- Kinh doanh ngoại tệ: là hoạt động có tỷ trọng tương đối cao trong năm 2009,
2.3.2. Những hạn chế cần khắc phục và nguyên nhân
2.3.2.1. Những hạn chế cần khắc phục
- Tỷ trọng dư nợ cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ còn nhỏ
Mặc dù Chi nhánh Ngân hàng ĐT & PT Quang Trung được thành lập với chức năng thực hiện nghiệp vụ là ngân hàng bán lẻ nhưng dư nợ cho vay tiêu dùng vẫn còn thấp và chiếm một tỷ lệ chưa cao trong hoạt động cho vay của ngân hàng. Hiện nay, dư nợ cho vay tiêu dùng mới chỉ chiếm khoảng trên 8% trong tổng số dư nợ cho vay (một số NHTM cổ phần đạt 20%).
- Số lượng khách hàng vay còn hạn chế
Hoạt động cho vay tiêu dùng ở chi nhánh chưa thực sự được nhiều người biết đến do BIDV Quang Trung được tách ra từ Sở giao dịch I với nền tảng khách hàng là Tổng công ty, các doanh nghiệp lớn. Do vậy, khách hàng là cá nhân, hộ gia đình tìm đến BIDV Quang Trung để vay tiêu dùng vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ.
- Cơ cấu cho vay tiêu dùng không cân đối
Năm 2007, cho vay tiêu dùng chủ yếu tập trung vào cho vay mua nhà, cho vay CBCNV, tỷ trọng hai khoản mục này lên đến 77% trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng. Trong hai năm tiếp theo, Chi nhánh triển khai thêm một số sản phẩm cho vay tiêu dùng mới nhưng tỷ trọng dư nợ các khoản mục trong cơ cấu dư nợ cho vay tiêu dùng vẫn có xu hướng mất cân đối, cụ thể: khoản mục cho vay NLĐXK chỉ đạt dưới 1% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng, cho vay mua ô tô năm 2009 chỉ chiếm 2% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng. Trong khi đó, cho vay cầm cố chứng khoán năm 2009 đạt đến 45% trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng.
Có thể thấy nhu cầu thị trường đối với cho vay tiêu dùng còn rất lớn và vẫn đang trong giai đoạn khai thác ban đầu. Do đó, trong thời gian tới chi nhánh cần tiếp tục mở rộng cho vay thêm các loại hình khác như cho vay mua ô tô, cho vay người lao động xuất khẩu, cho vay du học…
2.3.2.2. Những nguyên nhân chủ yếu
- Thứ nhất, quy trình cho vay của Chi nhánh tuân theo quy trình chung của toàn hệ thống nên còn chưa đơn giản, rườm rà và nhiều loại giấy tờ
Khi có nhu cầu vay tiêu dùng, các khách hàng thường đến Ngân hàng gặp trực tiếp cán bộ tín dụng, thực hiện các thủ tục vay vốn theo đúng trình tự mà Ngân hàng đã quy định. Hồ sơ khoản vay phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Chi nhánh Quang Trung bao gồm:
+ Giấy đề nghị vay vốn (có mẫu)
+ Giấy xác nhận là cán bộ nhân viên/thư cam kết hỗ trợ của cơ quan quản lý lao động.
+ Xác nhận/giấy tờ chứng minh về thu nhập hàng tháng/thu nhập không thường xuyên của cơ quan quản lý lao động/ngân hàng (trong trường hợp nhận tiền kiều hối).
+ Bản sao Hợp đồng lao động (trong đó cho thấy thời gian đã công tác ít nhất 12 tháng).
+ Các giấy tờ hỗ trợ khác chứng minh về mục đích, nhu cầu sử dụng vốn, kế hoạch trả nợ…
Để hoàn thành hồ sơ theo đúng yêu cầu của Ngân hàng, khách hàng gặp không ít khó khăn và mất nhiều thời gian. Khi bộ hồ sơ được hoàn thành, cán bộ tín dụng sẽ tiến hành thẩm định, quá trình thẩm định cũng gây mất thời gian, chi phí, do khối lượng khách hàng lớn trong khi số lượng cán bộ tín dụng còn hạn chế. Thêm nữa, quá trình quản lý, xử lý thu hồi nợ còn rườm rà ở thủ tục thụ lý, phát mại tài sản, khó khăn khi khách hàng thay đổi địa chỉ, nơi làm việc… Như vậy, nếu quy trình, thủ tục cho vay đơn giản hơn, thuận tiện hơn, gây tốn ít thời gian hơn thì chắc chắn sẽ có nhiều khách hàng hơn sử dụng sản phẩm cho vay tiêu dùng của Ngân hàng.
