2001 -2007
3.2.1.5. Xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm
Thương hiệu là tài sản vô hình của doanh nghiệp, qua đó khách hàng có thể cảm nhận, đánh giá và phân biệt giữa sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác. Đối với người tiêu dùng, thương hiệu được coi là một sự đảm bảo về chất lượng từ phía nhà sản xuất, là sự xác nhận của doanh nghiệp đối với khách hàng về nguồn gốc và giá trị của sản phẩm, dịch vụ cung cấp. Đối với doanh nghiệp, một thương hiệu mạnh là công cụ
nhận thức tốt hơn, đầy đủ hơn về sản phẩm dịch vụ, góp phần duy trì và giành được niềm tin của khách hàng, giúp doanh nghiệp thu được lợi nhuận hấp dẫn hơn, giảm thiểu ảnh hưởng của các đối thủ cạnh tranh, giảm thiểu tác động xấu trong điều kiện khủng hoảng thị trường và là sự đảm bảo tốt có lợi thế trong đàm phán, hợp tác kinh doanh. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam, xây dựng thương hiệu là để tạo cho đứng riêng cho hàng dệt may Việt Nam trên thị trường quốc tế, nâng cao khả năng tiếp cận với thị trường, quảng bá sản phẩm dệt may Việt Nam đến tận tay người tiêu dùng, giảm dần tỷ trọng gia công xuất khẩu nâng cao tỷ trọng xuất khẩu trực tiếp.
Thực tế cho thấy, vấn đề thương hiệu cho các sản phẩm dệt may Việt Nam nói chung và Công ty Cổ phần Cung ứng dịch vụ Hàng không nói riêng mới chỉ được quan tâm trong một vài năm trở lại đây và hầu hết đều chưa có sự đầu tư tương xứng cho hoạt động này. Điều này thể hiện qua ngân sách của Công ty đầu tư cho hoạt động này còn quá thấp và chưa có một chiến lược dài hạn trong xây dựng thương hiệu. Hiện nay, thương hiệu AIRSERCO của Công ty được xây dựng bước đầu mới chỉ là xây dựng thương hiệu công ty mà chưa phải là thương hiệu sản phẩm. Thương hiệu công ty chỉ chủ yếu được dùng để quảng bá đến đối tượng là các nhà cung ứng và đặt hàng. Mục tiêu là xây dựng hình ảnh một đơn vị có khả năng quản lý tốt và tin cậy, đảm bảo giao hàng đúng chất lượng và tiến độ, có khả năng đáp ứng nhanh các yêu cầu của người đặt hàng. Còn thương hiệu sản phẩm thì chủ yếu được quảng bá đến người sử dụng cuối cùng. Mục tiêu là xây dựng hình ảnh một sản phẩm có chất lượng tốt và mang đến nhiều giá trị gia tăng cho người sử dụng.
Với đặc điểm chủ yếu là gia công xuất khẩu hàng dệt may cho các đối tác nước ngoài mà không có sự tiếp cận trực tiếp đối với người tiêu dùng nên việc thương xây dựng thương hiệu của Công ty mới chỉ dừng lại ở xây dựng
thương hiệu công ty. Song trước những điều kiện kinh doanh mới đặt ra trong quá trình hội nhập, với mục tiêu nâng cao giá trị gia công xuất khẩu và chuyển dần sang hình thức xuất khẩu trực tiếp hàng dệt may, Công ty cần tiến hành đồng thời việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Thương hiệu được xây dựng sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh đồng thời mở rộng các cơ hội hợp tác kinh doanh trên thị trường quốc tế của Công ty. Vì vậy, để xây dựng được một thương hiệu mạnh Công ty cần tiến hành:
- Xây dựng thương hiệu gắn liền với nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng dệt may xuất khẩu. Bên cạnh đó, các sản phẩm dệt may của Công ty sản xuất ra đòi hỏi cần có những ưu điểm vượt trội so với các doanh nghiệp trong nước cũng như các đối thủ cạnh tranh nước ngoài trong đó vấn đề thiết kế mẫu mã kiểu dáng sản phẩm đóng vai trò quyết định.
- Công ty cần đầu tư hơn nữa cho công tác xây dựng thương hiệu trước hết là đầu tư cho việc nâng cao nhận thức và hiểu biết của cán bộ Công ty về thương hiệu và vai trò của thương hiệu đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. Để xây dựng một thương hiệu có hiệu quả, Công ty nên thuê các chuyên gia tư vấn để xây dựng một chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu từ khâu đăng ký xây dựng đến quản lý thương hiệu. Sau khi đã xây dựng được thương hiệu của mình trên thị trường, Công ty cần đầu tư cho công tác quảng bá thương hiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng để không ngừng khẳng định và tạo lập uy tín đối với khách hàng thông qua việc thông tin trên các thương tiện truyền thông và phát triển dịch vụ sau bán hàng.
