Những hạn chế, yếu kém của hoạt động xoá đói giảm nghèo ở Quảng Trị

Một phần của tài liệu Giải pháp xóa đói giảm nghèo tinh Quảng Trị (Trang 74 - 79)

- Nhóm 3: Những nguyên nhân thuộc về vai trò của Nhà nước:

2.3.2.Những hạn chế, yếu kém của hoạt động xoá đói giảm nghèo ở Quảng Trị

Hoạt động XĐGN ở Quảng Trị trong những năm vừa qua tuy đã đạt được những kết quả đáng kể, song vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại cần phải tiếp tục giải quyết trong thời gian tới, cụ thể là:

- Tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững:Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, chất lượng của các đề án quy hoạch phát triển, phân bố lực lượng sản xuất, bố trí lại dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng của tỉnh không cao (không cụ thể, thiếu căn cứ khoa học và giải pháp thực hiện) cùng với việc điều hành thực hiện quy hoạch chưa tốt, đã tạo ra nhiều lãng phí trong đầu tư, hiệu quả đầu tư không cao, phá huỷ môi trường. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu sản xuất tuy có nhiều chuyển biến song vẫn còn chậm, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu..v.v.Do vậy, khả năng giải quyết các mục tiêu tăng trưởng bền vững và huy động các nguồn lực cho XĐGN còn hạn chế.

- Tỉ lệ nghèo đói cao và kết quả XĐGN không bền vững: Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể về XĐGN trong những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh có giảm nhưng vẫn còn rất cao; kết quả XĐGN chưa bền vững, tình trạng tái nghèo vẫn có nguy cơ diễn ra trên phạm vi rộng. Nguyên nhân là do thu nhập của nhóm hộ cận nghèo còn thấp và bấp bênh. Khi gặp rủi ro đột xuất rất dễ rơi vào diện tái nghèo. Bên cạnh đó, 84,64% số hộ nghèo tập trung ở vùng nông thôn và chủ yếu là hộ thuần nông, thu nhập chính là từ sản xuất nông lâm, ngư nghiệp và phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, sản xuất hàng hoá chưa phát triển. Nông sản của người nông dân làm ra thiếu thị trường tiêu thụ ổn định, thường bị tư thương ép giá dẫn đến nhiều hộ nông dân sản xuất bị thua lỗ, không thu hồi được vốn, hoặc có lãi rất thấp, nên nhiều hộ mới thoát nghèo lại tiếp tục tái nghèo.

- Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động về XĐGN thực hiện chưa quyết liệt và thường xuyên, nhiều thông tin chưa đến được với người dân, nhất là vùng sâu vùng xa. Nhận thức về trách nhiệm của các cấp chính quyền ở cơ sở chưa đầy đủ nên nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng nghèo, nhất là DTIN chưa được giải quyết kịp thời. Sự thiếu quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền dẫn đến việc chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện còn chung chung, thiếu giải pháp cụ thể phù hợp cho từng đối tượng và từng địa bàn khác nhau.

- Cơ chế chính sách chưa đầy đủ và hiệu quả: Bên cạnh triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Trung ương đối với người nghèo, vùng nghèo,

tỉnh cũng đã cố gắng xây dựng các chương trình, chính sách riêng của địa phương để thực hiện XĐGN như: Các chính sách phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nghèo, xã nghèo, đào tạo cán bộ, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà ở cho đồng bào DTIN khó khăn; hỗ trợ y tế, giáo dục, đất sản xuất...cho người nghèo và đã thu được kết quả đáng kể. Tuy nhiên, do hạn chế bởi nguồn lực, thiếu cách làm sáng tạo và nghiên cứu chưa đầy đủ về vấn đề nghèo đói nên hệ thống các chính sách, giải pháp thực hiện chưa đồng bộ, chưa toàn diện, chưa đủ mạnh để giải quyết triệt để, sâu rộng những vấn đề khó khăn, yêu cầu của chương trình XĐGN như: giải quyết vấn đề thị trường nông sản hàng hoá của nông dân; nâng cao trình độ dân trí và kinh nghiệm làm ăn của người nghèo; giải quyết việc làm; vấn đề năng lực cán bộ cơ sở hiện nay vẫn còn quá yếu kém; cơ sở hạ tầng thiết yếu của các vùng nghèo; hỗ trợ người dân tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ công khác. Bên cạnh đó, do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt nên người nghèo chưa thật sự hưởng trọn vẹn những chính sách ưu đãi của Nhà nước.v.v..Vì vậy, mà tác dụng của hệ thống chính sách đối với nguời nghèo, vùng nghèo còn hạn chế, hiệu quả chưa cao.

- Công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý và tổ chức thực hiện XĐGN từ tỉnh đến cơ sở còn nhiều bất cập.

+ Hoạt động của ban chỉ đạo XĐGN từ tỉnh đến cơ sở hiệu quả chưa cao. Do nhận thức thiếu sự thống nhất và đầy đủ nên một số ban, ngành và tổ chức đoàn thể ở địa phương chưa thật sự gắn trách nhiệm của mình trong việc phối hợp, kết hợp chỉ đạo và thực hiện chương trình XĐGN với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội khác. Chưa xây dựng được mô hình phối hợp hoạt động chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Ở cấp tỉnh thiếu sự sâu sát đối với cơ sở, nặng về văn bản, quyền lực pháp lý của ban chỉ đạo hạn chế, trách nhiệm không rõ ràng dẫn đến hiệu lực chỉ đạo, điều hành thực hiện không cao. Ở cấp huyện, thị và cơ sở thì trông chờ, ỷ lại cấp trên, thiếu chủ động nên kết quả thực hiện thấp.

