Xác định kế hoạch tuyên truyền, hỗ trợ trong từng giai đoạn:

Một phần của tài liệu Các giải pháp nhằm phát triển dịch vụ hỗ trợ đối tượng nộp thuế trong điều kiện hiện nay của Việt Nam (Trang 45 - 47)

Công tác tuyên truyền, hỗ trợ ĐTNT cũng như tất cả các công việc khác, muốn thu được hiệu quả cao nhất thì ngành thuế phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết, khoa học, thiết thực cho từng giai đoạn nhất định.

Khách thể của hoạt động tuyên truyền-hỗ trợ thuế là ĐTNT và các tầng lớp dân cư. Vì vậy, khi xây dựng kế hoạch tuyên truyền-hỗ trợ thì phải bắt nguồn từ đặc điểm, nhu cầu của các đối tượng. Nội dung, hình thức, thời điểm tuyên truyền, hỗ trợ phải phù hợp với từng nhóm.

Có thể phân loại ĐTNT theo mức độ tuân thủ chính sách thuế để xác định được mức độ trọng tâm của từng hoạt động HTĐTNT đối với từng nhóm:

- Đối với các đối tượng thường xuyên chấp hành tốt, ví dụ: doanh nghiệp Nhà nước, các công ty lớn…: chú trọng tư vấn hơn là tuyên truyền, hỗ trợ, vì họ đã có ý thức và thực hiện tốt nghĩa vụ thuế của mình.

- Đối với nhóm đối tượng vi phạm pháp luật thuế do vô ý: đặt trọng tâm vào hoạt động hướng dẫn, để giúp họ biết cách thực hiện đúng chính sách thuế.

- Đối với nhóm đối tượng vi phạm pháp luật thuế do cố ý: trước hết phải tuyên truyền cho họ hiểu chức năng, ý nghĩa, bản chất của thuế để tăng ý thức về thuế của họ, sau đó mới là các hoạt động hướng dẫn, tư vấn.

Khi quan thuế tổ chức các buổi hướng dẫn, đối thoại với doanh nghiệp thì nên phân nhóm theo ngành nghề hoặc địa bàn, vì các ĐTNT này thường có cùng lỗi sai, vướng mắc. Trên cơ sở đó, bố trí cán bộ thuế, chuyên gia kế toán cho thích hợp.

Cơ quan thuế có thể tổng hợp nhu cầu của ĐTNT bằng cách phát phiếu thăm dò thông qua các hội nghị, các cuộc tập huấn, gửi thư hoặc từ các nguồn thông tin khác (từ kinh nghiệm quản lý, thanh tra, kiểm tra…). Dựa vào đó, cơ quan thuế phân tích thông tin để lựa chọn hình thức, thời gian tuyên truyền thích hợp, thu hút sự chú ý của ĐTNT. Hình thức được lựa chọn phải phù hợp với nhiều ĐTNT và hiệu quả nhất. Ví dụ: giải thích, trả lời trên báo: nhiều người không đọc; trả lời trên internet: chi phí rẻ nhất nhưng ĐTNT ít có điều kiện truy cập…Nội dung để hướng dẫn thường là những vướng mắc mà

ĐTNT hay gặp. Vấn đề chọn thời gian để tuyên truyền-hỗ trợ cũng rất quan trọng, ví dụ: cuối tháng 3 doanh nghiệp phải nộp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp năm thì thời gian để hướng dẫn thuế thu nhập doanh nghiệp nên vào khoảng tháng 2…

Công tác tuyên truyền cho công chúng phải chú ý đến trình độ dân trí, mức độ quan tâm đến thuế…Ví dụ, địa phương có trình độ dân trí cao, như ở các thành phố lớn, thì có thể sử dụng hình thức tuyên truyền hiện đại (qua báo chí, internet…). Nhưng ở địa phương mà trình độ dân trí chưa cao, như miền núi, vùng sâu, vùng xa, ngành thuế nên tuyên truyền bằng cách dựng hài kịch, tiểu phẩm để diễn cho người dân xem…

Cơ quan thuế các cấp, các địa phương trên cơ sở đặc điểm của ĐTNT, của dân cư xây dựng kế hoạch tuyên truyền, hỗ trợ cho phù hợp, đồng thời cũng phù hợp với kế hoạch của cấp trên.

Đồng thời, cơ quan thuế phải phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng kế hoạch cụ thể cho công tác tuyên truyền: cùng với đài phát thanh, đài truyền hình trung ương và địa phương xây dựng chuyên mục về thuế phát định kỳ với các nội dung: giới thiệu các chính sách, chế độ về thuế, phóng sự về hoạt động của ngành thuế, giải đáp các câu hỏi, vướng mắc về thuế…Dựng một số phim phóng sự, kịch ngắn với các nội dung tuyên truyền để phát trên đài truyền hình vào những thời điểm thích hợp. Tổ chức định kỳ các cuộc thi tìm hiểu pháp luật thuế trên một số báo, đài với từng loại đối tượng dự thi: thiếu niên, học sinh, sinh viên, các tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Một phần của tài liệu Các giải pháp nhằm phát triển dịch vụ hỗ trợ đối tượng nộp thuế trong điều kiện hiện nay của Việt Nam (Trang 45 - 47)