Trong những năm gần đây, phong trào nuôi thủy sản đang phát triển mạnh theo hướng thâm canh, để bền vững đòi hỏi phải có giải pháp tốt trong quản lý ao và sinh vật nuôi. Hiện có xu hướng dùng vi sinh vật hay dẫn xuất của chúng trong nuôi trồng thủy sản để khống chế dịch bệnh, cải thiện dinh dưỡng vật nuôi và cải thiện chất lượng nước và bùn đáy ao. Hiện có nhiều loại men vi sinh khác nhau lưu hành trên thị trường và tên gọi của chúng cũng phân loại không hoàn toàn chính xác. Thuật ngữ “Probiotics” được dùng khá phổ biến nhưng nhiều trường hợp vẫn chưa chính xác. Các khái niệm và tên gọi về việc các sản phẩm chứa vi sinh vật được gọi tên khác nhau tùy vào chức năng hoặc là tác dụng của chúng.
• Probiotics
Là chế phẩm dùng cải thiện sức khoẻ sinh vật và các khái niệm về “Probiotics” cũng được hiểu khác nhau theo lịch sử phát triển. Probiotics là các sinh vật hay chế phẩm giúp cân bằng quần thể vi sinh vật trong ruột của sinh vật (Parker, 1974). Là nhóm một hay nhiều vi sinh vật nuôi sống khi ăn vào cơ thể động vật hay người sẽ có tác dụng tốt qua việc cải thiện quần thể sinh vật tiêu hoá trong ruột (Havenaar and Huis in Veld, 1992). Là các tế bào vi sinh vật đưa vào cơ thể qua đường tiêu hoá (dạ dày-ruột) và được giữ sống nhằm cải thiện sức khoẻ sinh vật nuôi (Gatesoupe, 1999). “Là thức ăn bổ sung có bản chất vi sinh vật sống có tác động có lợi đối với vật chủ nhờ cải thiện sự cân bằng hệ vi sinh trong ruột của chúng” (Fuller, 1989).
Các định nghĩa này chú ý đến vai trò của vi sinh vật trong hệ tiêu hoá của sinh vật trên cạn. Đối với thuỷ sản cần có những xem xét đến bản chất của môi trường thuỷ sinh.
• Bio-remediation
Là chế phẩm cải tạo môi trường được dùng như là một giải pháp công nghệ sinh học để xử lý các sự cố như tràn dầu, chất thải sinh hoạt,…bằng cách cấy các vi sinh vật từ ngoài vào để giảm các chất hữu cơ. Trong ao nuôi thủy sản thì “bio- remediation” là chế phẩm có tác dụng làm giảm các chất thải hữu cơ để không gây ô nhiễm môi trường qua sử dụng các sinh vật kích thước nhỏ và lớn (Nguyễn Thanh Phương, 2005).
Là chế phẩm ức chế tác nhân gây bệnh, là một biện pháp khống chế sinh học bằng cách dùng các sinh vật này để khống chế các sinh vật khác, hay nói khác đi là dùng các sinh vật đối kháng trong số các sinh vật (Maeda và ctv., 1997).
Tuy nhiên, khi tạo một sản phẩm mà có nhiều chức năng khác nhau thì dùng một trong các tên nêu trên, nhất là thuật ngữ “Probiotics” là không phù hợp.Boyd (2005) đề nghị dùng thuật ngữ “microbial products” cho các sản phẩm dùng để cải thiện nền đáy và chất lượng môi trường nước.
Theo Bộ Thủy sản (2002) thì chế phẩm sinh học là sản phẩm có nguồn gốc sinh vật, kể cả vi sinh vật, các thực liệu lấy từ nấm, vi trùng, vi-rut và các nguyên sinh, độc tố, nọc độc từ nguồn động vật hoặc thực vật gây hại cho động vật để chẩn đoán, phòng bệnh, chữa bệnh cho thuỷ sản nuôi trồng và xử lý môi trường nước nuôi trồng thuỷ sản. Các sản phẩm trên được gọi chung là men vi sinh (hay vi sinh vật hữu ích).