– Địa bàn TPHCM có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định nhất của cả nước. Thật vậy, năm 2005, tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước đạt trên 8,4% và riêng địa bàn TPHCM là 12,2%. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế lớn như vậy, nhu
cầu vốn phục vụ cho đầu tư phát triển cũng như nhu cầu về các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng sẽ rất lớn.
– Chỉ số giá tiêu dùng năm 2005 tăng 8,77% so với năm 2004 (mức bình quân của cả nước là 8,4%). Chỉ số giá tiêu dùng tăng chủ yếu từ tác động của việc tăng giá xăng dầu trên thế giới. Dưới áp lực của việc tăng chỉ số giá tiêu dùng trong nước, sự gia tăng lãi suất cơ bản của FED và sự mất cân bằng trong quan hệ cung- cầu vốn, năm 2005, lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại biến động thường xuyên trên phạm vi cả nước và đặc biệt sôi động trên địa bàn TPHCM. Những biến động lớn về lãi suất trên thị trường được nhìn nhận là cơ hội cũng như là thách thức đối với các ngân hàng thương mại trong việc triển khai vận dụng các công cụ kinh doanh phái sinh tiền tệ để gia tăng lợi nhuận cho ngân hàng.
Hình 2.4: Tốc độ tăng trưởng GDP của TPHCM giai đoạn 2001-2005 (%) 0.00% 2.00% 4.00% 6.00% 8.00% 10.00% 12.00% 14.00% 1 2 3 4 5 Tăng trưởng GDP
Nguồn: Tình hình kinh tế xã hội TPHCM - Cục Thống kê TPHCM
– Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong năm 2005 (loại trừ giá trị xuất khẩu dầu thô) đạt 4,89 tỷ USD, tăng trưởng 17% so với năm 2004. Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 6,37 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2004. Như vậy, mặc dù hoạt động ngoại thương của thành phố vẫn còn trong tình trạng nhập siêu nhưng rõ ràng đã có những chuyển biến tích cực thể hiện qua tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu. Hoạt động ngoại thương của thành phố khá sôi nổi là cơ hội tốt cho các ngân hàng thương mại đẩy mạnh hoạt động tài trợ ngoại
thương, cung cấp các dịch vụ thanh toán, các dịch vụ kinh doanh ngoại tệ và mở rộng hoạt động kinh doanh đối ngoại.
– Đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2005 tại TPHCM (chỉ tính cấp phép mới, không bao gồm các dự án điều chỉnh tăng vốn và tính đến ngày 10/12/2005) đạt 0,43 tỷ USD với 269 dự án được cấp phép. Riêng ngành tài chính-tín dụng-ngân hàng, có 02 dự án đầu tư (chiếm 1% tổng số dự án) nhưng số vốn đầu tư chiếm trên 35 triệu USD (8,1% tổng vốn đầu tư của toàn thành phố). Hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài mà đặc biệt là các dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài mở ra cho các ngân hàng thương mại cơ hội khai thác thị trường tiềm năng mới nhưng đồng thời cũng buộc các ngân hàng phải không ngừng hoàn thiện sản phẩm dịch vụ vì các doanh nghiệp nước ngoài này yêu cầu rất cao về chất lượng dịch vụ tài chính ngân hàng.
– Đứng trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế mà cụ thể là việc Việt Nam mở cửa thị trường tài chính, các ngân hàng thương mại Việt Nam sẽ phải đương đầu với hàng loạt những thách thức to lớn từ việc thực thi Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ và Hiệp định chung về thương mại dịch vụ của WTO. Theo các cam kết này, dịch vụ ngân hàng được mở cửa theo lộ trình nhất định trước khi mọi hạn chế đối với các ngân hàng nước ngoài tại thị trường Việt Nam được bãi bỏ. Như vậy, xu thế tự do hoá tài chính buộc các ngân hàng thương mại Việt Nam phải thực hiện các công cuộc cải tổ hoạt động, lành mạnh hoá tài chính và đặc biệt là tạo cơ hội cho các ngân hàng trong nước có cơ hội cọ xát, học tập kinh nghiệm, nâng cao trình độ quản lý ngân hàng sao cho gần với các chuẩn mực quốc tế.
– Vấn đề cổ phần hoá các ngân hàng thương mại quốc doanh đang là vấn đề được giới tài chính ngân hàng quan tâm nhiều nhất. Thật vậy, để chuẩn bị cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các ngân hàng thương mại quốc doanh sẽ được cổ phần hoá từng phần nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sự chủ động trong kinh doanh. Đây là xu thế tất yếu và chắc chắn sẽ được triển khai trong tương lai gần.