3. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ
3.1 Kiến nghị với khách hàng
♦ Nâng cao trình độ với cán bộ làm công tác xuất nhập khẩu.
Các doanh nghiệp cần chú trọng hơn nữa trong việc đào tạo cán bộ xuất nhập khẩu và bản thân các nhà xuất nhập khẩu cần phải có ý thức tự học hỏi trau dồi nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Có thể nói, kiến thức về xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế là mảng kiến thức khá bao quát, tổng hợp, liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau, không chỉ đơn thuần là các quy trình thanh toán mà còn có cả những yếu tố về thị trường, quản lý giá cả, sự nhạy bén trong kinh doanh... Một khi hiểu rõ vai trò của công việc đào tạo cán bộ thì những trở ngại khó khăn trong lúc thực hiện chỉ là nhân tố thứ yếu. Nếu kinh phí thời gian công sức bỏ ra cho ngày hôm nay không phải là ít nhưng kết quả thu được lại là con số lớn hơn gấp nhiều lần thì việc đầu tư này là vô cùng cần thiết và có lợi. Nó không chỉ đảm bảo cho việc kinh doanh của bản thân khách hàng suôn sẻ, tránh được những rủi ro, tạo lập uy tín đối với bạn
hàng quốc tế mà nó sẽ góp phần to lớn trong việc hỗ trợ công tác thanh toán quốc tế tại Ngân hàng có hiệu quả.
♦ Lựa chọn đối tác.
Đây là việc làm đầu tiên và hết sức quan trọng trong kinh doanh xuất nhập khẩu. Nếu lựa chọn được đối tác làm ăn trung thực, có thiện chí thì các vướng mắc phát sinh trong qúa trình kinh doanh xuất nhập khẩu có khả năng giải quyết dễ dàng thông qua thương lượng. Để hạn chế rủi ro, nên chọn khách hàng truyền thống, khách hàng ở những nước có ít rủi ro, khách hàng có chi nhánh hoặc văn phòng giao dịch tại Việt Nam, hạn chế việc mua bán qua trung gian.
♦ Chọn Ngân hàng phục vụ.
Các chuyên gia ngân hàng giỏi về lĩnh vực thanh toán quốc tế có thể tư vấn giúp doanh nghiệp rất nhiều trong hoạt động kinh doanh xuất L/C hoặc kiểm tra sự phù hợp của bộ chứng từ cũng như giải quyết các tranh chấp phát sinh, nhờ đó mà doanh nghiệp có thể hạn chế các rủi ro trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu. Chính vì vậy nên lựa chọn các ngân hàng phục vụ có uy tín và nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thanh toán quốc tế.
3.2. Kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước.
♦ Đẩy mạnh chính sách sử dụng và quản lý ngoại tệ phục vụ xuất nhập khẩu:
Kêu gọi vốn nước ngoài, nhất là các nguồn vốn trung và dài hạn dưới mọi hình thức, vay vốn từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ, các cá nhân nước ngoài, khai thác triệt để mọi khoản tài trợ của các tổ chức nước ngoài nhằm đổi mới công nghệ ngân hàng.
Tổ chức triển khai các dự án có chất lượng, theo đúng hiệp định đã ký kết với nước ngoài, với các tổ chức quốc tế lớn như WB, ADB...
♦ Cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.
Cán cân thanh toán quốc tế có vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống cán cân thanh toán của cả nước. Tình trạng của nó ảnh hưởng quyết định đến sự thay đổi của tỷ giá hối đoái đến tình trạng ngoại hối của các nước và toàn bộ nền kinh tế của các nước đó. Tình trạng cán cân thanh toán liên quan đến quan hệ cung cầu, tỷ giá hối đoái... Vì vậy việc cải thiện cán cân thanh toán quốc tế có vai trò quan trọng. Ở nước ta hiện nay, hướng cải thiện cán cân thanh toán quốc tế là:
- Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hạn chế nhập khẩu.
- Đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, quản lý chặt chẽ vay nợ nước ngoài.