Tiến độ thi công chậm trễ
Hàng loạt các công trình xây dựng cơ bản trọng điểm sử dụng nguồn vốn Nhà nước trong thời gian qua đều thực hiện chậm so với tiến độ đã được ký kết trong hợp đồng do tình hình biến động giá vật tư ngay từ đầu năm 2007.
Trong hàng loạt nguyên nhân gây chậm trễ công trình mà phía nhà thầu đưa ra, ngoài những nguyên nhân khách quan như thời tiết, tiến độ giải tỏa mặt bằng... thì nguyên nhân chủ quan nằm ở phía các nhà thầu, từ năng lực tài chính đến trang thiết bị phương tiện, đội ngũ lao động. Một chủ đầu tư dự án trọng điểm thú thật, nguyên nhân chậm trễ trong các công trình xuất phát từ năng lực từ phía nhà thầu, trong đó phải kể đến tình trạng khi tham gia đấu thầu, vì để được trúng thầu nên hầu hết các nhà thầu đều đưa ra thời gian hoàn thành công trình càng ngắn càng tốt, trong khi triển khai thực hiện công trình thì các nhà thầu đã lộ ra những yếu kém từ năng lực tài chính, cho đến phương tiện, nhân công...
Về vấn đề này, không ít công ty là chủ đầu tư rất có tên tuổi trong ngành xây dựng, nhưng do đồng loạt “ôm đồm” quá nhiều công trình nằm rải rác nhiều nơi trong phạm vi toàn quốc đã phần nào chi phối năng lực thực tế của nhà thầu. Trong khi đó, để có được nguồn vốn thoải mái để việc thi công không bị trì hoãn không phải là chuyện dễ cho doanh nghiệp, bởi lẽ hiện nay hầu hết các ngân hàng đều rất e ngại và không muốn mạo hiểm đứng ra bảo lãnh cho nhà thầu tham gia dự án, công trình có số vốn từ hàng chục tỷ đồng trở lên. Vì vậy, nhiều nhà thầu chọn giải pháp thế chấp tài sản, thiết bị thi công để có vốn thực hiện công trình, sau đó cứ theo vòng xoay theo khối lượng công việc, nếu có năng lực tài chính thì có thể tiếp tục thực hiện công trình, còn ngược lại doanh nghiệp buộc phải chờ vốn giải ngân mới.
Vốn dàn trải
Từ năm 2005 đến 2007, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách là 237.447 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách do địa phương quản lý là 151.774 tỉ và các bộ, ngành trung ương quản lý là 85.673 tỉ đồng, chiếm khoảng 20-22% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Số vốn trái phiếu Chính phủ đã được giải ngân ở các địa phương là 757,85 tỉ đồng, vốn ODA đã được giải ngân là 4.876 tỉ đồng. Tổng số vốn tính đến tháng 6-2008 do nhà nước bảo lãnh là 5.820 triệu đô la Mỹ.
Với nguồn vốn đầu tư đa dạng như thế, nhưng theo nhận xét đoàn giám sát, quyết định đầu tư chủ yếu vẫn chạy theo số lượng mà chưa tính đến khả năng bố trí nguồn vốn, chưa chú trọng đúng mức đến hiệu quả đầu tư.
Tại các tỉnh, nhu cầu đầu tư xây dựng cơ bản đều rất lớn vì cơ sở hạ tầng của địa phương thiếu và yếu nên dù có ưu tiên đầu tư theo thứ tự nhưng thực tế vẫn dàn trải hoặc sai sót trong quyết định đầu tư. Cụ thể là đầu tư sai mục đích, vượt thẩm quyền, không phù hợp gây thất thoát, lãng phí... mà bài học về "đại công trường” ở tỉnh Hà Giang những năm trước đây còn để lại hậu quả tới giờ về việc đầu tư ồ ạt và thất thoát, lãng phí.
Có những địa phương, kế hoạch bố trí vốn chỉ đáp ứng được 1/3 đến một nửa dự toán được duyệt nên kéo dài thời gian đầu tư. Ví dụ đề án nâng cấp bệnh viện huyện và bệnh viện đa khoa khu vực giai đoạn 2005-2008 do Bộ Y tế trình với tổng vốn đầu tư là 8.350 tỉ đồng, ngân sách trung ương mới cấp 1.202 tỉ trong số 3.920 tỉ đồng, bằng 30,6%. Các địa phương phải bố trí khoảng 1.000 tỉ đồng/năm nhưng thực tế chỉ được khoảng 200-300 tỉ đồng, như vậy chắc chắn không thể hoàn thành mục tiêu của đề án năm 2008.
Có những dự án, công trình đã được cấp có thẩm quyền ở trung ương phê duyệt từ hơn 10 năm nhưng chưa bố trí được nguồn vốn hoặc thực hiện rất dở dang như dự án đập thủy lợi Tà Pao (Bình Thuận), quốc lộ 70 Phú Thọ-Lào Cai.
Đoàn giám sát bổ sung thêm rằng, việc phân giao và tốc độ giải ngân các nguồn vốn nhìn chung chậm, đặc biệt là vốn trái phiếu Chính phủ. Ở địa phương, vốn này mới chỉ giải ngân được 30% so với kế hoạch trong 3 năm (2005-2007). Hậu quả của nó là việc nợ đọng còn rất lớn. Tổng số nợ xây dựng cơ bản nguồn ngân sách nhà nước từ các công trình đã hoàn thành do địa phương quản lý tính đến tháng 6-2008 là 3.860 tỉ đồng.
