Thách thức lớn nhất đối với hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam trong quá trình xuất ngoại hiện nay là tình trạng vi phạm bản quyền. Hiện nay, ngành thủ công mỹ nghệ vẫn chưa tìm ra lối thoát cho tình trạng sao chép mẫu mã, tranh chấp bản quyền giữa các doanh nghiệp dẫn đến hạn chế sự phát triển. Hiện nay, tình trạng ăn cắp bản quyền, mẫu mã sản phẩm đang diễn ra một cách thô bạo. Điều này đã hạn chế rất lớn sự phát triển của ngành thủ công mỹ nghệ. Chẳng hạn, trong một triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ tổ chức tại Đức mới đây, nhiều khách tham quan phản ánh có đến 3 doanh nghiệp trưng bày một sản phẩm giống hệt nhau từ chi tiết đến nguyên liệu. Điều này đã khiến không ít đối tác nước ngoài có cái nhìn thiếu thiện cảm về doanh nghiệp xuất khẩu thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
Có thương hiệu riêng là điều mà doanh nghiệp nào cũng mong muốn. Để xây dựng được thương hiệu, trước khi tung sản phẩm ra thị trường, điều doanh nghiệp cần làm là đăng ký bản quyền sở hữu mẫu mã lên Cục Sở hữu
trí tuệ để khẳng định trên cơ sở pháp lý quyền sở hữu của mình và được pháp luật bảo vệ. Nhưng các doanh nghiệp không những không đăng ký mà còn ăn cắp của nhau dẫn đến tranh chấp, kiện tụng tràn lan.
Sở dĩ hiện nay các doanh nghiệp lười đăng ký bản quyền là do họ vẫn kinh doanh theo lối “chụp giật”, chạy theo lợi nhuận trước mắt, chưa có định hướng lâu dài cho sự phát triển bền vững. Mặt khác, căn bệnh này cũng là do một số thủ tục pháp lý gây nên. Chúng ta đã có Luật Sở hữu trí tuệ nhưng thủ tục đăng ký bản quyền còn rườm rà, rắc rối, có nhiều chồng chéo, mang tính chất hành chính. Quản lý thì quá lỏng lẻo so với các nước trong khu vực chứ chưa nói gì đến thế giới. Thời gian hoàn thành quá lâu khiến nhiều doanh nghiệp nản mà bỏ cuộc.