Đáp ứng yêu cầu của chương trình cải cách quản lý thuế:

Một phần của tài liệu Các giải pháp nhằm phát triển dịch vụ hỗ trợ đối tượng nộp thuế trong điều kiện hiện nay của Việt Nam (Trang 42 - 43)

Mục tiêu của cải cách quản lý thuế đến năm 2010 là: Đổi mới và từng bước hiện đại hoá công tác quản lý thuế, nâng cao hiệu quả và hiệu lực của ngành thuế trong việc thực hiện quản lý thuế, thực thi pháp luật thuế, trên cơ sở ngày càng nâng cao ý thức trách nhiệm và tính tự giác của mọi tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chính sách thuế, giảm bớt thủ tục hành chính gây phiền hà đối với người nộp thuế, để tiến tới áp dụng đầy đủ quy trình tự tính, tự khai, tự nộp.

Để đạt được mục tiêu trên thì công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật thuế và hỗ trợ, tư vấn ĐTNT phải tăng cường cả về năng lực (tăng số lượng và trình độ cán bộ) và phương tiện kỹ thuật hiện đại với nhiều hình thức phong phú.

Trước hết, công tác tuyên truyền và hướng dẫn, tư vấn cho người nộp thuế phải được mở rộng và nâng cao chất lượng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống giáo dục. Tuyên truyền, giáo dục pháp luật thuế để ĐTNT nâng cao ý thức tự giác, chấp hành nghiêm chỉnh nghĩa vụ nộp thuế và ngân sách Nhà nước. Hướng dẫn, tư vấn kịp thời, đầy đủ để các ĐTNT nắm được nội dung và thực hiện chính sách thuế, các thủ tục kê khai, tính thuế, xin miễn, giảm thuế… theo đúng pháp luật.

Khuyến khích mở rộng và tạo điều kiện phát triển các hoạt động tư vấn thuế, các dịch vụ kế toán thuế. Các hoạt động này có thể do các tổ chức của Nhà nước hoặc của tư nhân thực hiện. Mục đích là phục vụ kịp thời các nhu cầu tư vấn về thuế của ĐTNT. Đồng thời hướng dẫn ĐTNT thực hiện tốt công tác kế toán, quản lý hoá đơn, chứng từ để hạch toán đúng kết quả kinh doanh, xác định đúng nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Từ đó mở rộng diện nộp thuế theo hình thức tự kê khai tự nộp, thu hẹp dần diện nộp thuế theo thông báo.

Công tác HTĐTNT phải thúc đẩy quá trình cải cách hành chính thuế, thực hiện có hiệu quả cơ chế quản lý mới: ĐTNT tự kê khai, tự nộp thuế vào ngân sách Nhà nước. Có yêu cầu này là do một trong những điều kiện để thực hiện được cơ chế quản lý mới là ĐTNT phải hiểu nghĩa vụ thuế của mình. Họ phải nhận được thông tin một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời về chính sách thuế, các thủ tục về thuế…Họ cần được tạo điều kiện để dễ dàng tiếp cận với dịch vụ tư vấn, giải đáp về thuế và kế toán. Đó là nhiệm vụ của công tác HTĐTNT.

Một phần của tài liệu Các giải pháp nhằm phát triển dịch vụ hỗ trợ đối tượng nộp thuế trong điều kiện hiện nay của Việt Nam (Trang 42 - 43)