Năm 2009 là năm có nhiều vấn đề của thị trường tiền tệ Việt Nam. Tỷ giá USD/VND tăng mạnh, nhập siêu cao, lạm phát đứng trước áp lực tăng trở lại vào năm 2010, khan hiếm cục bộ đôla Mỹ, giá vàng sốt nóng, lãi suất ngân hàng lên kịch trần...
Để thấy rõ sự biến động của tỷ giá, ta so sánh ở ba góc độ của thị trường là thị trường liên ngân hàng, thị trường tự do, tỷ giá bình quân liên ngân hàng trong 4 giai đoạn (giai đoạn 1: từ tháng 1/2009 đến tháng 3/2009; giai đoạn 2: từ tháng 4/2009 - tháng 9/2009; giai đoạn 3: từ tháng 10/2009 - ngày 24/11/2009 và giai đoạn 4: từ 25/11 đến hết năm 2009).
Đầu tiên, xét trên thị trường liên ngân hàng.
Ở giai đoạn 1, tỷ giá dao động trong khoảng 17.450 - 17.700 đồng/USD, cách giá trần khoảng từ 0 - 200 điểm (một điểm tương đương một đồng), lúc đó tính thanh khoản thị trường kém, nguồn cung khan hiếm, ngoại trừ thời điểm thị trường được bổ sung từ doanh thu xuất khẩu vàng.
Giai đoạn 2, tỷ giá liên ngân hàng sát giá trần của NHNN trong khoảng 10 ngày sau khi NHNN tăng biên độ tỷ giá từ +/- 3% lên +/- 5% vào ngày 23/3/2009. Tuy nhiên đến 9/4, tỷ giá liên ngân hàng tăng mạnh và duy trì biên độ 200 - 600 đồng/USD so với giá trần.
Giai đoạn 3, từ cuối tháng 10/2009, tỷ giá tăng mạnh và đến ngày 10/11/2009, cao hơn giá trần 1.000 đồng. Biến động tỷ giá rất mạnh, có ngày tăng 200 - 300 đồng và đạt đỉnh ở mức 19.750 đồng/USD vào 24/11. Chỉ đến khi NHNN cho phép nhập vàng trở lại, tỷ giá ở thị trường này giảm trong 2 ngày nhưng vẫn cao hơn 1.200 - 1.500 đồng so với giá trần.
Giai đoạn 4, tỷ giá giao dịch liên ngân hàng giảm từ mức cao 19.800 đồng/USD xuống 18.500 đồng/USD, sát với giá trần.
Ở thị trường tự do, tỷ giá biến động mạnh hơn rất nhiều.
Giai đoạn 1, chúng dao động trong khoảng 17.450 - 17.800 đồng/USD, cao hơn tỷ giá liên ngân hàng trên 100 đồng.
Giai đoạn 2, từ 18.180 đồng - 18.250 đồng nhưng từ nửa cuối tháng 6/2009, tăng lên mức 18.450 - 18.500 đồng/USD.
Sang giai đoạn 3, tỷ giá thị trường tự do tăng rất nhanh, đạt đỉnh 20.000 đồng/USD rồi giảm nhanh về 18.700 đồng/USD trước khi tăng trở lại và duy trì ở mức 19.000 - 19.300 đồng/USD.
Đến giai đoạn 4, tỷ giá thị trường này giảm mạnh.
Nếu như tỷ giá hai thị trường trên biến động mạnh thì biến động của tỷ giá bình quân liên ngân hàng do NHNN công bố làm cơ sở cho tỷ giá thị trường biến động rất ít.
Giai đoạn 1, chúng biến động nhỏ và xoay quanh mức 16.980 đồng/USD.
Giai đoạn 2, sau khi nới biên độ, tỷ giá giảm từ 16.980 đồng/USD xuống 16.935 đồng/USD (giảm 0,26%) và duy trì đến hết tháng 5/2009. Từ tháng 6/2009, mặc dù NHNN điều chỉnh tăng dần nhưng mức tăng thấp.
Giai đoạn 3, nhịp độ tăng của tỷ giá bình quân liên ngân hàng vẫn không nhiều và đến 19/11/2009, mức tăng của chúng so với cuối 2008 chỉ 0,3%.
Giai đoạn 4, kể từ 26/11, NHNN điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng 5,44% và so với cuối năm 2008, mức tăng của chúng chỉ 5,81%.
Cùng với đôla Mỹ, những ngoại tệ khác cũng tăng giá mạnh mẽ mà tỷ giá tính chéo giữa tiền đồng với một số ngoại tệ khác được áp dụng để tính thuế xuất nhập khẩu là một ví dụ. Và những nhà đầu cơ ngoại tệ khác ngoài đôla Mỹ đã hưởng được món lời lớn, mặc dù đó mới chỉ là số lời lãi tính trên tỷ giá tính chéo của NHNN, còn thực tế thì còn lớn hơn nhiều.
Nguyên nhân àm cho diễn biến tỷ giá thêm phức tạp
Các nguồn thu ngoại tệ như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư gián tiếp nước ngoài, kiều hối và khách du lịch quốc tế đều giảm.
Do chính phủ sử dụng các chính sách tài khóa và nới lỏng tiền tệ để kích thích nền kinh tế trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu nên đã gây ra áp lực tăng lạm phát. Mối lo ngại lạm phát sẽ rất cao như vào năm 2008 đã làm cho tiền đồng bị mất sức mua một cách trầm trọng và để bảo vệ sức mua của mình, người có tiền đã đi tìm sự an toàn ở đôla Mỹ và vàng.
Do hai yếu tố trên nên đã dẫn đến tâm lý kỳ vọng điều chỉnh tỷ giá theo hướng làm trượt giá mạnh tiền đồng. Và đây là nguyên nhân của tình trạng găm giữ đôla Mỹ, làm căng thẳng thêm cung - cầu ngoại tệ.
Các vấn đề bất cập của nền kinh tế Việt Nam như vấn đề lạm phát. Theo dự báo của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) thì thâm hụt tài khóa năm 2009 của Việt Nam lên đến trên 10% GDP, con số cao nhất trong những năm qua. Thâm hụt thương mại vẫn còn rất cao, và dự trữ ngoại tệ bị tụt giảm.
Những yếu tố này đã làm suy yếu tiền đồng. Bên cạnh đó, Việt Nam có tỷ lệ đôla hóa tương đối cao. Do đó, đôla Mỹ lên giá ở VN trong thời gian qua là chuyện khó tránh khỏi.
Hình 2.13: Diễn biến tỷ giá USD/VND năm 2008 và năm 2009