2.1. Diễn ngôn thủ đô- dòng mạch chính trong diễn ngôn về Hà Nội trong văn học miền Bắc Việt Nam giai đoạn 1945- 1975
2.1.1. Ngữ cảnh tạo sinh diễn ngôn thủ đô trong văn học miền Bắc Việt Nam giai đoạn 1945- 1975
Như chúng tôi đã giới thuyết trong chương 1 về những yếu tố tác động đến sự hình thành và tồn tại của những diễn ngôn thành phố nói chung và diễn ngôn về
Hà Nội giai đoạn 1945- 1975 nói riêng, bối cảnh lịch sử văn hóa xã hội và những đặc điểm liên quan đến chủ thể sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến các diễn ngôn được tạo lập. Bối cảnh lịch sử hào hùng ba mươi năm chiến tranh với những chiến công lẫy lừng chắc chắn là ngữ cảnh tạo sinh của diễn ngôn thủ đô trong giai đoạn này. Một lần nữa chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây ý niệm thủ đô không chỉ đơn thuần gắn với chức năng hành chính, quyền lực chính trị của một vùng không gian, một địa danh. Nó không đơn thuần định vị không gian ấy ở vị trí trung tâm, cao hơn so với những vùng không gian khác. Thủ đô bao giờ cũng gắn với vị trí trung tâm về mặt tinh thần của một quốc gia, Thủ đô được xem như hình ảnh đại diện của một quốc gia, nỗ lực đầu tiên để nhớ đến một quốc gia thường là nhớ được tên thủ đô của quốc gia ấy, Nó còn là nơi thể hiện được diện mạo tinh thần của quốc gia: lịch sử thời quá khứ, truyền thống văn hóa, chiến lược phát triển hiện tại và cả những khát vọng trong tương lai… Thủ đô là không gian được phó thác sứ mệnh tiên phong, là trung tâm của niềm tin và hy vọng. Nó gắn với một trong số những biểu hiện cụ thể của lòng yêu nước, đó là sự tin yêu, ngưỡng vọng mà các công dân dành cho thủ đô của mình. Thủ đô, bởi vậy, là một ý niệm đầy tính chất quyền uy. Thứ quyền uy mà nó mang theo là quyền uy thuộc về lịch sử, thuộc về giai tầng đóng vai trò trung tâm trong việc tổ chức và điều hành mọi mặt của đời sống xã hội. Đó là thứ quyền uy được thừa nhận bởi số đông và có khả năng chi phối đám đông đó.
Hà Nội với tư cách là một thủ đô và lại còn là thủ đô thời chiến nên vị trí trung tâm, tính chất đại diện cho lịch sử nước nhà lại càng rõ nét. Trong diễn ngôn thủ đô giai đoạn từ 1945- 1975, diễn ngôn về Hà Nội đều nhấn mạnh thủ đô là trái tim của cả nước, thủ đô hào hùng trong chiến đấu cũng đồng thời tỏa sáng vả đẹp anh hùng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những nét nổi bật trong diễn ngôn thủ đô vừa gắn với vị trí trung tâm của Hà Nội trong lịch sử hai cuộc kháng chiến đồng thời gắn với sứ mệnh quan trọng nhất của thời đại mà Hà Nội tất yếu sẽ đi tiên phong. Những diễn ngôn này chịu sự chi phối trực tiếp của uy quyền thủ đô, uy quyền của lịch sử chính thống và được thừa nhận bởi cộng đồng. Bởi vậy lịch sử được lựa chọn trong những diễn ngôn này là lịch sử của cộng đồng, lịch sử và cảm
thức cá nhân nếu tồn tại trong diễn ngôn thì sẽ đồng hướng với cảm thức của cộng đồng. Nếu đi ngược lại những cảm thức chung đó, rất có thể diễn ngôn sẽ không có được sự chấp nhận của cộng đồng diễn giải, nó có thể bị dạt ra bên lề cũng có thể bị cô lập và xóa bỏ. Trường hợp những tác phẩm viết về sự mất mát tột cùng của chiến tranh như bài Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan khi ra đời không được chấp nhận một cách chính thống không phải là hiếm hoi trong lịch sử văn học của chúng ta. Trường hợp Nguyễn Đình Thi và những bài thơ không vần cũng vậy. Tại thời điểm sáng tác của họ ra đời, chúng không phù hợp với quan niệm chung, tinh thần chung của thời đại, không có sự tương đồng với những diễn giải mang tính chính thống. Vì thế mà phải đợi rất lâu sau, khi tư tưởng, quan niệm chính thống có sự vận động và thay đổi, chúng mới được nhìn nhận lại và đánh giá đúng mức. Diễn ngôn thủ đô sở dĩ duy trì được vị trí quyền uy và có được sức sống bền bỉ nhu vậy là bởi chưa khi nào nó đi chệch ra khỏi hướng diễn giải của lịch sử chính thống, chưa khi nào đối lập lại với cảm thức và niềm tin của cộng đồng.
