Ở vùng biển Việt Nam cá cơm bắt đầu được nghiên cứu về trứng cá từ năm 1978, Nguyễn Hữu Phụng [20] đã mô tả 4 loại trứng của giống cá cơm
(Stolephorus) ở ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng, trong đó có mô tả về đặc
điểm phân loại trứng của từng loài và thành lập khóa phân loại, đồng thời tác giả cũng đo đạc kích thước chiều dài trứng thu được hàng tháng của từng loài. Mặc dù cá bột của cá cơm thường chiếm tỉ lệ cao trong vùng nước ven bờ, tuy nhiên trong những năm sau đó vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu về mặt phân loại, mà chỉ định loại chung là cá bột giống Stolephorus [21], [23], [26]. Shadrin và cs (1998) [145] mô tả trứng cá và cá bột mới nở vùng biển ven bờ
Việt Nam thông qua việc nuôi trứng đến khi nở, trong công trình này tác giả
có trình bày hình thái phát triển phôi và cá bột mới nở của 4 loài cá cơm sọc
xanh, cá cơm mõm nhọn, cá cơm thường và cá cơm ấn độ với các thông tin
kích thước mới nở và sau khi nở. Sự biến đổi mật độ trứng cá theo tháng của
loài cá cơm sọc xanh là cơ sở đểxác định mùa vụ sinh sản, kết quả khảo sát ở
vịnh Nha Trang, cho thấy trứng cá có mật độ cao vào tháng 3 -5 và tháng 9 - 11 [27]. Trứng loài cá cơm sọc xanh xuất hiện nhiều ở vùng ven biển từ
Khánh Hòa đến Vũng Tàu với mật độ trứng cá cao. Tổng hợp các số liệu điều tra theo mùa gió tây nam (tháng 6 - 8) và chuyển mùa (tháng 3 - 5), đã cho
thấy vùng tập trung trứng cá từ Cà Ná đến Vũng Tàu, mật độ cao nhất hơn
500 trứng/100m3 [28]. Vùng biển đông và tây Nam Bộ thu được 4 loại trứng cá cơm là cá cơm sọc xanh (Encrasicholina punctifer), cá cơm mõm nhọn (E. heteroloba), cá cơm Ấn Độ (Stolephorus indicus) và cá cơm thường (S. commersonii). Đối với cá bột chưa phân loại được loài, chỉ xác định chung cho 2 giống Stolephorus và Encrasicholina. Chiều dài cá bột, cá con vào tháng 5 phân bố từ 2 - 22mm, tập trung chủ yếu ở nhóm chiều dài từ 5 - 8mm (trung bình 7,6mm). Trong tháng 8 chiều dài dao động trong khoảng từ 3 - 28mm, chủ yếu tập trung ở nhóm chiều dài từ 5 - 10mm (trung bình 8,0mm), [7].
Nguồn lợi cá cơm ở vùng biển nước ta được quan tâm điều tra từ
những năm cuối của thế kỷ 20. Lê Trọng Phấn và Nguyễn Văn Lục (1991) [18] đã công bố kết quả khảo sát về sinh học và nguồn lợi giống cá cơm
(Stolephorus), các tác giả cho rằng giống cá cơm (Stolephorus) sinh sản
quanh năm, nhưng tập trung từ tháng 4 - 7 hàng năm. Nguyễn Văn Lục (1999) [16] nghiên cứu bổ sung số liệu năm 1995 cho rằng 3 loài: cá cơm sọc xanh,
cá cơm mõm nhọn và cá cơm Ấn Độ ở vịnh Nha Trang đẻ quanh năm, mùa sinh sản tập trung từ tháng 3 - 5 và tháng 9 - 11 hàng năm. Mặc dù các nghiên cứu trên có nêu lên mùa đẻ chung cho giống cá cơm (Stolephorus), nhưng không chi tiết cho từng loài.
Sản lượng cá cơm đánh bắt hàng năm từ Huế đến Kiên Giang là 15.000 - 25.000 tấn, riêng ở Nha Trang khoảng 2.000 tấn. Trữ lượng ước tính cho toàn bộ dải ven biển Miền Nam Việt Nam có độ sâu nhỏ hơn 100m vào bờ là 500.000 - 600.000 tấn, khả năng đánh bắt 200.000 - 300.000 tấn [18]. Vùng
đông - tây Nam Bộ có trữ lượng cá trỏng trung bình khoảng 123.000 tấn và khả năng khai thác khoảng 61.500 tấn, trong đó giống cá cơm chiếm khoảng
70% [7]. Nhìn chung cá cơm là loài sống thành từng đàn ở vùng ven bờ, có chiều dài thân chuẩn từ 5 -12cm, trong đó loài cá cơm thường và cá cơm Ấn
Độ có kích thước lớn nhất, tuổi tối đa của chúng là 3+, sinh sản quanh năm,
tập trung vào tháng 4 – 7 [5], [6], [18], [24].