasicolus và Sprattus sprattus ở vùng phía nam Biển Bắc, đánh giá các bãi
đẻ và xem xét các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ mặn, mật độ động vật phù du (chân mái chèo)... để lý giải nguyên nhân tại sao hai loài Sardina pilchardus, Engraulis encrasicolus xuất hiện trở lại sau gần 30 năm ở vùng biển này và đồng thời với loài Sprattus sprattus.
Xu hướng hiện nay là nghiên cứu độ phong phú và đa dạng của cá bột ở
các khu vực có điều kiện môi trường thích hợp, nhằm xác định bãi ương dưỡng thuận lợi nhất của cá bột và cá con. Field và cs (1982) [74] đã đưa ra phương pháp phân tích mô hình phân bố đa loài, cho phép xác định các nhóm loài có tính chất phân bố tương đồng nhau, đồng thời ở từng loài cũng có thể đánh giá bằng tổ hợp các yếu tố môi trường thông qua phân tích tương quan đa biến. Sự phân bố tập trung cá bột có liên quan với các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ mặn, mật độ tảo làm thức ăn ... [66].