không phù hợp với kỳ báo cáo kế toán mà phù hợp với chu kỳ sản xuất sản phẩm. Do đó, việc phản ánh và giám sát kiểm tra của kế toán đối với tình hình thực hiện kế hoạch chỉ thực sự phát huy đầy đủ tác dụng khi chu kỳ sản xuất sản phẩm đã kết thúc.
1.3.4 Phân biệt đối tượng hạch toán chi phí sản xuất và đối
tượng tính giá thành sản phẩm sản xuất
Qua hai khái niệm về đối tượng hạch toán chi phí sản xuất và đối tượng tính giá thành ta thấy có những điểm khác nhau.
Đối tượng hạch toán chi phí sản xuất là căn cứ để mở các tài khoản, các sổ chi tiết, tổ chức ghi chép ban đầu, tập hợp số liệu chi phí sản xuất chi tiết theo từng đối tượng. Còn việc xác định đối tượng tính giá thành lại là căn cứ để kế toán lập các biểu chi tiết tính giá và tổ chức công tác tính giá thành theo từng đối tượng.
Tuy nhiên giữa đối tượng tính giá và đối tượng hạch toán chi phí lại có mối quan hệ mật thiết với nhau. Về bản chất, chúng là nhựng phạm vi, giới hạn để tập hợp chi phí. Số liệu về chi phí sản xuất được tập hợp trong nhiều kỳ là cơ sở và căn cứ để tính giá thành.
Mối quan hệ giữa đối tượng tính giá thành và đối tượng hạch toán chi phí biểu hiện theo một trong các trường hợp sau:
- Tương ứng với một đối tượng hạch toán chi phí sản xuất là nhiều đối tượng tính giá thành có liên quan.
- Tương ứng với nhiều đối tượng hạch toán chi phí sản xuất chỉ có một đối tượng tính giá thành.
- Đối tượng hạch toán chi phí sản xuất và đối tượng tính giá thành tương ứng phù hợp nhau.
- Tuỳ vào đối tượng hạch toán chi phí sản xuất và đối tượng tính giá thành mà ta cần lựa chọn phương pháp tính giá thành phù hợp.