HOÀN THIỆN PHÂN TÍCH TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SỐ 1 HÀ NỘ
3.1.1. Những ưu điểm
Hoạt động phân tích tình hình tài chính là công việc đòi hỏi phải tìm hiểu, nghiên cứu để có được những đánh giá nhận định xác thực và cung cấp thông tin cần thiết cho các đối tượng. Qua quá trình theo dõi, tìm hiểu thực trạng phân tích tình hình tài chính tại Công ty cổ phần xây dựng số 1 Hà Nội, có thể đưa ra một số ưu điểm nổi bật trong hoạt động phân tích tài chính của Công ty.
Thứ nhất về tài liệu phân tích: công ty tiến hành phân tích trên cơ sở
tài liệu là các báo cáo kế toán, các sổ kế toán liên quan. Trong đó, nguồn tài liệu được sử dụng chủ yếu là các báo báo tài chính, trọng tâm là Bảng cân đối kế toán và Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Đó là những báo cáo được lập theo mẫu và bắt buộc phải có theo quy định của Chế độ kế toán hiện hành. Chính vì thế, đây là nguồn tài liệu phân tích có nguồn gốc rõ ràng, có tính pháp lý và đảm bảo về độ tin cậy. Hơn nữa, các tài liệu này đều hợp lệ và phù hợp với nội dung phân tích, đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu phân tích.
Mặt khác, hầu hết các tài liệu phân tích được bộ phận kế toán của Công ty lập và trình bày nên qua đó thấy được hiệu quả hoạt động của bộ máy kế toán của Công ty trong việc cập nhật theo những quy định của Chế độ kế toán hiện hành và công tác kế toán tại Công ty (tổ chức, ghi chép, xử lý, tổng hợp, báo cáo). Công tác này vận hành tốt nên đã gián tiếp giúp cho việc phân tích tình hình tài chính tại Công ty có kết quả và phản ánh được thực trạng tài chính của Công ty, kể cả những khó khăn cũng như những thành tích. Bởi lẽ, nếu tổ chức công tác kế toán thiếu hiệu quả thì không thể có được những báo cáo, tài liệu phân tích có chất lượng, phản ánh đa dạng các góc độ tài chính. Và nếu như phân tích tình hình tài chính trên cơ sở
những tài liệu đó thì khó có thể cung cấp được những thông tin chính xác và đúng đắn.
Thứ hai về phương pháp phân tích: trong phân tích tình hình tài chính,
Công ty áp dụng chủ yếu hai phương pháp: phương pháp so sánh và phương pháp loại trừ. Đây là hai phương pháp được sử dụng rất phổ biến, đơn giản và dễ thực hiện. Do đó, chi phí cho việc phân tích cũng ít tốn kém mà vẫn đảm bảo thông tin cung cấp có giá trị. Mặt khác, do đối tượng quan tâm đến tình hình tài chính của Công ty gồm nhiều đối tượng khác nhau nên trình độ nhận thức và hiểu biết về kinh tế, tài chính khác nhau. Nhưng với hai phương pháp áp dụng để phân tích thì vì do cách thực hiện đơn giản, dễ làm nên rất dễ theo dõi và dễ hiểu đối với mọi đối tượng. Từ đó, các đối tượng quan tâm vừa có thể nắm bắt tình hình tài chính của Công ty cách dễ dàng vừa có thể theo dõi, kiểm tra và giám sát cách phân tích và hiểu được ý nghĩa của việc phân tích. Bên cạnh đó, với phương pháp loại trừ, thông tin mà hoạt động phân tích cung cấp không chỉ là những thông tin về tình hình tài chính mà còn chỉ ra những nhân tố có tác động ảnh hưởng đến biến động tài chính của Công ty, tăng thêm lượng thông tin hỗ trợ cho việc quản trị doanh nghiệp cũng như ra quyết định.
Thứ ba về nội dung phân tích: căn cứ theo những tài liệu phục vụ cho
phân tích, Công ty tiến hành phân tích từ đánh giá khái quát đến phân tích chi tiết cụ thể một số góc độ tài chính. Với trình tự phân tích như vậy tạo cho đối tượng đọc báo cáo phân tích vừa có được cái nhìn tổng quan về tình hình tài chính, vừa nắm bắt được chi tiết thực trạng một số khía cạnh tài chính của Công ty.
Về phần nội dung chi tiết, Công ty đi sâu vào phân tích các nội dung: phân tích tình hình công nợ và khả năng thanh toán, phân tích hiệu quả kinh doanh và phân tích rủi ro tài chính. Đây đều là những nội dung rất cơ bản và quan trọng, những vấn đề mà không chỉ bản thân nội bộ Công ty quan tâm mà nhiều đối tượng bên ngoài cũng rất quan tâm. Đối với một doanh nghiệp
hoạt động trong lĩnh vực xây lắp như Công ty, sản phẩm xây lắp thường là các công trình dự án có giá trị lớn nên việc xuất hiện các khoản công nợ là điều dễ hiểu và nếu tỷ trọng của các khoản này lớn cũng là điều bình thường. Chính vì thế, việc phân tích tình hình tài chính bao gồm nội dung phân tích công nợ và khả năng thanh toán là rất hợp lý vì sẽ theo dõi, phản ánh được thực trạng công nợ cũng như khả năng thanh toán của Công ty và chỉ ra được những khó khăn thử thách hay ưu điểm thuận lợi trong tình hình thanh toán của Công ty. Trên cơ sở đó, Ban lãnh đạo của Công ty không những nắm bắt đầy đủ tình hình tài chính của Công ty mà còn kịp thời có những biện pháp cải thiện tình hình, xây dựng các chiến lược lâu dài. Còn phân tích hiệu quả kinh doanh là nội dung mà bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng đều đặt quan tâm hàng đầu và không thể thiếu trong phân tích tài chính. Bên cạnh hai nội dung phân tích quan trọng trên, Công ty còn tiến hành chọn phân tích thêm rủi ro tài chính. Thực tế, doanh nghiệp nào cũng có những rủi ro tiềm ẩn nhưng việc đánh giá, nhận diện các rủi ro đó lại không đơn giản mà rất phức tạp, biến động, khó lường. Do vậy, với những nguồn lực hiện có, Công ty đã bổ sung thêm nội dung này vào nội dung phân tích tình hình tài chính. Điều đó chứng tỏ Công ty muốn nắm bắt thực trạng tài chính cách rõ ràng hơn, bổ sung chi tiết hơn cho các nội dung phân tích trước để từ đó có thể nhận biết được những dấu hiệu rủi ro và đưa ra phướng hướng giải quyết kịp thời.
Mặt khác, trong từng nội dung phân tích, Công ty đã sử dụng hệ thống các chỉ tiêu phân tích phổ biến, cơ bản, đơn giản dễ xác định nhưng lại có giá trị và ý nghĩa phân tích.