I. NHỮNG ĐỘNG THÁI CỦA TMĐT TRONG XU THẾ HỘI NHẬP VỚI THẾ GIỚ
2. Hạ tầng cơ sở nhân lực
Đội ngũ nhân lực cho CNTT nói chung và TMĐT nói riêng vẫn còn thiếu. Cả nước hiện có khoảng 600 doanh nghiệp phần mềm với số nhân lực là 15.000 người, phân bố chủ yếu tại Thành phố Hồ Chí Minh (50%) và Hà Nội (40%). Đại bộ phận là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Năng suất lao động trong ngành phần mềm đạt khoảng 10.000 USD/ người/ năm. Tuy nhiên, nhìn
chung quy mô các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam còn nhỏ, nhân lực phần mềm thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Đặc biệt chưa có những chuyên gia về quản trị dự án, thiết kế giải pháp, tiếp thị, kiểm tra chất lượng, phân tích trình độ cao. [24]
Về số lượng của đội ngũ nhân lực làm việc trong CNTT đã như vậy, chất lượng đào tạo lại chưa tốt. Khoảng cách giữa đào tạo với thực tế còn quá lớn. Chương trình đào tạo thiếu vắng các môn học công nghệ phần mềm chuyên sâu, đào tạo thiếu sự đồng bộ nên chất lượng không đồng đều, còn nặng về lý thuyết. Ngoài ra, chất lượng giáo viên vừa thiếu vừa chưa đáp ứng được nhu cầu.
Tuy vậy, hạ tầng về nhân lực cho CNTT nói chung và cho TMĐT nói riêng đã có nhiều bước tiến triển đáng mừng. Số lượng các trường đại học và cao đẳng đưa CNTT vào giảng dạy ngày càng nhiều. Hiện nay, trên toàn quốc đã có 250 cơ sở đào tạo tin học. Nếu tính riêng về đào tạo chính quy ở bậc đại học, hiện có 55 trường với 7 khoa CNTT trọng điểm đã được xây dựng. Trung bình, mỗi trường có thể đào tạo 100 - 200 sinh viên hệ chính quy hàng năm. Bên cạnh sự tham gia các trường đại học chuyên ngành còn có sự tham gia của các tổ chức đào tạo quốc tế nên nhu cầu của thị trường về nguồn nhân lực cho CNTT được thoả mãn hơn. [24]
Chất lượng nhân lực cho CNTT ở Việt Nam cũng ngày càng được nâng cao. Số các chuyên gia phần mềm trình độ cao, các thạc sỹ, tiến sỹ ngày càng tăng. Vừa qua, SoftSim Version 3.0 của công ty Paragon Solution Việt Nam được thiết kế từ ý tưởng của nhóm 5 sinh viên vừa tốt nghiệp đã vượt qua 130 sản phẩm phần mềm của các công ty lập trình trên thế giới để đoạt huy chương vàng cho phần mềm đào tạo trực tuyến.
Bên cạnh đó, nhân lực cho CNTT ở Việt Nam còn được đánh giá là tương đối rẻ, chỉ bằng 1/2 ở Ấn Độ, 3/4 ở Đông Âu và Nga. Chính vì vậy, rất nhiều công ty nước ngoài nhắm đến nguồn nhân công này ở nước ta. Điều đó
tạo cơ hội cho ta xuất khẩu các kĩ sư phần mềm. Hiện nay ta đã có khá nhiều các hợp đồng cung ứng kĩ sư và kĩ thuật viên máy tính cho nước ngoài.