- Đối với BCTC hợp nhất của toàn Tổng công ty:
2.4. Đánh giá thực trạng hệ thống báo cáo tài chính và việc phân tích tình hình tài chính tại Tổng công ty thông qua hệ thống báo cáo tài chính
tài chính tại Tổng công ty thông qua hệ thống báo cáo tài chính
2.4.1. Ưu điểm:
Cùng với sự phát triển của Tổng công ty, công tác kế toán cũng dần dần được hoàn thiện. Bộ máy kế toán của Tổng công ty được tổ chức phù hợp với yêu cầu công việc, phù hợp với trình độ và khả năng chuyên môn của từng người, đa số nhân viên trong phòng kế toán có trình độ đại học và sau đại học. Các nhân viên kế toán liên tục được bồi dưỡng nâng cao chuyên môn cho phù hợp với những thay đổi trong chế độ kế toán. Do vậy, việc tổ chức công tác kế toán cũng dần được tiến hành kịp thời, nhanh chóng và thích ứng với điều kiện của đơn vị. Với cách bố trí như hiện nay, công tác kế toán nói chung và công tác lập báo cáo tài chính nói riêng đã đi vào nề nếp và tương đối ổn định.
Ngay sau khi chế độ kế toán mới ban hành theo Quyết định số 15/2006/QĐ- BTC Tổng công ty đã nghiên cứu và áp dụng cho các đơn vị thành viên, các công ty con áp dụng trong toàn Tổng công ty. Hệ thống này đã tỏ ra phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho các tổ chức hợp tác đầu tư quốc tế cũng như các tổ chức kiểm toán quốc tế trong các quan hệ với Tổng công ty.
Quy định lập báo cáo tài chính thống nhất đối với tất cả các doanh nghiệp không phân biệt doanh nghiệp Nhà Nước hay doanh nghiệp tư nhân. Số lượng báo cáo kế toán giảm đáng kể, việc lập, xét duyệt báo cáo tài chính đơn giản hơn, ít tốn kém về công sức và thời gian. Nội dung thông tin trình bày trên báo cáo tài chính tương đối phù hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế. Do đó người sử dụng thông tin bước đầu đã có được những thông tin có thể so sánh báo cáo tài chính giữa các
doanh nghiệp trong cùng ngành, cùng một nền kinh tế cũng như doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Trên góc độ báo cáo tài chính, hệ thống báo cáo tài chính đã thể hiện tư tưởng cải cách triệt để so với hệ thống trước đây đồng thời phát huy được tác dụng trong thực tiễn công tác kế toán. Hệ thống báo cáo tài chính đã đáp ứng được yêu cầu dễ làm, dễ hiểu đồng thời thể hiện sự vận dụng hợp lý, có chọn lọc các chuẩn mực kế toán quốc tế phù hợp với môi trường kinh tế và pháp luật Việt Nam, cụ thể:
- Số lượng báo cáo tài chính không thay đổi nhưng nội dung và cách trình bày các chỉ tiêu trên Báo cáo tài chính đã có sự thay đổi: cách trình bày trên Bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh và thuyết minh báo cáo tài chính được thiết kế lại tương đối phù hợp với thông lệ quốc tế. Nội dung thuyết minh báo cáo tài chính được quy định bắt buộc chứ không để doanh nghiệp tự giải trình như trước. Điều này tạo cho các đối tượng sử dụng thông tin có được đầy đủ hơn về tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Ngoài báo cáo tài chính năm còn có các mẫu biểu báo cáo tài chính giữa niên độ bao gồm cả dạng đầy đủ và dạng chọn lọc tạo điều kiện thuận tiện cho các doanh nghiệp lựa chọn. Đặc biệt khi thị trường chứng khoán đang trên đà phát triển ở nước ta hiện nay, hệ thống báo cáo tài chính giữa niên độ dạng chọn lọc có nội dung và hình thức gọn nhẹ, đơn giản, dễ hiểu giúp cho các đối tượng sử dụng thông tin có được những thông tin một cách nhanh chóng từ đó tạo điều kiện ra được những quyết định đầu tư kịp thời. Mặt khác, giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian lập các báo cáo mà vẫn cung cấp thông tin cho các đối tượng sử dụng một cách nhanh nhất.
