CÁC QUAN ĐIỂM, CĂN CỨ VÀ PHƯƠNG PHÁP MỚI VỀ XÂY DỰNG

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác định mức lao động đối với đội ngũ giảng viên trường Đại học Lao động - Xã hội (Trang 63 - 68)

XÂY DỰNG MỨC MỚI ĐỐI VỚI GIẢNG VIÊN

1.1. Các quan điểm mới về xây dựng mức

Nhìn chung hiện nay, công tác định mức lao động của các trường Đại học và cao đẳng đều dựa chủ yếu vào Quyết định số 1712/QĐ – BĐH và Quyết định 1659/QĐ – BĐH của Bộ Đại học nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, các quyết định này đều đã được ban hành từ rất lâu (năm 1978) và ít được sửa đổi bổ sung trong khi đó từ thời điểm ban hành đến nay đất nước ta đã trải qua rất nhiều thay đổi.

Thay đổi lớn nhất phải kể đến đó là việc chuyển đổi nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Quyết định 1712/QĐ – BĐH được xây dựng trong hoàn cảnh kinh tế bao cấp nên nhiều nội dung cũng như qui định trong văn bản này đến nay không còn phù hợp nữa.

Ví dụ, thời gian làm việc theo qui định hiện nay là 43 tuần/năm trong khi theo Quyết định 1712/QĐ – BĐH là 46 tuần/năm. Bên cạnh đó, văn bản này qui định khối lượng nhiệm vụ giảng dạy trong năm của người giảng viên phải bao gồm 5 nhiệm vụ chính là : Công tác chuyên môn; Học tập tự bồi dưỡng; Sinh hoạt chuyên môn, hội nghị khoa học; Lao động nghĩa vụ; Luyện tập quân sự. Tuy nhiên, theo quan điểm hiện tại của các trường thì không phải nhiệm vụ nào trong đó cũng đưa vào mức giờ chuẩn và thanh toán tiền phụ

cấp vượt giờ của trường mà một số nhiệm vụ có thể được thanh toán trực tiếp hoặc chỉ để xét các danh hiệu thi đua để trả lương tăng thêm cho cá nhân…

Trên thực tế, nền giáo dục Việt Nam cũng có nhiều thay đổi. Việt Nam đang tiến hành xã hội hóa giáo dục và đổi mới giáo dục, đào tạo nhất là trong giáo dục đại học. Chính vì vậy, điều kiện hiện nay đòi hỏi giảng viên các trường Đại học, Cao đẳng phải nâng cao phẩm chất đạo đức của người thầy. Vì thế, định mức lao động trong giai đoạn mới phải đáp ứng được các yêu cầu cao hơn so với các yêu cầu cũ.

Những thay đổi trên đã đặt ra bài toán là phải làm sao xây dựng được một mức lao động mới cho giảng viên phù hợp với điều kiện của các trường, đáp ứng được các xu hướng thay đổi của thời đại. Hơn nữa mức này phải tạo được động lực lao động cho người giảng viên, khuyến khích được họ tham gia nghiên cứu khoa học, tự trao dồi kiến thức, trên cơ sở đó thay đổi các phương pháp giảng dạy đã lỗi thời từ đó nâng cao chất lượng giáo dục của các trường nói riêng và của đất nước nói chung.

Để giải quyết bài toán này, hiện nay người ta đưa ra rất nhiều các quan điểm khác nhau. Cụ thể là :

Quan điểm đi từ quĩ thời gian/năm của giảng viên sau đó phân bổ thời gian theo các nhiệm vụ trong chế độ công tác giảng viên. Đây là một quan điểm mới xuất phát từ thực tiễn. Theo quan điểm này, người ta sẽ tính ra trong một năm người giảng viên phải làm việc bao nhiêu giờ. Sau đó dựa trên cơ cấu khối lượng công việc mà nhà trường thường xuyên phải thực hiện qua các năm, người ta sẽ phân bổ, và cơ cấu lại thời gian thực hiện các nhiệm vụ được qui định trong chế độ công tác giảng viên theo từng loại đối tượng giảng viên.

Như vậy, quan điểm này bám sát thực tế thời gian làm việc của người giảng viên. Chính vì thế, ưu điểm của nó là luôn luôn cân đối được thời gian

thực hiện các nhiệm vụ một cách hợp lý, tránh được việc qui định một cách cứng nhắc thời gian thực hiện các nhiệm vụ, xa rời đối tượng được định mức.

Quan điểm xuất phát từ chất lượng giáo dục đào tạo cho rằng Giáo sư, Phó Giáo sư có trình độ cao phải tham gia giảng dạy nhiều hơn.

Theo quan điểm này tỷ lệ giờ giảng của Giáo sư, Phó Giáo sư phải lớn hơn các giảng viên thuộc các ngạch khác. Đứng từ góc độ chất lượng giáo dục mà nói thì quan điểm này hoàn toàn đúng đắn. Các Giáo sư và các Phó giáo sư thường là những người có thâm niên công tác lâu năm, thời gian giảng dạy lâu nên có rất nhiều kinh nghiệm trong việc truyền thụ kiến thức cho sinh viên, hơn nữa trình độ học vấn của họ là rất cao (Tiến sĩ) nên các kiến thức mà họ truyền dạy cho sinh viên là rất tổng quát và ít sai xót. Chính vì vậy, nếu các Giáo sư và Phó Giáo sư tham gia giảng dạy nhiều thì chất lượng giáo dục chắc chắn sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, mâu thuẫn lớn nhất trong quan điểm này là thời gian cho việc giảng dạy của các Giáo sư, Phó giáo sư được nâng lên, trong khi quĩ thời gian của người họ lại bị giới hạn, như vậy đồng nghĩa với việc thời gian nghiên cứu khoa học của họ sẽ bị giảm xuống. Xét về mặt lâu dài, nếu tăng quá nhiều thời lượng giảng dạy trong chế độ công tác của các Giáo sư và Phó giáo sư thì chất lượng của công tác nghiên cứu sẽ giảm xuống do họ không có đủ thời gian thực hiện nhiệm vụ này. Điều này sẽ gây ra ảnh không tốt cho sự phát triển bền vững của đất nước vì trong thời đại ngày nay có quá nhiều các thay đổi lớn đòi hỏi phải được quan tâm, nghiên cứu thường xuyên trong khi đội ngũ các Giáo sư và Phó Giáo sư đầu ngành lại phải giảng dạy quá nhiều và ít tập trung cho nghiên cứu.

