Châu Á là một thị trường rộng lớn cũng như gần gũi về mặt địa lý, là điều kiện thuận lợi để hàng hóa của Việt Nam nói chung và mặt hàng giầy dép nói riêng có điều kiện tiếp cận sớm nhất với chi phí thấp nhất. Tuy nhiên ở khu vực các nước Asean, do mặt hàng giầy dép có xu hướng trùng hợp về cơ cấu sản xuất nên mặt hàng này khó có khả năng thâm nhập mạnh vào các nước Asean. Do đó, thị trường xuất khẩu giầy dép của công ty giầy Thượng Đình sang các nước thuộc Châu Á chủ yếu chỉ có Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan. Thị trường đầu tiên mà
chúng ta phải kể đến là Hàn Quốc. Kim ngạch xuất khẩu của công ty sang Hàn Quốc dẫn đầu trong các nước Châu Á và có xu hướng tăng đều qua các năm. Tuy nhiên thị trường Hàn Quốc đòi hỏi rất cao về chất lượng sản phẩm, thời hạn giao hàng, chủng loại sản phẩm cũng như tính thời trang. Do đó, để duy trì kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này, công ty cần phải đáp ứng được những đòi hỏi trên. Nhật Bản là thị trường nhập khẩu giầy dép lớn thứ hai của công ty ở thị trường Châu Á. Mức tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường này tương đối khả quan, cả về số lượng lẫn kim ngạch. Nếu như năm 2006 kim ngạch xuất khẩu giầy dép của công ty vào thị trường này đạt 22,04 nghìn USD chiếm tỷ trọng 48,8%, thì năm 2007 con số này đã lên tới 44,5 nghìn USD. Sở dĩ kim ngạch xuất khẩu của công ty sang thị trường Nhật Bản có sự gia tăng đều qua các năm là do nhu cầu nhập khẩu giầy dép của Nhật Bản vẫn có xu hướng gia tăng đặc biệt là các loại giầy có đế ngoài và mũ giầy bằng da thuộc và da tổng hợp – loại hàng mà EU đang áp thuế chống bán phá giá đối với giầy dép của Việt Nam; đồng thời công ty cũng đã đổi mới thiết kế mãu mã sản phẩm đa dạng, phù hợp với thị trường Nhật Bản, cũng như lựa chọn các đơn hàng có giá trị gia tăng cao nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu, tránh lãng phí năng lực sản xuất. Singapore và Đài Loan là hai thị trường mới xuất khẩu của công ty. Năm 2007 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của công ty sang hai thị trường này cũng tương đối khả quan, đạt kim ngạch 37,3 nghìn USD. Công ty cần chú trọng duy trì hoạt động xuất khẩu sang hai thị trường này, tránh để lập lại tình trạng như mất thị trường xuất khẩu sang Hoa Kỳ năm 2006.