Như vậy ngữ cảnh tạo lập diễn ngôn thủ đô vẫn là ba mươi năm từ 1945 đến 1975 với nền là cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài 9 năm còn phần thời gian còn lại là chặng đường song song cộng cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong đó công cuộc đẩy mạnh học tập, lao động ở miền Bắc không đơn thuần chỉ nhằm xây dựng miền Bắc mà còn nhằm chi viện nhân lực, vật lực cho cuộc kháng chiến lâu dài của nhân dân Nam Bộ. Các biến cố xảy ra trong những năm 1946, 1954, 1972 đều được đánh giá và diễn giải theo hướng chính thống và tích cực, nhấn mạnh hào khí của thời đại. Mùa đông năm 1946 thủ đô tràn ngập khí thế đấu tranh sục sôi. Người già, phụ nữ, trẻ em tích cực lên đường tản cư, hưởng ứng chủ trương của ủy ban kháng chiến. Người Hà Nội mùa đông năm 1946 đã sống và chuẩn bị chiến đấu theo đúng tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta phải đứng lên. Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ ngưới già, người trẻ, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt thì phải đứng lên chống thực dân Pháp. Ai có súng cầm súng, ai có gươm cầm gươm, không có gươm thì dùng cuốc,
thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Không phân biệt nam nữ, mỗi người đóng góp theo khả năng của mình. Thanh niên Hà Nội tích cực tham gia các đội tự vệ khu phố. Không phân biệt người lao động bình thường, công nhân hay trí thức, họ đều chung tay góp sức đào hào, đắp ụ, tạo thành chướng ngại vật để cản bước quân thù. Người Hà Nội không ngần ngại mang đồ đạc của nhà mình ra để chất thành ụ cao không cho xe của kẻ thù có thể lọt vào từng con phố. Phố nào cũng có đội tự vệ khu phố, họ chia nhau canh gác, nghe ngóng tin tức, ai cũng sục sôi căm thù, đợi đến giờ nổ súng để có thể xả thân bảo vệ thành phố thân yêu. Ở đầu những con phố, những thanh niên các đội tự vệ đã viết ngay ngắn trên tường dòng chữ “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” như một lời thề cảm tử. Trên những cánh cửa, người Hà Nội đi tản cư viết lời nhắn nhủ những người ở lại hãy giữ từng nếp nhà, “giữ Hà Nội cho chúng tôi”. Rất nhiều cô gái Hà Nội đã từ chối đi tản cư cùng gia đình để ở lại, góp sức mình vào sự nghiệp bảo vệ Hà Nội, cũng quyết tâm sống trọn vẹn không khí của thời đại, sống chết với thủ đô. Không làm được việc nặng, họ phụ trách thuốc men, cứu thương, làm liên lạc… Mùa đông năm 1946, cả Hà Nội thức cùng những tiếng súng, tiếng bom ta chủ động phá hoại các công trình trọng điểm để gây khó dễ cho kẻ thù khi chúng tiến vào thành phố và tiếng reo hò đầy khí thế của anh em tự vệ sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hi sinh cho mỗi con đường, mỗi góc phố thủ đô. Hình ảnh Hà Nội năm 1946 tuy đổ nát, tan hoang nhưng không phải là vẻ hoang tàn bị chiến tranh tàn phá. Đó là vẻ tan hoang của một trận địa bày sẵn nghênh đón kẻ thù, vẻ im lìm, hoang vắng đợi thời khắc của một biến cố lịch sử lớn lao. Ở đó, những trái tim thành phố hồi hộp chờ đợi từng động thái, từng âm thanh của kẻ thù để đứng lên chống trả. Năm 1946, những trái tim Hà Nội hòa chung một nhịp, không còn khoảng cách giữa người Hà Nội với những người ven thành, những người có một miền quê khác nhưng đã lựa chọn ở lại với thủ đô trong tình thế hiểm nghèo của lịch sử, không còn sự phân biệt giữa những cậu ấm cô chiêu con nhà khá giả với những người lao động bình dị, lam lũ, Họ cùng đổ mồ hôi suốt những ngày tháng đào hào đắp lũy và trong giây phút quan trọng, họ đã cùng đứng bên nhau trên chiến lũy và thề cùng sẵn sàng đổ máu vì thủ
đô. Sau sáu mươi ngày đêm chiến đấu trong thành phố, đầu năm 1947, Trung đoàn thủ đô rút lêm chiến khu Việt Bắc để tiếp tục kháng chiến trường kì. Hà Nội rơi vào thời kì bị tạm chiếm. Trong khoảng thời gian này, nhiều người Hà Nội đã tìm đường lên chiến khu, những người ở lại ngấm ngầm đấu tranh, tuyên truyền, giữ liên lạc với chiến khu. Và cũng có rất nhiều người quay lại ủng hộ chính quyền Pháp, thậm chí nhiều nhà buôn còn coi giai đoạn này là một cơ hội kiếm lời.
