Probiotic là hổn hợp bổ sung mang bản chất của các vi sinh vật sống tác động có lợi đối với vật chủ nhờ cải thiện hệ vi sinh liên kết với vật chủ hoặc sống tự do trong môi trường, nó giúp cải thiện việc sử dụng thức ăn hoặc tăng cường giá trị dinh dưỡng của thức ăn, ngoài ra Probiotic còn giúp tăng khả năng đề kháng của vật chủ đối với mầm bệnh hoặc nhờ vào sự cải thiện chất lượng của môi trường sống (Phạm Thị Tuyết Ngân, 2007).
Probiotic bao gồm những vi khuẩn có lợi (vi sinh vật hữu ích). Trong thủy sản hầu hết những sinh vật này là vi khuẩn lactic (Lactobacillus plantarum, L.
acidophillus, L. casei, L. rhamnosus, L. bulgaricus, Carnobacterium…), , giống
Bacillus (B. subtilis, B. licheniformis, B. megaterium, B. polymyxa,…),
Actinomycetes, Nitrobacteria…được áp dụng trong các bể ương nuôi, trong ao để hạn chế sự nhiễm bệnh đối với các vi khuẩn gây bệnh (Xiang-Hong et al., 1998; Lê Đình Duẩn và ctv, 2007). Cũng theo nghiên cứu của Lê Đình Duẩn và ctv (2007) một số thành phần khác cũng được tìm thấy trong Probiotic là tập hợp các enzyme có nguồn gốc vi sinh vật như amylase, protease, lipase, cellulase, chitinase, một số vitamin thiết yếu và chất khoáng. Ngoài ra, trong các chế phẩm sinh học giúp xử lý nước và nền đáy ao thường bổ sung thêm các chủng nấm sợi và xạ khuẩn (thuộc nhóm Aspergillus, Streptomyses...).
Theo Nair và ctv., 1985 vi khuẩn lactic acid và một số nhóm vi khuẩn khác có khả năng tiết ra chất ức chế các vi khuẩn gây bệnh như Aeromonas hydrophila và
Vibrio parahaemolyticus. Sử dụng các nhóm vi khuẩn có lợi phân lập từ ruột cá bơn (Scophthalmus maximus) trong ao nuôi có thể kìm hãm vi khuẩn V. anguillarum gây bệnh (Olsson và ctv., 1992), điều này chứng tỏ nhóm vi khuẩn có lợi đã cạnh tranh có hiệu quả với nhóm vi khuẩn gây bệnh (Phạm Thị Tuyết Ngân, 2007).
Nghiên cứu của Xiang-Hong và ctv, 1998 cũng cho biết một số vi khuẩn hữu ích có thể kích thích hoặc ức chế sự phát triển của tảo. Tác giả còn cho biết thêm những vi khuẩn có lợi trong nước sẽ loại trừ nhanh NH3, H2S, vật chất hữu cơ có hại. Ngoài ra, chúng còn có thể cân bằng pH trong ao nuôi.
Cải thiện chất lượng nước là một trong những vai trò quan trọng của vi sinh vật hữu ích trong nuôi trồng thủy sản. Vì thế, Verschuere (2000) đã nghiên cứu và công bố vi khuẩn Bacillus sp.đóng vai trò quan trọng trong việc cải tiến chất lượng nước, do vi khuẩn này đạt hiệu quả cao trong việc chuyển đổi vật chất hữu cơ thành CO2. Vì vậy, Bacillus sp. giúp giảm tích lũy chất hữu cơ và các chất hòa tan (Phạm Thị Tuyết Ngân, 2008).