Các lợi ích mang lại từ mô hình

Một phần của tài liệu Phân tích hiệu quả kinh tế của mô hình trồng rau nhút mùa nước nổi ở thạnh mỹ tây - châu phú - an giang (Trang 43 - 44)

Đây là mô hình có ý nghĩa rất lớn về mặt sinh thái, hạn chế các mầm bệnh gây hại, cỏ dại đồng thời cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho ruộng lúa,… Từ đó, việc canh tác lúa trở nên ít tốn kém về chi phí phòng ngừa sâu bệnh, cũng như phân bón và thuốc BVTV.

Bên cạnh đó, việc canh tác mô hình TRNMNN vừa giải quyết việc làm, tạo kế sinh nhai cho người dân, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân trong mùa nước nổi vừa phát huy được tinh thần chủ động, sáng tạo khai thác mùa nước nổi trong dân. Mỗi địa phương có thể chọn cho mình một mô hình phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, tận dụng được lợi thế về tự nhiên và an tâm canh tác mô hình này từ đó có thể làm giàu cho gia đình và cho xã hội.

Mô hình này mang lại lợi nhuận cao, ít vốn đầu tư, nhẹ công chăm sóc và thoải mái hơn nhiều so với lúa vụ 3. Bên cạnh việc canh tác mô hình này, người dân có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi làm thêm công việc khác để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Mặt khác, đây là mô hình vừa tận dụng được điều kiện tự nhiên trong mùa nước nổi như mực nước cao, diện tích mực nước rộng giúp cây rau phát triển mạnh, vừa giữ lại một lượng phù sa rất lớn cho đất. Bên cạnh đó, còn tận dụng được diện tích đất trồng lúa để canh tác, làm giảm được chi phí đầu tư và tăng lợi nhuận trong việc canh tác mô hình này.

Vào mùa nước nổi số lượng các loại rau sống trên cạn giảm mạnh. Vì vậy, mô hình này tạo ra một loại thực phẩm thay thế và đáp ứng nhu cầu cho thị trường cả nước cả trong mùa khô và mùa nước nổi.

Một phần của tài liệu Phân tích hiệu quả kinh tế của mô hình trồng rau nhút mùa nước nổi ở thạnh mỹ tây - châu phú - an giang (Trang 43 - 44)