Năm 1954, cùng với thắng lợi vang dội trong trân Điện Biên Phủ, thủ đô cũng được giải phóng. Ngày 10/10/1954, chính phủ và đoàn quân chiến thắng từ chiến khu tiến về giải phóng Hà Nội giữa rừng hoa, rừng cờ đỏ thắm, trong sự chào đón nồng nhiệt của nhân dân thủ đô. Thủ đô từ đây sạch bóng quân thù. Theo Hiệp định Geneve, người Pháp sẽ phải nhanh chóng rút khỏi Bắc Bộ. Từ đây Hà Nội được sống những ngày tháng hòa bình, không tiếng bom tiếng súng. Từ trang sử tăm tối của những ngày bị chiếm đóng, lịch sử Hà Nội chuyển sang một trang mới, trang sử dựng xây. Người Hà Nội hân hoan làm chủ cuộc đời mới, lại tiếp tục cống hiến xây lại thủ đô như lời thề hẹn trước lúc Trung đoàn thủ đô rút qua cầu Long Biên và từ đây nhìn về Hà Nội thân yêu lần cuối chìm trong rực trời khói lửa. Ngày 10/10/1954 là ngày về tràn đầy hân hoan. Người Hà Nội hăm hở đón những người con của mình, những người hùng của thời đại về lại thủ đô. Từ chiến khu, sau chín năm ròng xa cách, những người con Hà Nội trở về quê hương, trong lòng cũng ngập tràn niềm hạnh phúc. Năm 1954, giấc mơ đau đáu bao năm đã trở thành hiện thực và từ đây nó lại là khởi đầu cho một giấc mơ.
Biến cố năm 1972 cũng được nhìn nhận trong cảm hứng sử thi- lãng mạn của thời đại đánh Mĩ. Thành phố cũng hiện lên trong đau thương nhưng quan trọng hơn là sự tỏa sáng từ trong đau thương ấy. Năm 1972, chỉ bằng những vũ khí hết sức thô sơ, chúng ta đã làm nên kì tích. Chúng ta đã bắn rơi rất nhiều máy bay B52 khi trong tay chỉ có súng và tên lửa tầm thấp. So với sự hiện đại của pháo đài bay B52 đương thời, những phươg tiện vũ khí của chúng ta hết sức thô sơ và lạc hậu. Việc bắn rơi một loại máy bay như thế trong điều kiện của chúng ta là vô cùng khó khăn và gần như là điều không tưởng. Bởi lẽ ấy, tổng thống Mĩ Nixon đã tự tin và kiêu
hãnh một cách phô phang về ý định phá hoại toàn bộ, san phẳng, “đưa Hà Nội trở về thời kì đồ đá”. Vậy mà trên thực tế, chúng ta đã bắn hạ được rất nhiều máy bay và bắt sống được nhiều giặc lái. Nhiều khu phố của ta bị phá hủy, thậm chí bị chôn vùi. Rất nhiều người mất tích, nhiều người thiệt mạng, thậm chí chết mất xác trong những đống đổ nát của đạn bom. Có những gia đình không còn một ai sống sót, có những đau đớn thảm khốc chỉ xảy ra trong phút chốc sau một loạt bom… Nhưng dù thế nào kẻ thù cũng đã thất bại, kế hoạch của chúng đã phá sản hoàn toàn, người Mĩ không thể lật ngược lại tình thế chính trị- quân sự của mình cũng không cứu vãn được chút danh dự cuối cùng sau những thất bại liên tiếp và sự sa lầy trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Hà Nội nổi lên như một huyền thoại “Điện Biên Phủ trên không”. Hà Nội bé nhỏ đã vươn lên tầm vóc sử thi, Hà Nội nghèo nàn, khốn khổ vì bom đạn đã trở nên người khổng lồ của thời đại. Nửa cuối thế kỉ XX, từ mọi miền đất trên thế giới, người ta dõi theo những diễn biến chính trị và quân sự ở Việt Nam- nơi