b) Dư nợ cho vay DNV&N theo đối tượng doanh nghiệp
2.3.2. Những hạn chế và nguyên nhân
Hạn chế.
Bên cạnh những thành tựu đạt được thì cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế cần giải quyết:
Thứ nhất là quy mô cho vay còn khá thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của Ngân hàng cũng như của thị trường. Qua các số liệu phân tích ở trên ta có thể nhận thấy là tỷ trọng doanh số cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như dư nợ bình quân so với tổng cho vay chưa cao mặc dù đã có sự tăng trưởng dần qua từng năm. Nếu như căn cứ vào nhu cầu về vốn
của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên các địa bàn hoạt động của NHTM Cổ Phần Quân Đội như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… thì khả năng cung ứng của Ngân hàng vẫn chưa đáp ứng được.
Thứ hai là Ngân hàng còn rất hạn chế trong việc cấp tín dụng trung và dài hạn cho các doanh nghiệp.
Thứ ba là quy trình nghiệp vụ cho vay doanh nghiệp của Ngân hàng đã được điều chỉnh tương đối phù hợp với đối tượng khách hàng này và tạo ra tính chủ động cho cán bộ tín dụng. Tuy nhiên, thời gian trung bình để thực hiện giải ngân một khoản tín dụng cho doanh nghiệp là 3-5 ngày kể từ ngày tiếp xúc khách hàng tới khi cấp tiền vay, khoảng thời gian này còn khá dài. Quyền quyết định cấp tín dụng là Ban tín dụng lại nằm ở khâu cuối cùng cho nên nếu Ban này từ chối thì sẽ gây lãng phí các chi phí thẩm định của Cán bộ tín dụng và mất thời gian của khách hàng.
Thứ tư là Ngân hàng còn hạn chế trong việc tìm kiếm khách hàng và tìm hiểu tâm tư nguyện của họ để đưa ra các sản phẩm dịch vụ phù hợp với nhu cầu từng loại khách hàng. Những thông tin về doanh nghiệp mà Ngân hàng có được chủ yếu là do khách hàng cung cấp, chưa khai thác có hiệu quả các nguồn thông tin khác như: từ đối tác của khách hàng, từ các ngân hàng khác, từ các phương tiện thông tin đại chúng…
Nguyên nhân.
Về phía Ngân hàng.
Hoạt động Marketing đã được Ngân hàng quan tâm nhưng chưa đúng mức. Nhiều doanh nghiệp còn lúng túng trong thủ tục giao dịch với Ngân hàng do thiếu thông tin về hoạt động Ngân hàng. Nhất là các thông tin mang tính thời sự, cần cập nhật như: về cơ chế tín dụng, thủ tục vay vốn, dịch vụ ngoại hối, thanh toán quốc tế…
Ngân hàng còn quá coi trọng tài sản bảo đảm mà hơi xem nhẹ yếu tố dòng tiền trả nợ của khách hàng. Nhiều khách hàng có tình hình tài chính tốt, có khả năng trả nợ nhưng tài sản bảo đảm có giá trị nhỏ hoặc chưa đủ về mặt pháp lý thì cũng bị loại ra khỏi danh sách những người được vay vốn. Đây là một điều đáng tiếc vì những khách hàng này có thể có khả năng trả nợ và độ an toàn cao hơn những khách hàng có đầy đủ tài sản bảo đảm.
Khả năng nguồn vốn phát triển tín dụng trung và dài hạn của Ngân hàng còn hạn chế. Trong cơ cấu tổng nguồn vốn huy động được thì lại chủ yếu là nguồn vốn ngắn hạn, chiếm tới hơn 60%, trong khi đó nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu lại là nguồn vốn trung và dài hạn để mở rộng sản xuất kinh doanh, đổi mới trang thiết bị… Việc Ngân hàng không có nguồn vốn trung và dài hạn tốt đã gây khó khăn lớn trong việc nâng cao tỷ trọng cho vay trung và dài hạn. Nếu mở rộng cho vay trung và dài hạn thì sẽ dẫn đến kỳ hạn nguồn không phù hợp với kỳ hạn của tài sản, rủi ro thanh khoản xảy ra là rất lớn.
Đa phần các nhân viên của Ngân hàng là trẻ, năng động và sáng tạo nhưng ít kinh nghiệm thực tế, sự hiểu biết về các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có một số đặc điểm cố hữu như: chiến lược kinh doanh kém, thông tin tài chính không rõ ràng… nên đòi hỏi cán bộ Ngân hàng phải có một số kỹ năng đặc biệt khi thẩm định nhu cầu vay vốn. Những kỹ năng này phần lớn còn thiếu đối với cán bộ Ngân hàng trong đó có các cán bộ tín dụng.
