Những hạn chế

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác phân tích tài chính tại công ty cổ phần May 10 (Trang 49 - 53)

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phân tích tài chính của Công ty cổ phần May 10 vẫn còn có những hạn chế sau:

Hạn chế về nguồn thông tin

- Công ty chưa sử dụng hết nguồn thông tin hiện có để phục vụ cho công tác phân tích.

Phân tích tài chính DN cần sử dụng nguồn thông tin đa dạng, cả bên trong và bên ngoài DN, cả thông tin tài chính và phi tài chính. Việc cung cấp đầy đủ thông tin sẽ giúp cho DN thực hiện phân tích tài chính một cách thuận lợi, đánh giá một cách toàn diện hơn tình hình tài chính Công ty.

Tuy nhiên tại Công ty cổ phần May 10, chủ yếu nắm bắt tình hình tài chính Công ty thông qua các báo cáo tài chính được báo cáo bởi kế toán trưởng theo từng kỳ và báo cáo của đơn vị kiểm toán hàng năm, vì vậy chất lượng phân tích chưa được cao.

Trong quá trình phân tích, cần sử dụng thêm các thông tin phi tài chính mà Công ty đã thu thập, đặc biệt là các thông tin về doanh nghiệp như đặc điểm hoạt động, mục tiêu của ban lãnh đạo, thị trường sản phẩm, chính sách của doanh nghiệp… nhằm đưa ra được những đánh giá, phân tích toàn diện hơn, đồng thời giúp nhà phân tích đề xuất được các phương án giải quyết thích hợp.

Quá trình phân tích tài chính của Công ty thực tế là phân tích các báo cáo tài chính, tuy nhiên việc lập các báo cáo tài chính chưa đảm bảo tính chính xác tuyệt đối.

Mặc dù đã lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ nhưng Công ty chưa sử dụng nguồn thông tin này để phân tích tài chính doanh nghiệp.

- Công tác phân tích tài chính của Công ty chưa có các tỷ lệ trung bình ngành. Các chỉ tiêu tài chính của Công ty mới chỉ được so sánh giữa các năm với nhau mà chưa được đối chiếu với các chỉ tiêu cùng loại của các doanh nghiệp trong ngành, cũng như mức bình quân ngành. Do vậy, mới thấy được sự tăng giảm giữa các năm làm Công ty chỉ có sự đánh giá chủ quan về doanh nghiệp mình. Không có sự so sánh với các doanh nghiệp khác nên Công ty không có được cái nhìn chuẩn xác về các điểm mạnh và điểm yếu của Công ty. Từ đó không thể phát huy được điểm mạnh và hạn chế khắc phục những điểm yếu còn tồn tại của Công ty, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.

Ví dụ như mặc dù mức lợi nhuận năm 2008 của Công ty không đạt được mức kỳ vọng năm 2007, nhưng nếu xem xét với các doanh nghiệp khác trong ngành dệt may, mà năm 2008 chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính toàn cầu,

nhiều doanh nghiệp chịu thua lỗ, không tìm được đầu ra cho sản phẩm, thì việc có được lợi nhuận chính là điểm mạnh của Công ty.

Hạn chế về nội dung phân tích

Nội dung phân tích tài chính chưa đầy đủ, một số chỉ tiêu tài chính chưa được cán bộ phân tích tài chính đánh giá đến.

- Hạn chế khi phân tích các cân bằng trên bảng cân đối kế toán:

