Diễn ngôn về Hà Nội trong văn học miền Bắc giai đoạn 1945 1975 trong dòng chảy diễn ngôn về Hà Nội trong văn học Việt Nam

Một phần của tài liệu Viết lại Hà Nội: diễn ngôn về thành phố trong sáng tác của Phạm Thị Hoài và Nguyễn Bình Phương (Trang 49 - 55)

chảy diễn ngôn về Hà Nội trong văn học Việt Nam

Như chúng tôi từng phác thảo trong khóa luận tốt nghiệp Viết lại Hà Nội: diễn ngôn về thành phố trong sáng tác của Phạm Thị Hoài và Nguyễn Bình Phương, dòng diễn ngôn về Hà Nội khởi đầu từ năm 1010 với dấu mốc là tác phẩm Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn cùng sự kiện nhà vua dời đô từ Hoa Lư về Đại La, đổi tên Đại La thành Thăng Long. Kể từ đây bắt đầu có sự xuất hiện của diễn ngôn

kinh kì và theo sau đó là sự nhân lên, rẽ nhánh thành rất nhiều những ý niệm khác. Bên cạnh diễn ngôn Thăng Long song song tồn tại diễn ngôn Kẻ Chợ, đối thoại với diễn ngôn kinh kì là diễn ngôn phản kinh kì, cùng với sự xuống giá của diễn ngôn kinh đô gắn liền với ý niệm trung tâm quyền lực, vị trí bên lề lại đem đến cho Hà Nội ý niệm về bản sắc. Bản sắc của đất Hà Thành, ý niệm vẫn tồn tại trong niềm tin của chúng ta như là cái tự nhiên, vốn có, sinh ra cùng một lần với địa danh, kì thực lại là một trong số những ý niệm muộn nhất. Cứ như thế, các diễn ngôn nối tiếp nhau làm nên diện mạo tinh thần và những cảm thức hết sức phong phú về Hà Nội. Sau vài nét phác thảo, chúng tôi đã đưa ra những nhận xét ban đầu. Và cũng chính những kết luận đầu tiên này sẽ gợi ý cho chúng tôi tiếp tục khai thác sự phong phú và nét đặc sắc của diễn ngôn Hà Nội trong từng thời kì, từng giai đoạn

“Qua khảo sát các xu hướng cơ bản của diễn ngôn Hà Nội từng thời kì, chúng tôi nhận thấy rằng Hà Nội cũng nằm trong dòng mạch chung của rất nhiều thành phố trên thế giới, nó không phải là một hình ảnh trong suốt, một ý niệm đơn nhất mà là một thực thể được kiến tạo bởi các diễn ngôn. Những diễn ngôn này không tồn tại độc lập, tách rời trong từng thời kì lịch sử mà không ngừng có sự đối thoại giữa những diễn ngôn cùng thời hoặc giữa những diễn ngôn của quá khứ, hiện tại và cả những diễn ngôn có khả năng tạo sinh trong tương lai. Đây không phải là sự đắp đổi, thay thế diễn ngôn này bằng diễn ngôn khác mà chúng song song tồn tại, liên tục tương tranh hay giao thoa với nhau ngay tại một thời điểm nhất định và trong suốt chiều dài lịch sử”

Diễn ngôn Hà Nội giai đoạn 1945- 1975 nằm trong mạch diễn ngôn ở thời kì hiện đại. Thời kì hiện đại bắt đầu được tính từ đầu thế kỉ XX. Đây là giai đoạn xảy ra nhiều biến cố lịch sử đồng thời cũng diễn ra những đổi thay căn bản trong đời sống văn hóa xã hội.. Trong nửa đầu thế kỉ XX (nghĩa là từ đầu thế kỉ đến mốc 1945), công cuộc tiếp xúc với văn hóa phương Tây đã đem đến sự thay đổi trên mọi phương diện của đời sống xã hội. Sau hai cuộc khai thác thuộc địa của người Pháp, các đô thị hiện đại bắt đầu mọc lên cùng với những công trình phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, nghỉ ngơi của người Pháp ở xứ thuộc địa. Có thể nói, diện mạo

Thăng Long- Hà Nội có một sự thay đổi lớn lao. Bên cạnh những khu phố cổ nhỏ hẹp là những khu phố Tây mang dáng dấp những đại lộ Tây phương. Đó là những con phố được thiết kế rộng rãi dành cho nhiều làn xe và chuẩn bị cho sự di chuyển, lưu thông của xe hơi- loại phương tiện hoàn toàn xa lạ với cư dân Hà Nội lúc bấy giờ. Bên cạnh những nhà nhỏ một tầng hoặc hai tầng ở khu phố cổ, trong thành phố có sự xuất hiện của hàng loạt biệt thự phương Tây- có thể là nhà ở, biệt thự cá nhân và các công trình là cơ quan hành chính, công sở của người Pháp. Bên cạnh kiến trúc đình chùa truyền thống và những công trình mang dấu ấn Trung Hoa, đầu thế kỉ XX, ở Hà Nội xuất hiện có trường học, nhà hát, khách sạn, sân vận động, rạp chiếu phim… những công trình với quy mô lớn và diện mạo mới mẻ và xa lạ.