3.2.2.Giải pháp từ phía nhà nước
3.2.2.1.Đầu tư phát triển nguyên phụ kiện phục vụ ngành dệt may
Phát triển nguồn nguyên phụ kiện không chỉ góp phần vào việc ổn định nguồn cung cho xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam mà còn làm tăng giá trị xuất khẩu, tạo điều kiện cho sự phát triển của một số ngành liên quan đến hoạt động dệt may. Hiện nay, nguyên phụ kiện ngành dệt may Việt Nam nhập khẩu trên 70% là một bất lợi lớn cho sự phát triển của ngành. Nhập khẩu với lượng lớn nguyên phụ kiện khiến cho Việt Nam trở thành một nhà gia công khổng lồ chủ yếu dựa vào nguồn nhân công rẻ, dồi dào trong nước, giá trị xuất khẩu thấp chỉ chiếm từ 20 -30% giá trị kim ngạch xuất khẩu, khả năng cạnh tranh của sản phẩm bị hạn chế đặc biệt là thương hiệu của sản phẩm dệt may Việt Nam ít được biết đến trên thị trường, chủ yếu là thương hiệu của những nhà cung cấp mà Việt Nam nhận gia công. Điều này sẽ là một hạn chế lớn cho hàng dệt may Việt Nam khi tiếp cận thị trường khi chúng ta đã dần chuyển hướng từ gia công xuất khẩu sang xuất khẩu trực tiếp. Vì vậy, để phát triển ngành dệt may trở thành một ngành mũi nhọn trong nền kinh tế Việt Nam, nâng cao giá trị xuất khẩu từ hoạt động xuất khẩu dệt may trong thời gian tới Việt Nam cần đầu tư, phát triển nguyên phụ kiện phục vụ cho hoạt động xuất khẩu dệt may, nâng dần tỷ lệ nội địa trong sản phẩm dệt may. Để làm được điều này trong thời gian tới chúng ta cần thực hiện đồng bộ các biện pháp sau:
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà cung cấp nguyên phụ kiện quốc tế mang sản phẩm tới Việt Nam tiêu thụ để doanh nghiệp Việt Nam có khả năng tiếp cận được với một nguồn nguyên liệu lớn từ đó có thể lựa chọn giữa nhiều nhà cung cấp khác nhau về chất lượng, giá cả, chủng loại….từ đó nâng dần năng lực cạnh tranh cho sản phẩm. Để thực hiện được điều này, về phía nhà nước, Hiệp hội dệt may và các doanh nghiệp cần tích cực tìm kiếm các nhà
cung cấp nước ngoài thông qua hệ thống các đại sứ quán, cơ quan thương vụ tại nước ngoài; chủ động tiếp cận, đàm phán và mời các nhà cung cấp tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế về hàng dệt may trong và ngoài nước; tiến hành hỗ trợ chi phí tham gia và đầu tư vốn cho hoạt động tổ chức. Đồng thời, nhà nước và hiệp hội cần hỗ trợ về thông tin cho các doanh nghiệp, tiến hành hợp tác và liên kết mối quan hệ kinh doanh lâu dài giữa doanh nghiệp và nhà cung cấp để vừa đảm bảo nguồn cung cho xuất khẩu vừa tạo điều kiện cho ngành nguyên phụ kiện dệt may trong nước học tập kinh nghiệm của nước ngoài tạo đà phát triển.
- Nâng cao tỷ lệ trồng bông nội địa tạo nguồn cho chế biến nguyên phụ kiện cho sản xuất hàng dệt may xuất khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa trong sản phẩm. Hiện nay ở Việt Nam trồng bông cung cấp cho ngành dệt may chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong sản xuất nông nghiệp chủ yếu là phân tán theo hộ gia đình có truyền thống lâu đời và ít có vùng chuyên canh lớn. Số lượng bông cung cấp cho chế biến hàng dệt may nhỏ lẻ là nguyên nhân dẫn tới tình trạng Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguồn nguyên liệu ở nước ngoài làm giảm giá trị xuất khẩu. Do đó, để phát triển nghề trồng bông trên một diện rộng trở thành một ngành sản xuất phục vụ cho xuất khẩu, nhà nước cần khuyến khích người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang trồng bông; hỗ trợ bước đầu về phân bón, giống cây; hỗ trợ kỹ thuật cạnh tác; tuyên truyền nâng cao nhận thức về giá trị cây bông trong sản xuất và trồng trọt để mở rộng diện tích trồng bông trong cả nước đảm bảo nguồn cung ổn định về số lượng và chất lượng cho sản xuất, tạo lợi thế so sánh cho sản phẩm dệt may xuất khẩu Việt Nam trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, cần tiến hành quy hoạch các vùng nguyên liệu một cách hợp lý, gần các cơ sở chế biến và dựa trên lợi thế của từng địa phương để tạo ra các vùng chuyên canh lớn phục vụ cho hoạt động xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước.
- Đối với các doanh nghiệp dệt may, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về vay vốn tín dụng cho công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà máy chế biến nguyên liệu đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài về chế biến và phát triển ngành nguyên phụ liệu dệt may. Trong thời gian đầu khi nguồn cung nội địa chưa đáp ứng đủ công nghệ chế biến còn hạn chế thì nhà nước cần đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài tham gia hoạt động sản xuất xuất khẩu hàng dệt may, đưa các thiết bị sản xuất vải, nhuộm… vào quá trình sản suất trong nước.