+ Đội ngũ cán bộ làm công tác XĐGN các cấp thiếu và yếu; chủ yếu là kiêm nhiệm, trình độ và năng lực hạn chế, không được đào tạo cơ bản nên hiệu suất và chất lượng công việc kém, khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ, quản lý các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và XĐGN cụ thể ở cơ sở.

+ Một số phong tục, tập quán lạc hậu trong sản xuất và đời sống vẫn còn tồn tại cùng với vấn đề truyền đạo trái phép, làm môi trường xã hội, an ninh, chính trị ở một số vùng trở nên phức tạp, gây trở ngại cho công tác chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá-cơ sở và mục tiêu XĐGN.

- Việc lồng ghép các hoạt động, chương trình, dự án đầu tư tham gia XĐGN trên địa bàn tỉnh chưa được tổ chức thực hiện tốt. Có rất nhiều hoạt động đầu tư, tuyên truyền, tập huấn, đào tạo và hỗ trợ người nghèo trên địa bàn tỉnh được thực hiện thông qua các chương trình, dự án do nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau. Các hoạt động này có nhiều nội dung giống nhau cùng thực hiện trên một địa bàn huyện, xã, thôn nhưng lại do nhiều đơn vị làm chủ đầu tư. Một mặt do thiếu thống nhất trong việc điều phối chỉ đạo, mặt khác các chủ đầu tư thường chỉ quan tâm thực hiện các kế hoạch riêng của đơn vị mình nên dẫn đến hiện tượng nhiều hoạt động bị chồng chéo gây lãng phí. Trong đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiếu sự phân công, phân cấp hợp lý nên nhiều công trình tiến độ xây dựng chậm do thiếu vốn, một số công trình hoàn thành đưa vào sử dụng không được khai thác hết công suất.v.v..hiệu quả đầu tư thấp. Do vậy, vấn đề đặt ra đối với XĐGN trong thời gian tới ở Quảng Trị là phải có kế hoạch lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư, các hoạt động tham gia XĐGN trên địa bàn.

- Hệ thống cơ sở hạ tầng trong những năm vừa qua đã có bước phát triển khá nhưng vẫn còn yếu kém. Trong suốt 30 năm qua, tỉnh đã tập trung sức lực vào tái thiết lại cơ sở hạ tầng vốn đã bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Tuy nhiên, do nhu cầu xây dựng quá lớn, các nguồn lực của địa phương và Trung ương hỗ trợ chưa đáp ứng kịp, nên cơ sở hạ tầng của tỉnh còn rất yếu, nhất là cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã nghèo, vùng nghèo. Sự yếu kém của hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội; cơ sở vật chất kỹ thuật của nền kinh tế nhỏ bé, lạc hậu, năng lực cạnh tranh kém là vấn đề khó khăn lớn cho khả năng đẩy mạnh tăng trưởng và XĐGN của tỉnh. Vấn đề đặt ra cho công tác XĐGN của Quảng Trị là phải có kế hoạch sử dụng nguồn lực có hạn có thể huy động được, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên hợp lý đối với các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo hài hoà mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững với mục tiêu XĐGN.

- Công tác tuyên truyền, vận động, tập huấn, đào tạo.v.v. tuy đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng ý thức tự vươn lên thoát nghèo của các hộ nghèo vẫn chưa cao. Một bộ phận khá lớn của các hộ nghèo vẫn thiếu quyết tâm và tự chủ vươn lên, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, cộng đồng. Nhiều hộ nghèo thiếu kiến thức và kinh nghiệm làm ăn, khi được hỗ trợ vay vốn thì không biết phát huy hiệu quả của đồng vốn, dẫn đến không hoàn được nợ. Một bộ phận hộ nghèo khác không dám vay vốn, vì không biết sử dụng đồng vốn vào mục tiêu sản xuất, kinh doanh để XĐGN. Việc xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hộ làm điểm thực hiện chưa nhiều và hiệu quả chưa cao. Nhiều hộ nghèo ở nông thôn và đồng bào DTIN còn chậm thay đổi cách nghĩ và cách làm cũ nên hiệu quả tác động của các chương trình, dự án đầu tư đạt thấp.

- Mặc dù những năm gần đây, tỉnh đã quan tâm nhiều hơn và có những giải pháp để tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Nhưng thực tế hiện nay, chất lượng lao động của tỉnh vẫn còn rất thấp, năng suất lao động không cao, dẫn đến thu nhập thấp, đời sống của người lao động còn nhiều khó khăn. Chất lượng nguồn lao động thấp còn là một trở ngại trong việc thực hiện các chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Vì vậy, nâng cao chất lượng nguồn lao động, giải quyết việc làm là một nhiệm vụ luôn luôn được đặt ra đối với hoạt động XĐGN của tỉnh trong thời gian tới.

Chương 3

Một phần của tài liệu Giải pháp xóa đói giảm nghèo tinh Quảng Trị (Trang 74 - 79)