Bên cạnh những thành công như trên việc thực hiện chủ trương CPH DNNN ở nước ta cũng bộc lộ khá nhiều hạn chế:
- Tiến độ CPH chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra. Tuy đạt được những kết quả đáng ghi nhận nêu trên nhưng so với yêu cầu và mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 3, Trung ương 9 (khoá IX), Nghị quyết Đại hội X của Đảng thì việc sắp xếp, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp mà trọng tâm là CPH DNNN vẫn còn chậm, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Những số liệu dưới đây cho thấy việc thực hiện CPH luôn thấp hơn chỉ tiêu đề ra.
Bảng 1.2: Số liệu các DNNN tiến hành CPH
Thời kỳ Thực tế Mục tiêu Tỷ lệ
1998- 1999 307 850 43,5%
2000- 2005 2075 4500 46,1%
2006- 2007 212 1460 14,5%
Nguồn: Tổng cục thống kê năm 2007
- Cơ cấu vốn điều lệ: tỷ lệ cổ phần do Nhà nước giữ ở các doanh nghiệp đã cổ phần hóa như sau: nắm giữ cổ phần chi phối trên 50% ở 33% số doanh nghiệp; dưới 50% số vốn ở 37% số doanh nghiệp và không giữ lại tỷ lệ % vốn nào ở gần 30% số doanh nghiệp. Xem xét cụ thể hơn có thể thấy: số vốn Nhà nước đã được cổ phần hóa chỉ mới chiếm 12%, và ngay trong số vốn này,
Nhà nước vẫn nắm khoảng 40%, vì thế số vốn mà Nhà nước cổ phần hóa được bán ra ngoài mới chiếm một tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 3,6%). Với cơ cấu vốn Nhà nước đã cổ phần hóa như trên có thể thấy bức tranh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước ở nước ta hiện nay và hiểu rõ hơn khái niệm cổ phần “chi phối” của Nhà nước.
- Việc xác định giá trị tài sản của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, sơ hở: giá trị doanh nghiệp chưa được tính đúng và thống nhất; giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, nguồn nhân lực tại doanh nghiệp chưa được xem xét đánh giá đầy đủ, và nhất là chưa xác định đúng giá trị quyền sử dụng đất để đưa vào giá trị doanh nghiệp khi CPH đã làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, làm lợi cho một số người, tạo nên bức xúc xã hội.
- Các hoạt động bổ trợ cho quá trình CPH doanh nghiệp như kiểm toán, tư vấn, các định chế tài chính trung gian, thị trường chứng khoán... chưa được quan tâm phát triển đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Doanh nghiệp CPH chưa thực sự chủ động lựa chọn đơn vị tư vấn, xác định giá trị tài sản, xây dựng phương án CPH, phương án phát triển sau CPH.
- Mục tiêu thu hút các nguồn vốn xã hội vào sản xuất, kinh doanh khi CPH DNNN đạt được còn thấp. Chủ trương bán cổ phần ưu tiên cho đối tác chiến lược là chiến lược đúng đắn, tuy nhiên việc triển khai còn lúng túng, thiếu hướng dẫn cụ thể xác định đối tác chiến lược. Vì vậy, chưa thu hút được các cổ đông có tiềm lực lớn về vốn, khoa học công nghệ, có uy tín và quan hệ quốc tế rộng tham gia vào CPH DNNN. Do đó, sau CPH các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, uy tín thương hiệu chưa có nhiều thay đổi, nhiều doanh nghiệp năng suất lao động và sức cạnh tranh chưa cao, một số doanh nghiệp còn thua lỗ.
- CPH chưa thực hiện tốt mục tiêu tạo sự gắn bó, phát huy tinh thần làm chủ của người lao động trong doanh nghiệp. Điều đáng quan tâm là tình trạng nhiều người lao động trong doanh nghiệp đã bán cổ phần ưu đãi được mua, thậm chí bán trước khi được mua nhưng chưa có cách khắc phục tình trạng này. Điều này không những không tạo được sự gắn bó, phát huy quyền làm chủ của người lao động trong doanh nghiệp mà còn tạo khả năng tập trung vốn vào tay một số người, lãnh đạo doanh nghiệp, CPH có xu hướng tư nhân hoá.
- Quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp sau CPH vẫn cồn tồn tại nhiều bất cập. Vai trò của các cơ quan Nhà nước đối với doanh nghiệp sau CPH đã thay đổi tuy nhiên nhiều vấn đề liên quan đến quản lý Nhà nước đối với công ty sau CPH vẫn chưa được giải đáp rõ ràng. Các biện pháp trong cải cách và quản lý DNNN còn thiên về khu vực DNNN có 100% vốn hoạt động theo luật DNNN, chưa chú trọng tới các doanh nghiệp sau CPH .
- Hiện đang có tình trạng chưa phân định rõ ràng và nhận thức đúng về người đại diện sở hữu cổ phần Nhà nước và người trực tiếp quản lý cổ phần Nhà nước tại công ty cổ phần. Vì vậy, dẫn đến tình trạng không thống nhất trong cử người đaị diện, cử người không đủ thẩm quyền, dẫn đến quyết định của hội đồng quản trị công ty chậm, triển khai quyết định chậm, lỡ thời cơ kinh doanh của công ty, Nhà nước chưa có tiêu chí đánh giá, chế độ ràng buộc về quyền lợi, trách nhiệm của người đại diện quản lý cổ phần Nhà nước.
- Vấn đề chuyển nhượng cổ phần của người lao động và yêu cầu “CPH không được biến thành tư nhân hoá”: ngay sau khi CPH đã diễn ra tình trạng chuyển nhượng cổ phần của người lao động, đặc biệt là đối với những người lao động nghèo chuyển nhượng cổ phần ưu đãi của mình cho người khác. Việc chuyển nhượng này mặc dù hợp pháp nhưng có ảnh hưởng đến mục tiêu
của CPH là đảm bảo mọi người lao động có cổ phần để tạo động lực, gắn trách nhiệm của người lao động với doanh nghiệp, không được biến CPH thành tư nhân hoá. Đã có những trường hợp một nhóm nhỏ cổ đông thâu tóm cổ phần công ty, kiểm soát công ty, thực chất đó là tư nhân hoá công ty.
- Chính sách và quy trình cổ phần hóa ở nước ta, trên thực tế, vẫn dựa trên tư duy cũ. Vì vậy, từ khâu định giá tài sản doanh nghiệp, cho đến tổ chức quản lý sau khi doanh nghiệp đã cổ phần hóa đều tồn tại nhiều vấn đề. Việc giải quyết vấn đề tài chính trước, trong và sau khi cổ phần hóa còn nhiều bất cập như:
Xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa chưa đúng, gây nên thất thoát và lãng phí tài sản nhà nước trong và sau quá trình cổ phần hóa. Việc xác định giá trị doanh nghiệp trải qua hai giai đoạn khác nhau. Trong giai đoạn chưa có Nghị định 187: việc xác định giá trị doanh nghiệp do một Hội đồng hoặc doanh nghiệp tự đảm nhận. Điều đó dẫn đến việc xác định thấp hoặc quá thấp giá trị doanh nghiệp, do đó, phần lớn cổ phần rơi vào tay một nhóm người. Trong giai đoạn sau khi có Nghị định 187: sự thất thoát tài sản nhà nước đã được hạn chế, nhưng lại nảy sinh tình trạng liên kết, gian lận trong đấu thầu.
Việc xử lý các khoản nợ tồn đọng gây nhiều khó khăn. Tính đến ngày 31-12-2005, dư nợ cho vay đối với các công ty cổ phần vào khoảng 51.603 tỉ đồng. Đặc biệt, việc xử lý nợ xấu đã mất rất nhiều thời gian do thiếu sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành ngân hàng, thuế, tài chính.
Chất lượng định giá doanh nghiệp của nhiều tổ chức cung ứng dịch vụ thẩm định giá trị có độ tin cậy thấp. Mặt khác, quy chế lựa chọn, giám sát hoạt động tư vấn và xác định giá trị doanh nghiệp chưa được quy định rõ, chưa gắn trách nhiệm của tổ chức tư vấn, định giá với việc bán cổ phần.
Quy trình cổ phần hóa (từ xây dựng đề án đến thực hiện đề án) chưa sát thực tế, còn rườm rà, phức tạp nên đã kéo dài thời gian cổ phần hóa. Bình quân thời gian để thực hiện cổ phần hóa một doanh nghiệp mất 437 ngày, tổng công ty mất 554 ngày. Sau khi cổ phần hóa, rất nhiều doanh nghiệp vẫn