Nếu chúng ta giúp được người sống bằng tư tưởng thì cũng có thể giúp đỡ dễ dàng những kẻ đi trước chúng ta và đã bước qua bên kia cửa tử, vì trong trường hợp này, xác thân vật chất nặng nề của người mà ta gọi là chết, không còn nữa, nên tư tưởng của chúng ta dễ rung động khêu gợi tâm thức của họ hơn.
Con người sau khi lìa cõi trần có khuynh hướng quay vào bên trong và sống bằng tâm trí thay vì sống ở thế giới bên ngoài. Những luồng tư tưởng hồi còn sinh tiền, quen dùng giác quan của xác thân làm môi giới để cảm nhiễm ngoại cảnh, giờ đây xác thân tan rã thấy toàn là trống rỗng, chẳng biết dùng vật gì làm môi giới để tiếp xúc với cõi trần. Cũng như một người thường đi qua bên kia vực thẳm nhờ có một chiếc cầu bắc ngang, bây giờ chiếc cầu đó biến mất, nên họ không thể bước sang qua bên kia được. Vực thẳm đã phân cách họ. Con người vừa từ trần, thể vía liền tổ chức lại để kềm chế năng lực của cái trí,
không cho nó biểu hiện ra ngoại cảnh. Nếu không bi xáo trộn do hành động lìa bỏ cõi trần thì vật chất trung giới làm ra một lớp vỏ bao bọc cái vía thay vì là một dụng cụ mềm dẻo; và nếu đời sống của người vừa mãn phần được thanh cao, trong sạch thì nó tạo thành bức rào kiên cố chống lại các cảm xúc từ ngoại cảnh cùng các biến chuyển ở nội tâm. Bởi thế thể vía bi ngăn cản, năng lực không phân tán được cho nên rất dễ cảm nhiễm ở cõi Trung giới, vì vậy y có thể nhận sự giúp đỡ, khuyến khích, an ủi do người còn sống cầu nguyện và gởi những tư tưởng lành. Phương tiện này có hiệu lực ở cõi vía – hay cõi Trung giới – nhiều hơn ở cõi Trần.
Những vong linh lìa bỏ xác thân ở cõi trần để đến cảnh giới khác mà người đời thường gọi là cõi tử, nơi đây, một tư tưởng âu yếm, vong linh có thể cảm nhận dễ dàng, giống như ở cõi trần, giác quan cảm được lời âu yếm hay vuốt ve êm ái diu dàng. Bởi vậy, những người quá cố đều cần chúng ta gởi những tư tưởng trìu mến, an lạc và cầu chúc, để họ được chóng bước qua bên kia cửa tử, đến cõi Thiên đàng sáng láng tốt lành. Có nhiều kẻ ở cõi Trung giới lâu hơn thời gian mà họ phải ở, là vì nghiệp quả xấu của họ không được các thân bằng quyến thuộc hay biết để giúp mau vượt qua bên kia cõi tử. Nếu người ở trần thế biết rằng những lời cầu nguyện và những tư tưởng lành của họ có thể đem lại cho khách lữ hành (kẻ chết) trên đường về cõi Thiên đàng những nguồn an lạc, hạnh phúc dồi dào, và nếu những người ở cõi trần biết rằng tư tưởng và những lời cầu nguyện của họ có mãnh lực an ủi và giúp đỡ người
quá vãng như thế nào, thì chắc chắn không một kẻ quá vãng nào mà không nhận được một nguồn an ủi của những người sống ở trần gian.
Nếu chẳng may thân nhân của chúng ta quá vãng, ắt hẳn chúng ta thương tiếc lắm, tưởng nhớ nhiều, và thường tụng niệm hay đọc kinh cầu nguyện cho những hương hồn ấy sớm vãng sinh nơi Cực lạc. Ngoài ra, chúng ta còn một niềm an ủi lớn lao là có thể giúp đỡ hữu hiệu người mà chúng ta trìu mến chẳng may mất sớm bằng cách gởi những tư tưởng lành đến bảo vệ vong linh kẻ ấy rất đắc lực như Thiên thần hộ mệnh.
Những nhà Huyền bí học sáng lập các tôn giáo lớn luôn luôn lưu ý đến việc người còn sống phải có bổn phận giúp đỡ kẻ chết. Người Ấn độ có những lễ Shraddha, (như lễ cầu siêu bên Phật giáo) để siêu độ vong linh kẻ quyến thuộc sớm vãng sinh về Svarga, là cõi Cực lạc. Giáo hội Công giáo cũng có những buổi lễ, gọi là lễ cầu hồn, để cầu nguyện cho người quá cố, đại khái như đọc kinh: “Lạy Chúa, xin Chúa khấn ban cho linh hồn này đặng nghỉ an đời đời, xin ánh sáng của Chúa soi đến linh hồn...” Trong giới Thiên Chúa giáo, chỉ có phái Tin lành đã làm mất tập quán cổ truyền bác ái này. Nguyện cầu giáo phái ấy sẽ mau hiểu biết để tái lập cổ lệ hữu ích mà bức màn vô minh đã che lấp đi.