- Thứ hai, cán bộ tín dụng được phân bổ chưa đồng đều
Với thuận lợi là đa phần các cán bộ cho vay tiêu dùng của Chi nhánh đều được đào tạo vững vàng về kiến thức và chuyên môn nghiệp vụ nên đội ngũ cán bộ này có những đóng góp tích cực vào việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm cho vay nói chung và cho vay tiêu dùng nói riêng. Tuy nhiên, không phải tất cả cán bộ tín dụng đều có kinh nghiệm tổng hợp và phân tích các thông tin khách hàng một cách khoa học và chính xác, nhất là những nhân viên còn tương đối trẻ còn lúng túng trong công việc do mới được tuyển dụng, chưa qua đào tạo một cách bài bản để cập nhật các kiến thức thực tế. Ngoài ra, đối với hoạt động cho vay tiêu dùng, có những cán bộ phải quản lý đến 60 khách hàng tương đương với 60 khoản vay, việc này ảnh hưởng
trực tiếp đến khâu kiểm soát trong và sau quá trình cho vay và thu nợ, do đó những thiếu sót là khó tránh khỏi.
2.3.2.2.2. Nguyên nhân khách quan
- Thứ nhất, từ phía khách hàng
Một trong những vấn đề khó khăn mà Chi nhánh gặp phải khi cho vay tiêu dùng khách hàng khó chứng minh thu nhập và khả năng trả nợ của bản thân. Đối với đối tượng vay là CBCNV hưởng lương thì việc xác định thu nhập từ lương là dễ dàng thông qua bảng lương hàng tháng. Thông thường, ngoài khoản lương khách hàng còn có các nguồn thu nhập khác những rất khó có thể xác định chính xác. Đối với khách hàng vay không phải là CBCNV thì thu nhập của họ chủ yếu do bản thân họ chứng minh và cán bộ cho vay là người thẩm định. Nếu việc chứng minh của họ không đủ sức thuyết phục Ngân hàng thì nhu cầu vay của họ sẽ không được đáp ứng. Điều này sẽ làm hạn chế khả năng mở rộng cho vay tiêu dùng đối với các nhóm khách hàng này, làm giảm hiệu quả hoạt động cho vay và hoạt động sử dụng vốn của Ngân hàng.
Thói quen và tâm lý tiêu dùng của khách hàng cũng là yếu tố tác động mạnh mẽ đến hoạt động cho vay của ngân hàng nhất là trong hoạt động cho vay tiêu dùng. Quy mô hoạt động cho vay tiêu dùng còn thấp, khả năng mở rộng các nghiệp vụ khó khăn, dẫn đến hạn chế trong việc cung cấp các sản phẩm cho vay tiêu dùng có nguyên nhân bắt nguồn chủ yếu từ thói quen và tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam. Từ trước đến nay, người tiêu dùng Việt Nam có thói quen tích lũy để mua sắm hoặc vay từ bạn bè, người thân hơn là tìm đến các ngân hàng để thỏa mãn nhu cầu của mình vì tâm lý tin tưởng vào bạn bè, người thân và cũng vì họ e ngại thủ tục vay mượn rườm rà, bên cạnh đó cũng một phần do thị trường tài chính phục vụ mục đích tiêu dùng ở nước ta còn chưa thực sự phát triển. Ngoài ra, phần lớn người dân nước ta vẫn có thói quen nhận lương bằng tiền mặt, đây cũng là một lý do hạn chế sự phát triển của các sản phẩm cho vay tiêu dùng sử dụng nguồn trả nợ từ lương.
- Thứ hai, từ môi trường bên ngoài
Sự biến động của nền kinh tế có ảnh hưởng lớn đến hành vi tiêu dùng của người dân trong xã hội. Năm 2009, khủng hoảng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta: nhiều doanh nghiệp phải hoãn các dự án đầu tư; các hoạt động kinh tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ đều giảm sút. Một tác động nữa của cuộc khủng hoảng ở Việt Nam là mức độ việc làm và khả năng tạo ra việc làm, vì các doanh nghiệp phải giảm kế hoạch sản xuất cho phù hợp với mức cầu đang giảm dần trên thế giới và trong nước, nhiều doanh nghiệp hoãn kế
hoạch đầu tư mở rộng sản xuất hoặc thậm chí phải đóng cửa dẫn đến thất nghiệp có xu hướng tăng, đời sống người dân giảm sút.
