Mảng sản xuất kinh doanh thép tiếp tục là nhóm ngành hàng chủ lực của Hòa Phát, kết thúc năm 2013, mảng sản xuất kinh doanh thép đạt tổng doanh thu 15.108 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2012.
Đóng vai trò là nguồn năng lượng chính, chất xúc tác để biến quặng thành thép, than coke là một trong những nhân tố tạo nên lợi thế cạnh tranh của thép Hòa Phát. Năm qua, Công ty CP Năng lượng Hòa Phát đã thành công trong việc đưa dây chuyền sản xuất than coke số 2 đi vào hoạt động ổn định. Công tác kiểm soát chế độ lò, duy trì chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao tiếp tục được củng cố và nâng cao. Đồng thời, Công ty đã chủ động tiến hành nghiên cứu những chủng loại hàng mới phục vụ cho những phân khúc thị trường đặc biệt, tổ chức các chuyến công tác nước ngoài để tìm hiểu và cập nhật công nghệ sản xuất mới trên thế giới, mở rộng nguồn nguyên liệu …
Bên cạnh nhiệm vụ chính là cung cấp than coke cho KLH, Công ty còn đẩy mạnh tìm kiếm thị trường trong nước và xuất khẩu. Thị trường Nhật Bản tiếp tục là khách hàng lâu dài của Hòa Phát với các đơn hàng đều đặn hàng tháng, trong khi các đối tác khách hàng nội địa đặt hàng coke Hòa Phát tăng 30% so với năm trước. Ngoài ra, sản lượng phát điện của Nhà máy sản xuất than coke và nhiệt điện của Công ty CP năng lượng Hòa Phát cũng tăng hơn 30% so với năm 2012 với trên 120 triệu KWh điện, góp phần ổn định sản xuất cho toàn KLH.
Tháng 10/2013, Nhà máy chế biến quặng vê viên Hòa Phát tại KCN Bình Vàng, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang được đưa vào hoạt động khẳng định bước đi chiến lược của Hòa Phát nhằm chế biến sâu quặng sắt ngay tại chân mỏ, qua đó vừa nâng cao chất lượng quặng, vừa tiết kiệm chi phí vận chuyển, hạ giá thành thép thành phẩm. Nhà máy do Công ty CP Đầu tư Khoáng sản An Thông đầu tư có công suất 300.000 tấn quặng vê viên/năm và là nhà máy vê viên quặng sắt lớn nhất Việt Nam hiện tại. Tựu chung cả năm, hai Công ty khoáng sản Hòa Phát và An Thông đã cung cấp khoảng 300.000 tấn tinh quặng sắt và 42.800 tấn quặng vê viên cho KLH sản xuất gang thép.
Công tác thăm dò, mở khai trường quặng mới luôn được đẩy mạnh triển khai tại nhiều mỏ mà Tập đoàn được cấp phép khai thác ở các tỉnh Hà Giang, Lào Cai và Yên Bái. Qua đó, nhiều vỉa quặng mới có hàm lượng sắt cao, trữ lượng lớn đã được khai thác, tận dụng triệt để nhằm tiết kiệm tài nguyên, phục vụ sản xuất lâu dài. Bên cạnh đó, Hòa Phát còn nghiên cứu, thăm dò và khai thác quặng sắt phục vụ sản xuất trong nước, lập đề án khả thi các điểm mỏ mới tại Hà Giang và Hà Tĩnh theo chính sách xã hội hóa của Chính phủ trong lĩnh vực khai khoáng.