Quan điểm xuất phát từ thu nhập cho rằng giảng viên trẻ thu nhập ít, nhất là đội ngũ giảng viên mới vào nghề nên được phân

công giảng nhiều hơn để tăng thu nhập đảm bảo cuộc sống.

Trên thực tế, đội ngũ giảng viên trẻ mới vào nghề lương, thưởng rất ít. Họ lại phải tham gia các khóa học để đảm bảo chất lượng giảng dạy. Chính vì vậy, đời sống của các giảng viên này gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, tâm lý nôn nóng được giảng dạy xuất hiện khá nhiều trong các giảng viên trẻ. Họ muốn thử sức đồng thời lại muốn có được nhiều tích lũy về kinh nghiệm giảng dạy. Ngành nghề nào cũng vậy, ngoài trình độ chuyên môn thì kinh nghệm là yếu tố quan trọng để người lao động thực hiện tốt công việc của mình, và kinh nghiệm chỉ có được khi ta bắt tay vào thực tế công việc. Như vậy, việc tăng thời gian cho công tác giảng dạy của giảng viên trẻ là hoàn toàn hợp lý.

Tuy nhiên, việc tăng khối lượng giảng dạy cho các giảng viên trẻ (tập sự, trợ giảng) bao nhiêu là hợp lý đòi hỏi phải được cân nhắc cẩn thận. Họ là những người trẻ, còn ít kinh nghiệm và chuyên môn chưa cao nên nếu để họ giảng quá nhiều, hoặc giảng dạy cho các lớp chuyên ngành thì có thể gây ảnh hưởng không tốt đến chất lượng giáo dục.

1.2. Các căn cứ và phương pháp mới về xây dựng mức

Về phương pháp xây dựng mức

Thực tế cho thấy, không có một phương pháp nào là hoàn chỉnh. Trên cơ sở các căn cứ và phương pháp đã trình bày ở trên (phần I), xuất phát từ tình hình thực tế của từng đơn vị, việc kết hợp các phương pháp đó theo một tỷ lệ, một thứ tự ưu tiên sẽ cho ta một phương pháp định mức hiệu quả. Bên cạnh tính khoa học, điều này thể hiện tính nghệ thuật trong công tác định mức.

Ví dụ, do Quyết định 1712/QĐ – BĐH đã lỗi thời nên nếu xây dựng mức mới thì không thể chỉ sử dụng phương pháp phân tích tính toán dựa trên Quyết định này được vì sẽ dẫn đến kết quả không phù hợp với thực tế. Để

khắc phục người ta phải phát phiếu thăm dò ý kiến của giảng viên để tính toán quỹ thời gian dành cho các công việc từ đó xây dựng mức. Nhưng không phải lúc nào các giảng viên cũng cộng tác nhiệt tình và cung cấp những thông tin dúng. Chính vì vậy, phải kết hợp nhiều phương pháp, phương pháp này sẽ là đối chứng của phương pháp kia, từ đó hạn chế được nhược điểm của các phương pháp.

Như vậy, trên cơ sở kết hợp các phương pháp mang tính truyền thống của tổ chức lao động khoa học, chúng ta sẽ có được một phương pháp tối ưu hơn để xây dựng được mức lao động mới cho giảng viên đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trong bối cảnh hiện nay của các trường và đất nước.

Về căn cứ xây dựng mức

Căn cứ để xây dựng mức là rất quan trọng. Mức được xây dựng phải đảm bảo tính hợp pháp tức là phải dựa trên các căn cứ pháp luật, các qui định, và quyết định của Nhà nước. Như vậy, mức mới được ban hành, áp dụng và không gặp phải sự phản đối của giảng viên.

Tuy nhiên, các căn cứ để xây dựng mức là hai văn bản Quyết định số 1712/QĐ – BĐH và Quyết định 1659/QĐ – BĐH của Bộ Đại học nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo được ban hành đã lâu và có nhiều qui định trong đó không còn phù hợp. Chính vì vậy, nhà nước cũng khuyến khích các trường tự xây dựng mức dựa trên thực tế, và các đặc điểm của trường. Thiết nghĩ đây là căn cứ mới và rất quan trọng để các trường có thể đưa ra mức phù hợp với tình hình hoạt động của giảng viên , và của các trường.

Thêm vào đó, các trường cũng có thể tham khảo công tác xây dựng mức của nhau. Trên cơ sở tham khảo, các trường có thể dựa vào đó để đưa ra mức lao động phù hợp với đặc điểm của trường và của đội ngũ giảng viên.

Như vậy, có ba căn cứ chủ yếu để xây dựng mức đó là các qui phạm pháp luật, thực tiễn đặc điểm của trường, các văn bản định mức của các

trường khác.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác định mức lao động đối với đội ngũ giảng viên trường Đại học Lao động - Xã hội (Trang 63 - 68)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(105 trang)
w