Cụ thể, năm 2009, cơ cấu khoản mục cho vay mua ô tô giảm mạnh là do từ quý 2/2009 giá xe hơi sẽ tăng đáng kể, trước tiên, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi được dụng từ 1/4/2009 làm giá xe 7 chỗ thông dụng tăng lên. Bên cạnh đó, trong năm qua, dù cho tỉ lệ lạm phát tăng trên 20%, các hãng xe hơi vẫn không nâng giá. Vì thế mức giá chung sẽ được tăng lên trong năm 2009 để bù đắp lại các chi phí cao hơn của phụ tùng nhập khẩu và các loại thuế khóa cùng những chi phí liên quan khác. Như vậy, khi tính các chi phí này cùng với lệ phí trước bạ vốn đã cao hơn trước, sức mua sắm xe hơi đã bị suy giảm rõ rệt vào năm 2009. Mặt khác, cũng trong năm 2009, hầu hết các doanh nghiệp ôtô đều cắt giảm mạnh sản lượng. Có những doanh nghiệp lên kế hoạch cắt giảm tới 50% sản lượng so với 2008, nhập khẩu xe nguyên chiếc cũng giảm mạnh. Sản lượng sụt giảm sẽ khiến giá xe tăng lên do vậy nhu cầu vay ngân hàng để mua ô tô của khách hàng cũng giảm đi một cách đáng kể.
Khủng hoảng kinh tế cũng làm cho giá xăng dầu tăng lên trong năm 2009, mặc dù trong năm cũng có những đợt giảm giá nhưng không đáng kể và thường rất trễ so với thị trường thế giới kéo theo đó là giá cả của các mặt hàng trong nước tăng mạnh. Mặc dù nhu cầu tiêu dùng trong dân cư là rất lớn nhưng sự thiếu ổn định của nền kinh tế đã gây tâm lý e ngại cho người dân, họ bắt đầu có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn là chi tiêu do đó đã gây ảnh hưởng tới khả năng mở rộng cho vay tiêu dùng của Ngân hàng.
Một số những quy định, thủ tục của cơ quan Nhà nước cũng gián tiếp gây ra những khó khăn không nhỏ đối với việc mở rộng cho vay tiêu dùng của ngân hàng. Theo quy định, Chi nhánh chỉ nhận thế chấp bất động sản đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và đất ở vì vậy tiến độ cấp các giấy tờ chậm chạp cũng làm hạn chế cho vay tiêu dùng tại Chi nhánh.
Môi trường cạnh tranh gay gắt cũng là một nguyên nhân ra những hạn chế trong cho vay tiêu dùng của Chi nhánh. Hiện nay, nhiều ngân hàng đã nhìn trước được tiềm năng của hoạt động cho vay tiêu dùng nên hầu hết các Ngân hàng đều có những định hướng phát triển các sản phẩm- dịch vụ này. Do đó, sự cạnh tranh giữa các Ngân hàng sẽ càng trở nên gay gắt là điều khó tránh khỏi. Riêng trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng đã có rất nhiều các ngân hàng tham gia, từ các ngân hàng lớn như: Vietcombank, Ngân hàng Agribank… cho tới các ngân hàng có quy mô nhỏ hơn như các ngân hàng cổ phần, bên cạnh đó, còn có sự tham gia của các Công ty cho thuê tài
chính. Trong thời gian tới, cùng với sự nới lỏng của cơ chế tín dụng, các NHTM Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thử thách vô cùng khó khăn vì lĩnh vực cho vay tiêu dùng tuy còn khá mới mẻ tại Việt Nam nhưng lại là lĩnh vực rất phổ biến và phát triển tại các nước trên Thế giới. Nhận thấy tiềm năng to lớn từ thị trường cho vay tiêu dùng nên rất nhiều các ngân hàng đã liên tục tung ra thị trường các sản phẩm dịch vụ với nhiều tiện ích bổ sung. Do đó, khách hàng luôn đứng trước nhều sự lựa chọn những sản phẩm tốt nhất, phù hợp nhất với họ. Chính vì vậy, để có thể cạnh tranh trên thị trường buộc ngân hàng phải nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm để nhằm thỏa mãn tốt nhất nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.