Không những thế, chế độ kế toán mới còn hướng dẫn phương pháp lập báo cáo tài chính tập đoàn. Điều này giúp cho Tổng công ty có được những thuận lợi khi thời gian sắp tới Tổng công ty sẽ trở thành tập đoàn đầu tiên tại Việt Nam.
- Đối tượng sử dụng báo cáo tài chính đa dạng và phức tạp, bao gồm cả những người có lợi ích trực tiếp và lợi ích gián tiếp. Do đó, thông tin trình bày trên báo cáo tài chính đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của các loại đối tượng.
Mặc dù hệ thống báo cáo tài chính này có những ưu điểm vượt trội so với hệ thống kế toán trước đây, nhưng các quy định lập báo cáo tài chính hiện hành vẫn còn hạn chế làm cho thông tin cung cấp trên các đối tượng quan tâm chưa thực sự đáp ứng các yêu cầu của họ, do đó việc lập báo cáo tài chính tại công ty còn tồn tại một số những sau:
2.4.2.Tồn tại và nguyên nhân chủ yếu:
*Về các chỉ tiêu trình bày trên báo cáo tài chính:
- Đối với Bảng cân đối kế toán: Nhìn chung Tổng công ty đã lập tốt. Tuy nhiên có một vài chỉ tiêu chưa phản ánh đúng thực chất của nó, còn sắp xếp chưa thực sự hợp lý, các khoản mục tài sản và nợ phải trả mặc dù đã được phân loại thành ngắn hạn và dài hạn nhưng việc phân loại thành ngắn hạn hay dài hạn chưa chính xác; hoặc phân loại theo tính thanh khoản giảm dần, cụ thể là các khoản mục tài sản được trình bày theo tính thanh khoản giảm dần nhưng có một số khoản mục lại không tuân theo nguyên tắc này, như: “Các khoản đầu tư tài chính dài hạn” có tính thanh khoản cao hơn lại xếp sau “Tài sản cố định” có tính thanh khoản thấp hơn; “Tạm ứng” có tính thanh khoản cao lại được được xếp vào mục “ Tài sản ngắn hạn khác” sau “Hàng tồn kho” có tính thanh khoản thấp hơn. Do đó cần phải sắp xếp lại cho phù hợp hơn.
- Đối với Báo cáo lưu chuyển tiền tệ: việc vận dụng Báo cáo lưu chuyển tiền tệ trong hệ thống kế toán Việt Nam cũng như tại Tổng công ty Sông Đà còn có những hạn chế sau:
+ Vai trò của Báo cáo lưu chuyển tiền tệ chưa tương xứng, coi trọng so với các báo cáo tài chính khác.
+ Chưa hình thành một chế độ hướng dẫn hoàn chỉnh để có thể đảm bảo yêu cầu của báo cáo: dể hiểu, dễ thực hiện, dễ sử dụng.
Như trên đã trình bày, việc lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ bằng cách chỉ dựa vào đối ứng của tài khoản 111 – Tiền mặt và tài khoản 112 – Tiền gửi ngân hàng dẫn đến việc phân tích các luồng tiền từ từng loại hoạt động không chính xác.
- Đối với thuyết minh báo cáo tài chính: thuyết minh báo cáo tài chính mới chỉ thuyết minh các chỉ tiêu trên Bảng cân đối kế toán và Báo cáo kết quả kinh doanh mà không có sự thuyết minh nào đối với Báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Điều đó làm cho người sử dụng thông tin lại càng không nắm bắt được tình hình luân chuyển các dòng tiền và các nhân tố ảnh hưởng đến việc luân chuyển tiền…
* Về nguyên tắc trình bày báo cáo tài chính:
Việc lập báo cáo tài chính về cơ bản đã tuân thủ theo những nguyên tắc trong trình bày báo cáo tài chính như nguyên tắc nhất quán, nguyên tắc hoạt động liên tục.
Tuy nhiên, ngoài những nguyên tắc đã được tuân thủ trên thì báo cáo tài chính được lập vẫn còn chưa vận dụng nghiêm túc nguyên tắc sau:
+ Nguyên tắc phù hợp: theo nguyên tắc này doanh thu phảI phù hợp tương ứng với chi phí tạo ra doanh thu đó. Tuy nhiên, do đặc thù của hoạt động xây lắp với chu kỳ kinh doanh dài, sản phẩm là những hạng mục công trình hoàn thành nhưng một số công ty vẫn chưa lên hóa đơn thu khách hàng theo từng giai đoạn công trình trong khi đã bỏ ra chi phí để tiến hành hoàn thành từng hạng mục công trình đó.
