Theo định nghĩa của FAO, 2003 GAP là “Quy trình sản xuất (của một đơn vị cụ thể) nhằm đảm bảo cho môi trường, kinh tế xã hội của đơn vị được bền vững, sản phẩm làm ra phải tốt và an toàn”
Những Quy tắc, Tiêu chuẩn, Quy định của GAP được đề ra trong những năm gần đây bởi các cơ sở sản xuất, các tổ chức Phi Chính phủ và Chính phủ nhằm xác lập một quy trình công nghệ sản xuất thực phẩm tốt cho một cơ sở sản xuất cụ thể.
Tại sao phải đưa ra những Quy tắc, Tiêu chuẩn, Quy định cho “Quy trình sản xuất tốt” GAP? Vì sự giữ gìn cho chất lượng và an toàn sản phẩm ở phạm vi toàn cầu. Mục đích của nó là để thực hiện những yêu cầu của thị trường và quản lý sản xuất vì mục đích chất lượng và an toàn sản phẩm, phù hợp với từng thị trường. Quy trình đó phải được thể hiện xuyên suốt trong dây chuyền cung ứng (Supply chain) để thực hiện được một quá trình quản lý chất lượng nông sản (Food chain) được tốt cung ứng cho các thị trường tiên tiến, cải thiện môi trường, bảo vệ được sức khỏe và điều kiện làm việc cho người lao động.
Thực hành sản xuất theo GAP có lợi gì cho người sản xuất, và sẽ gặp những trở ngại gì?
Sự có lợi của GAP ở chỗ những quy định, quy tắc và tiêu chuẩn của chất lượng và độ an toàn của nông sản được xác định rõ ràng, minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường đánh giá, làm giảm đi những rủi ro của dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) và những tạp chất có hại khác.
Những thử thách, trở ngại chính của chương trình GAP là sự tăng giá thành sản phẩm do công việc ghi chép chứng từ, tập hợp hồ sơ suốt quá trình sản xuất, kiểm tra dư lượng hóa chất và những tạp chất khác trong nông sản, để đủ dữ kiện để có thể truy nguyên được nguồn gốc của sản phẩm. Ngoài ra còn phải đầu tư cho những công việc như đánh giá, và xây dựng hệ thống thông tin để quản lý GAP.