diễn ra sự đụng độ nảy lửa giữa hai phe trong thời kì Chiến tranh lạnh. Những ngày cuối năm 1972, trên đất nước hình chữ S nhỏ bé ấy, người ta đều dồn ánh mắt vào một điểm mang tên Hà Nội. Hà Nội năm 1972, vì thế, không chỉ là một chiến tích vẻ vang trong trang sử nghìn năm của thành phố mà còn là huyền thoại một dân tộc, một huyền thoại thế giới. Hào quang ấy khiến cho diễn ngôn ở dòng chính mang đậm tính sử thi và cảm hứng tự hào hơn là cảm thức về sự mất mát, xót xa. Cảm thức ấy mờ nhạt trong diễn ngôn ở dòng chính- diễn ngôn thủ đô nhưng lại trở thành cảm thức chủ đạo trong rất nhiều diễn ngôn ở dòng ngầm- diễn ngôn đô thị.
Ta có thể thấy nền tảng lịch sử và tất cả các biến cố đều được diễn giải từ góc nhìn chính thống, gạt đi sự phức tạp và những uẩn khúc để mọi sự kiện đều trở nên sáng rõ, mọi giá trị đều được định hình và phân biệt một cách rõ ràng. Trong diễn ngôn thủ đô, Hà Nội ở chặng đường nào cũng hào hùng, trong bất kì biến cố lịch sử lớn lao nào cũng không ngừng trưởng thành, không ngừng mạnh mẽ và tỏa sang.
2.1.2. Chủ thể của diễn ngôn thủ đô trong văn học miền Bắc Việt Nam giai đoạn 1945- 1975
Chủ thể của diễn ngôn ở dòng chính này chính là tầng lớp trung tâm của thời đại mới. Họ là chủ thể của diễn ngôn thủ đô và cũng đồng thời là chủ nhân của lịch sử chính thống. Họ chính là những con người đã góp phần quan trọng làm nên lịch sử của thủ đô, hòa chung vào dòng chảy của lịch sử dân tộc. Họ là lực lượng đông đảo nhất và nắm trong tay quyền tổ chức và quản lí xã hội. Họ đại diện cho một hệ tư tưởng mới, một cách nghĩ, một nếp sống mới khác biệt với lối sống, cách suy nghĩ của người Hà Nội trước đây. Họ còn đại diện cho những ước mơ và khát vọng của một lớp người mới- con người xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi sẽ khai thác những đặc điểm của chủ thể này, từ đó thấy đươc sự ảnh hưởng trực tiếp từ chủ thể đến những nhánh rẽ của diễn ngôn thủ đô.
Trước hết, lớp người mới này chính là tầng lớp thị dân mới của Hà Nội từ sau năm 1945 và đặc biệt là sau năm 1954. Tại thời điểm năm 1945, tầng lớp thị dân của Hà Nội bao gồm trước hết là những người Hà Nội gốc đã có nhiều đời sinh sống ở Hà Nội. Họ thuộc tầng lớp tinh hoa trong phân tầng đời sống văn hóa của đô thị này nhưng họ không phải là những người thân Pháp và quay lưng lại với cách mạng. Rất nhiều người trong số họ là những học sinh, sinh viên yêu nước, có cảm tình với cách mạng, đã nhiệt tình tham gia đấu tranh vận động dân chủ trong thành phố từ những năm 1936- 1939. Một số khác là những trí thức vốn có tinh thần dân tộc nhưng chưa tìm được con đường đến với cách mạng. Họ giữ gìn văn hóa dân tộc theo cách riêng của mình: trong nếp sống, phong tục hay trong các sáng tác văn chương nghệ thuật. Quan điểm đánh giá con người cứng nhắc, máy móc trước đây đánh giá sự sầu muộn, bế tắc trong tư tưởng của họ là hèn nhát, phê phán thái độ