Thủ tục, quy định làm tốn nhiều tiền nhà nước
Một trong những nguyên nhân khiến cho đồng vốn nhà nước đang tắc ở các dự án, các địa phương lại xuất phát chính từ các quy định của người cấp vốn (nhà nước).
Thậm chí, nhiều quy định đang tồn tại còn làm cho đồng vốn đầu tư liên tục bị điều chỉnh và gia tăng, kéo theo việc phải điều chỉnh tổng dự toán của công trình.
Đoàn giám sát có đưa ra một ví dụ về quy trình thủ tục đấu thầu chiếm nhiều thời gian hoặc việc chỉ định thầu cũng rắc rối không kém. Như trường hợp dự án Nhà máy đạm Cà Mau, nếu được chỉ định thầu sẽ chọn được nhà thầu với tổng mức vốn đầu tư 500 triệu đô la Mỹ với thiết bị công nghệ cao. Tuy nhiên, quyết định đấu thầu đã khiến thời gian hoàn thành dự án chậm 2 năm, mức vốn đầu tư tăng lên 900 triệu đô la Mỹ nhưng công nghệ thấp.
Hoặc quy định áp dụng chỉ định thầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn có giá trị dưới 500 triệu đồng và gói thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp có giá trị dưới 1 tỉ đồng là thấp so với thực tế vì giá cả biến động quá nhanh, quy định cứng sẽ không phù hợp.
Hơn nữa, có những nghị định của Chính phủ mâu thuẫn lẫn nhau, như một nghị định quy định điều chỉnh dự án trong trường hợp biến động bất thường của giá nguyên vật liệu nhưng lại có nghị định khác không quy định về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư trong trường hợp có biến động bất thường về giá nguyên vật liệu nên làm chủ đầu tư lúng túng.
Các chủ đầu tư hiện nay vẫn sợ nhất công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và nút thắt nhiều năm này đã khiến cho nhiều dự án đội giá lên thấy rõ. Nguyên nhân lớn nhất của nó là do cơ chế chính sách không phù hợp, thiếu nhất quán giữa các loại dự án, giữa các địa phương và giữa các thời điểm thực hiện, gây nhiều khó khăn cho quá trình triển khai, làm thất thoát và lãng phí.
Một ban quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải nói với đoàn giám sát rằng, để làm được thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng một dự án cần hơn 40 loại văn bản, công văn, giấy tờ. Hoặc do cơ chế, giá trị đền bù giải phóng mặt bằng của một số công trình còn lớn hơn giá trị xây lắp, ví dụ như đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TPHCM) trị giá xây lắp là 68 tỉ đồng, tiền đền bù giải phóng mặt bằng là 654 tỉ đồng; hay cầu Thủ Thiêm trị giá xây lắp là 573 tỉ đồng, trị giá đền bù cộng thêm khoảng 100% nữa (576,91 tỉ đồng).
Dù chỉ ra rất nhiều bất cập trong việc thực hiện việc cấp vốn, sử dụng vốn và chấp hành các quy định về dùng đồng vốn trong công tác xây dựng cơ bản ở các địa phương, các bộ, ngành nhưng đoàn giám sát Ủy ban thường vụ Quốc hội thừa nhận là vấn đề lớn và phức tạp này mới có hai lần thực hiện giám sát (năm 2004 và năm 2008), chưa thể tìm ra một hướng thật đầy đủ nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém. Do vậy, trước mắt cách tốt nhất là tăng cường giám sát để hạn chế những bất cập về cơ chế, thất thoát về đầu tư và đẩy nhanh việc đưa vào sử dụng hiệu quả các dự án từ đồng vốn nhà nước.
Buông lỏng giám sát sử dụng vốn đầu tư Nhà nước
Quản lý và giám sát vốn đầu tư Nhà nước tại các dự án đang bị buông lỏng. Phần lớn các cơ quan đầu mối như các Bộ, ngành, địa phương và tập đoàn kinh tế không có báo cáo hoặc có nhưng không đạt yêu cầu.
Ngoài số đơn vị không "thèm" báo cáo về tình hình sử dụng vốn đầu tư Nhà nước thông qua việc giám sát thì những đơn vị có báo cáo cũng chỉ làm mang tính hình thức. Thống kê cho thấy, chỉ có 4.816 dự án sử dụng vốn Nhà nước có báo cáo giám sát so với con số 13.300 dự án được thực hiện đầu tư, đạt tỷ lệ 36,1%.
Bộ KH - ĐT đã nhận xét, các báo cáo phần lớn chưa đáp ứng yêu cầu về nội dung tại Thông tư số 03/2003/TT-BKH ngày 19/05/2003 của Bộ KH - ĐT về hướng dẫn giám sát đầu tư. Nội dung các báo cáo sơ sài, thiếu số liệu và phân tích đánh giá tình hình, chưa đề xuất các biện pháp cụ thể
Theo Bộ KH - ĐT, sỡ dĩ một công tác quan trọng nhằm đảm bảo vốn đầu tư Nhà nước được quản lý và sử dụng hiệu quả lại bị hình thức hoá và bị coi thường là do chế tài để đảm bảo sự chấp hành nghiêm túc chưa đủ. Bộ đang kiến nghị nhiều giải pháp nhằm xoá bỏ tình trạng này. Một trong những yêu cầu là bổ sung các chế tài đủ mạnh như: chống "khép kín" trong công tác giám sát và đánh giá đầu tư. Gắn công tác giám sát và đánh giá đầu tư với thanh quyết toán vốn đầu tư dự án. Đồng thời có quy định trách nhiệm cụ thể để có cơ sở xử lý những cá nhân tổ chức không thực hiện.