Về phía doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ chính quy mô vừa và nhỏ của doanh nghiệp. Do vốn chủ sở hữu thấp, năng lực tài chính chưa cao, giá trị tài sản thấp… Nếu doanh nghiệp chưa tạo được uy tín bằng năng lực kinh
doanh và hiệu quả sử dụng vốn thì doanh nghiệp rất khó tìm người bảo lãnh cho mình trong quan hệ tín dụng. Vì vậy, việc khó tiếp cận được vốn tín dụng từ các kênh hiện có là điều dễ hiểu.
Muốn được vay vốn thì doanh nghiệp vừa và nhỏ phải lập được dự án đầu tư có tính khả thi, nhưng việc xây dựng dự án khả thi của không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ còn yếu, trong khi dịch vụ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp lại chưa phát triển.
Doanh nghiệp thành lập hoạt động chưa ổn định, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ sau khi thành lập một thời gian kinh doanh đã rút lui, thay tên đổi chủ (ta gọi là doanh nghiệp ma) gây tâm lý lo ngại đối với Ngân hàng khi tiếp cận với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ lập báo cáo tài chính chưa rõ ràng, không minh bạch do yếu kém về quản trị doanh nghiệp, nên các báo cáo tài chính không đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, vẫn còn những doanh nghiệp lập báo cáo tài chính chỉ để đối phó với cơ quan thuế nên cố tình làm giảm khấu hao, tăng sản phẩm dở dang, nợ treo… Một số doanh nghiệp khác còn làm trái chức năng được cấp phép, làm trái pháp luật, sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo có quan quản lý Nhà nước trong việc xin hoàn thuế hoặc góp vốn liên doanh, liên kết…. Do nguồn tài chính hạn hẹp, quá trình tích tụ và tập trung vốn thấp, khả năng xây dựng dự án khả thi yếu, không ít doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chạy theo thương vụ, không có chiến lược phát triển cụ thể, nên mức độ rủi ro cao.
Phương pháp điều hành quản lý của doanh nghiệp chưa bài bản, nặng tính gia đình. Kinh nghiệm thương mại đặc biệt là thương mại quốc tế yếu, hiệu quả sản xuất kinh doanh bị hạn chế, khả năng sinh lời thấp, hoàn trả vốn khó khăn tạo cho ngân hàng tâm lý e ngại tiếp cận với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Về môi trường bên ngoài.
Trong thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã có các chương trình trợ giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ như: Trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực; Đổi mới cơ chế bảo đảm tiền vay theo hướng mở rộng cho vay không có đảm bảo bằng tài sản, cho vay đảm bảo bằng tài sàn hình thành từ vốn vay; Chương trình xúc tiến thương mại nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh hàng hoá của Việt Nam; Chương trình hỗ trợ thông tin; Thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ … Tuy nhiên, trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ này còn nhiều bất cập. Cụ thể, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ban hành từ năm 2001, Bộ tài chính và NHNN đã có thông tư hướng dẫn, nhưng cho đến tháng 8/2005 cũng mới chỉ có 03 địa phương (Trà Vinh, Yên Bái và Tây Ninh) thành lập quỹ này. Các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ thông tin, xúc tiến thương mại đã triển khai nhưng số doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp nhận được sự hỗ trợ này còn quá nhỏ so với tổng số doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam. Nguyên nhân của tình trạng này là do một số quyết định đưa ra không phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp, thậm chí có văn bản không đủ cơ sở pháp lý để thực hiện. Các chính sách và biện pháp trợ giúp doanh nghiệp tại các địa phương không được thực hiện thống nhất, mang nặng tính tự phát, còn có sự không ăn khớp giữa mục tiêu đề ra và thực tế triển khai hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương. Các thông tin về chính sách ưu đãi của Nhà nước cũng như của địa phương chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch để các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều biết, trong khi công tác kiểm tra tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp rất yếu, nên việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt hiệu quả thấp.
Như vậy, trong thời gia qua NHTM cổ phần Quân đội đã mở rộng cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh số và dư nợ cho vay không ngừng tăng lên, đồng thời chất lượng tín dụng cũng được bảo đảm, góp phần quan trọng vào sự thành công trong hoạt động tín dụng của NHTM cổ phần Quân đội trong những năm này. Tuy nhiên, thực trạng trên chưa phản ánh đúng khả năng của Ngân hàng, chưa đáp ứng được nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vây, NHTM cổ phần Quân đội cần có những biện pháp thích hợp để mở rộng hơn nữa hoạt động cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ đó giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của Ngân hàng và của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
CHƯƠNG 3
PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP VƯA VÀ NHỎ TẠI
NHTM CỔ PHẦN QUÂN ĐỘI