Trong việc phân tích tài sản, nguồn vốn, Công ty thiên về phân tích tình hình tăng giảm của các loại tài sản và nguồn vốn kỳ này so với kỳ trước mà chưa phân tích được mối liên hệ, sự biến động của tài sản và nguồn vốn để xem xét tình hình diễn biến nguồn vốn và sử dụng vốn. Công ty cũng chưa phân tích về mối liên hệ giữa tài sản dài hạn với nguồn vốn dài hạn thông qua chỉ tiêu VLĐTX để xem xét tài sản dài hạn của DN được tài trợ bằng nguồn nào và việc tài trợ đó có hợp lý không, có đem lại cơ cấu tài chính rủi ro cho doanh nghiệp không, từ đó giúp nhà quản lý đưa ra những quyết định hợp lý trong việc huy động và sử dụng vốn. Công ty cũng chưa xác định chỉ tiêu N/cVLĐ. Xác định đúng đắn nhu cầu vốn lưu động là một nội dung quan trọng của quản trị tài chính doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp tránh được tình trạng ứ đọng vốn, sử dụng vốn hợp lý, tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động, tăng vòng quay vốn lưu động, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của DN được tiến hành liên tục, bình thường, là căn cứ quan trọng cho việc xác định nguồn tài trợ N/cVLĐ. Thêm vào đó, Công ty chưa phân tích, đánh giá các cân bằng trên bảng cân đối kế toán, mối quan hệ giữa VLĐTX, N/cVLĐ, VBT. Trong hoạt động kinh doanh, việc phát sinh N/cVLĐ là tất yếu. Để tài trợ cho N/cVLĐ, một cơ cấu vốn an toàn là doanh nghiệp thường xuyên có một phần nguồn vốn dài hạn để bù đắp, phần còn lại sử dụng vốn tín dụng ngắn hạn. Tuy nhiên, cơ cấu tham gia của vốn dài hạn và vốn tín dụng ngắn hạn tài trợ cho N/cVLĐ nhiều hay ít sẽ quyết định mức độ an toàn hay rủi ro trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi vậy việc phân tích VLĐTX cần đặt trọng mối quan hệ với N/cVLĐ để thấy được một cơ cấu hợp lý.

Dựa vào mối quan hệ giữa VLĐTX, N/cVLĐ, VBT và sự biến động của chúng có thể đánh giá mức độ rủi ro trong cơ cấu vốn, đánh giá khái quát tình hình đảm bảo vốn cho hoạt động kinh doanh của DN.

- Hiện nay, Công ty đã sử dụng các chỉ tiêu tài chính như tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản, tỷ suất lợi nhuận sau thuế vốn chủ sở hữu, tỷ suất lợi nhuận trước thuế và lãi vay trên tổng tài sản, các chỉ tiêu phản ánh khả năng thanh toán, cơ cấu nguồn vốn và tài sản. Tuy nhiên, việc phân tích còn rất sơ sài, đánh giá chung chung. Các chỉ tiêu phản ảnh hiệu quả hoạt động: vòng quay khoản phải thu, hàng tồn kho, hiệu suất sử dụng tài sản cố định chưa được tính đến. Những tỷ lệ này rất quan trọng, nó phản ánh hiệu quả hoạt động, hiệu quả sử dụng các nguồn lực của Công ty như thế nào, từ đó, Công ty có các biện pháp khai thác, sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả hơn.

- Mặc dù đã lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ, tuy nhiên, Công ty vẫn chưa sử dụng báo cáo này để tiến hành phân tích. Trong điều kiện hiện nay, việc phân tích dòng tiền đối với doanh nghiệp ngày càng trở nên quan trọng. Nếu công ty có lợi nhuận cao, tuy nhiên phần doanh thu tạo nên lợi nhuận đó chủ yếu từ bán hàng trả chậm, hay dòng tiền thuần âm, thì công ty đó rất thiếu tính thanh khoản và có thể dẫn đến tình trạng phá sản.

- Thêm vào đó, các chỉ tiêu mà Công ty đã phân tích và đánh giá, các cán bộ phân tích chưa lý giải được nguyên nhân vì sao có kết quả hoặc nguyên nhân dẫn đến những hạn chế đó. Do đó rất khó tìm ra được những giải pháp nhằm phát huy những điểm mạnh và hạn chế những điểm yếu trong hoạt động tài chính tại Công ty.

Hạn chế trong phương pháp phân tích

Phương pháp phân tích vận dụng còn hạn chế. Mặc dù Công ty đã sử dụng hai phương pháp phân tích tài chính: phương pháp so sánh và phương pháp tỷ lệ. Tuy nhiên, việc sử dụng phương pháp còn chưa linh hoạt, chưa tận dụng được hết lợi thế của các phương pháp phân tích. Đặc biệt, với phương pháp so sánh, Công ty mới chỉ đánh giá được biến động của các chỉ tiêu kỳ này so với kỳ trước thông qua phương pháp so sánh số tuyệt đối, số tương đối, so sánh ngang, Công ty chưa sử dụng so sánh dọc, nhất là khi đánh giá báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Công ty cũng chưa

sử dụng phương pháp Dupont để xác định mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến các chỉ số tỷ suất lợi nhuận tổng tài sản, tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu. Vì vậy công tác tài chính của Doanh nghiệp chưa toàn diện.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác phân tích tài chính tại công ty cổ phần May 10 (Trang 49 - 53)