Xây dựng và hoàn thiện chiến lược thị trường

Một phần của tài liệu Một số biện pháp đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ sản phẩm của công ty cổ phần dược Phú Thọ (Trang 59 - 61)

II. Một số biện pháp đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ sản phẩm của công ty cổ phần dược Phú Thọ

2.Xây dựng và hoàn thiện chiến lược thị trường

Quan điểm trong chiến lược kinh doanh của công ty là giữ vững thị trường mục tiêu bằng các sản phẩm truyền thống, dùng doanh thu ở thị trường này để tài trợ cho việc nghiên cứu sản phẩm mới, dùng sản phẩm mới để mở rộng thị trường. Quan điểm này xem ra khá phù hợp trong điều kiện hiện nay của công ty , tuy nhiên cần nâng nó lên thành một chiến lược thị trường hoàn chỉnh có như vậy thì mới khai thác được hết tính ưu việt của nó.

2.1. Đối với thị trường truyền thống

Các tỉnh miền Bắc là thị trường quen thuộc của công ty , với một hệ thống các khách hàng lớn là các công ty dược phẩm trung ương và địa phương, các đại lý của công ty , các hiệu thuốc, nhà thuốc tư nhân, các bệnh viện và cơ sở y tế. Những sản phẩm truyền thống của công ty như thuốc kháng sinh thông thường, vitamin các loại đã tạo được sự tín nhiệm ở những thị trường này, do đó công ty cần khai thác triệt để lợi thế này. Bên cạnh đó, công ty cần phải: Thông qua kết quả của hoạt động nghiên cứu thị trường để nắm bắt kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng. Khảo sát phân tích những biến động của thị trường, phân đoạn từng thị trường để đưa ra những chính sách tiêu thụ hợp lý, không ngừng cải tiến sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu.

Hiện nay, công ty đang thực hiện phương thức bán hàng linh hoạt về mọi phương diện: trong phương tiện thanh toán, phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán. Tuy nhiên hiện tượng nợ đọng còn khá nhiều làm giảm hiệu quả sử dụng vốn của công ty . Có thể khắc phục hiện tượng này bằng cách thay đổi phương thức trao hàng xé nhỏ hợp đồng để kết hợp thu tiền, nắm chắc đối tượng khách hàng để “chọn mặt gửi hàng” sao cho số dư nợ giảm đến mức thấp nhất.

Trong thị trường truyền thống, mặc dù sản phẩm của công ty đã có một chỗ đứng nhất định nhưng thực sự cường độ cạnh tranh ở đây lại rất cao. . Mặt khác, do đặc thù khí hậu của nước ta nên nhu cầu về các loại thuốc kháng sinh thông thường, vitamin rất lớn, các doanh nghiệp đều nhận ra điều đó nên họ tập trung khai thác mạnh mẽ. Thêm vào đó, các hãng nước ngoài cũng ồ ạt xâm nhập vào Việt Nam làm cho thị trường cạnh tranh càng quyết liệt. Để có thể giữ vững thị trường hiện tại, tạo cơ sở mở rộng thị trường thì việc xây dựng một chiến lược thị trường là hết sức cần thiết. Hiện nay, công việc này đang được xúc tiến nhưng tiến độ còn chậm, cần đẩy nhanh tiến độ công việc hơn nữa bằng cách tăng cường khai thác sức mạnh tập thể đội ngũ cán bộ quản trị kết hợp với những trang thiết bị hiện đại sẵn có.

Ngoài việc nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh thì công ty cần phải có chính sách phù hợp với mạng lưới phân phối của mình, đây là lực lượng có tác động rất lớn đến khối lượng hàng bán ra trên thị trường vì những lý do sau: Các thuốc kháng sinh thông thường nội địa có nhiều đặc điểm giống nhau, sự cách biệt về giá không lớn, thói quen dùng thuốc của người dân là tiện đâu mua đó, mua theo kinh nghiệm, khi mua thì hỏi ý kiến người bán là chính và không mấy băn khoăn về giá khi mua. Vì vậy, để tăng nhanh khối lượng hàng hóa bán ra cần thực hiện một số biện pháp sau:

-Thứ nhất: Nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm tòi sáng tạo trong việc trình bày bao bì nhãn mác để kích thích tiêu thụ đồng thời để tránh được hiện tượng nhái mẫu mã lợi dụng uy tín của xí nghiệp của một số cơ sở khác.

-Thứ hai: Động viên các thành viên của mạng lưới phân phối (Trình bày cụ thể ở phần sau)

-Thứ ba: công ty nên lập thêm các đại diện, chi nhánh tiêu thụ tại các trung tâm, các khu vực thị trường để vừa làm nhiệm vụ phân phối, vừa quản lý mạng lưới bán hàng, vừa bán và giới thiệu sản phẩm, vừa nghiên cứu thị trường tại khu vực đó.

-Thứ tư: công ty cần khai thác triệt để những chính sách quản lý của Nhà nước như là một “barrie” để ngăn chặn đối thủ mới xâm nhập nhằm giảm cường độ cạnh tranh.

2.2. Đối với thị trường mới

công ty đang xúc tiến để mở rộng thị trường tại phía Nam và xuất khẩu sản phẩm ra thị trường khu vực ASEAN. Đây là những thị trường còn nhiều bỡ ngỡ đối với công ty , tiềm năng có nhiều nhưng thách thức cũng lắm... Do vậy để xâm nhập và chiếm lĩnh thị trường miền Nam, công ty cần phải lập ra một chiến lược cụ thể và phải tìm hiểu xem nhu cầu khách hàng trong đó cần loại thuốc gì mà hiện này thị trường miền Nam đang trống.

Đối với thị trường khu vực ASEAN, công ty có được những thuận lợi nhất định. Tuy nhiên, công ty muốn thâm nhập và giữ được thị trường ở các nước ASEAN, điều trước hết là sản phẩm của công ty phải có sức cạnh tranh về chất lượng và giá cả. Sau nữa là các sản phẩm này phải đủ sức vượt qua các hàng rào phi thuế quan, trong đó có những qui định về chất lượng. Do đó nâng cao chất lượng sản phẩm là nhiệm vụ hàng đầu, bên cạnh đó công ty cần phải làm tốt công tác điều tra nghiên cứu thị trường, có như vậy thì sản phẩm của công ty mới có thể có mặt và đứng vững trên thị trường ASEAN.

Một phần của tài liệu Một số biện pháp đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ sản phẩm của công ty cổ phần dược Phú Thọ (Trang 59 - 61)