+Nguyên tắc đầy đủ: mọi nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh liên quan đến kỳ kế toán phải được ghi chép và báo cáo đầy đủ, không bỏ sót nhưng trên thực tế nhiều công trình XDCB đã hoàn thành bàn giao ghi tăng tài sản nhưng vẫn chưa được kết chuyển nguồn vốn, do đó nguồn vốn kinh doanh chưa được ghi tăng kịp thời với tài sản.
- Báo cáo tài chính hợp nhất được lập bằng cách cộng theo dòng và cột trên bảng cân đối kế toán của từng đơn vị ở từng khoản mục nên một số chỉ tiêu trên báo cáo tài chính còn chưa chính xác, làm sai lệch thông tin trên báo cáo tài chính. Chẳng hạn: chỉ tiêu “Phải thu nội bộ” và “Phải trả nội bộ” khi lập báo cáo hợp nhất chưa được triệt tiêu do đó đã làm tăng giá trị cả bên tài sản và bên nguồn vốn trên Bảng cân đối kế toán. Hoặc trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh chỉ tiêu “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ” với chỉ tiêu “ Giá vốn hàng bán” cao hơn so với thực tế. Do khi lập báo cáo hợp nhất, đơn vị đã không loại trừ doanh thu nội bộ giữa các đơn vị thành viên với nhau. Mặc dù không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cuối cùng ( vì doanh thu của đơn vị này là chi phí của đơn vị kia) nhưng việc không loại trừ này dẫn đến việc tính toán và phân tích một số chỉ tiêu tài chính về tình hình doanh thu, lợi nhuận của Tổng công ty không được chính xác. Tương tự như vậy, chỉ tiêu “ Doanh thu hoạt động tài chính” và chỉ tiêu “ Chi phí hoạt động tài chính” cũng bị phản ánh sai lệch.
* Việc sử dụng hệ thống báo cáo tài chính trong việc phân tích tình hình tài chính:
Hệ thống báo cáo tài chính hiện nay của Tổng công ty mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng Nhà nước mà chưa có ý nghĩa giúp ra các quyết định điều hành trong sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.
Mặt khác, Tổng công ty mới chỉ cung cấp các chỉ tiêu này về mặt tính toán số liệu mà không đưa ra lời nhận xét nào. Các chỉ tiêu phân tích còn chưa đầy đủ và chưa thành hệ thống. Nội dung phân tích mặc dù đã có đề cập đến các chỉ tiêu phân tích về cơ cấu vốn, hệ số đầu tư, khả năng thanh toán… nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ giản đơn, chưa liên kết các chỉ tiêu này với nhau để đưa ra những tư vấn cho nhà quản lý để có được những quyết định đúng đắn trong tương lai.
Ngoài ra, thông tin trình bày trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất là trùng lắp, chưa chính xác, thông tin tài chính
được cung cấp chưa thực sự là của một thực thể kinh tế duy nhất mà vẫn còn có sự trùng lắp trong số tổng cộng.
Công tác tính toán các chỉ tiêu tài chính phục vụ cho phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp chưa thực sự được chú trọng. Các chỉ tiêu tính toán chưa được chính xác, chẳng hạn như chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận/tổng tài sản thì nên đánh giá là tài sản bình quân vì trong cả kỳ kinh doanh tổng tài sản có sự biến động mà lợi nhuận có được là cho cả một kỳ kinh doanh.
Bảng báo cáo đánh giá tình hình tài chính chưa được lập để cung cấp thông tin chính xác cho nhà quản lý.
Trên đây là toàn bộ thực trạng về hệ thống báo cáo tài chính với việc phân tích tình hình tài chính tại Tổng công ty Sông Đà, chúng ta nhận thấy rõ thông tin nhận được từ hệ thống báo cáo tài chính trên chưa thực sự đảm bảo được tính dễ hiểu, phù hợp, đáng tin cậy và so sánh được. Cùng với việc tìm hiểu, vận dụng những nghiên cứu cơ sở lý luận chung về hệ thống báo cáo tài chính và phân tích tình hình tài chính đã được trình bày ở trên, tôi xin được đưa ra những giải pháp và kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống báo cáo tài chính với việc phân tích tình hình tài chính tại Tổng công ty Sông Đà.
CHƯƠNG III