Cùng với sự phát triển của các đô thị hiện đại, trong xã hội có sự xuất hiện của tầng lớp mới, đó là tầng lớp thị dân bao gồm những nhà tư sản buôn bán lớn, những người buôn bán nhỏ, thợ thủ công, công chức làm trong các công sở của người Pháp, học sinh, sinh viên… Những người buôn bán nhỏ, học sinh, sinh viên, công chức… đều được gọi chung là trí thức tiểu tư sản. Sự xuất hiện của tầng lớp thị dân với sự khác biệt hoàn toàn về suy nghĩ, nếp sống sẽ đem đến diện mạo hoàn toàn mới cho diễn ngôn Hà Nội. Người trí thức của thời hiện đại là những trí thức Tây học, những người học và viết chữ quốc ngữ, theo học song song cả quốc ngữ và Pháp ngữ, chủ yếu tiếp thu và chịu ảnh hưởng của tư tưởng văn hóa phương Tây. Họ sẽ thay thế hình ảnh kẻ sĩ Hà Thành trong những diễn ngôn tinh hoa trước đó, trở thành trung tâm kiến tạo nên những giá trị văn hóa của thời hiện đại. Sự đổi thay trong nếp sống từ trang phục, cách ăn uống sinh hoạt, giải trí, các hoạt động thể thao, các nhu cầu thuộc về đời sống tinh thần như đọc báo, thưởng thức văn chương, âm nhạc… Tất cả những đổi thay chưa từng xảy ra trong quá khứ ấy đã khiến những giá trị văn hóa xã hội của giai đoạn này không ngay lập tức định hình mà hơn thế trên mọi mặt đời sống còn diễn ra một cuộc đấu tranh quyết liệt giữa cũ và mới, phương Đông và phương Tây, truyền thống và hiện đại, dân tộc và ngoại lai… Bởi sự phân hóa phức tạp trong tư tưởng và hệ giá trị cho nên diễn ngôn giai đoạn này cũng có sự rẽ nhánh bất ngờ với rất rất nhiều cảm thức mới mẻ. Diễn ngôn

thời hiện đại trước mốc lịch sử Cách mạng tháng Tám năm 1945 được chia thành hai nhánh rẽ chính: diễn ngôn hoài cổ, hoàn toàn xa lạ với văn minh đô thị và diễn ngôn đô thị với những ảo tưởng lãng mạn và mặt trái của văn minh. Khuynh hướng hoài cổ thể hiện rất rõ trong sang tác của Nguyễn Tuân. Trong các diễn ngôn của mình, ông thể hiện thái độ chán ghét văn minh đô thị “Tây, Tàu nhố nhăng”, “ối a ba phèng” nên đi tìm vẻ đẹp “vang bóng một thời” ở những lớp người tinh hoa của thời trước, những bậc tao nhân mặc khách tuy hết thời, thất thế nhưng vẫn kiêu hãnh về cái tâm, cái tài hơn đời, hơn người của bản thân. Thạch Lam cũng hoài cổ nhưng không bày tỏ sự phản đối gay gắt đối với văn minh mà chỉ xót xa cho những nét đẹp mất đi trong cuộc chuyển giao những giá trị cũ- mới. Kí của Thạch Lam là những hoài niệm dịu dàng về một thứ làng trong phố, về nét cổ kính vẫn còn phảng phất đâu đó giữa những đổi thay. Nhánh diễn ngôn đô thị trước hết là một sự thừa nhận đối với một thành phố hiện đại, một đô thị mang bóng dáng Tây phương và một lối sống mới, tương ứng được hình thành cùng với nó. Mặc dù diễn ngôn này sẽ tiếp tục chia thành hai nhánh hoàn toàn trái ngược, một nhánh thêu dệt những giấc mộng lãng mạn tràn ngập ánh sang, tình yêu, ước vọng và một nhánh giễu nhại, châm biếm, lật tẩy bộ mặt thật của cái được xem như là văn minh đương thời nhưng từ đây ý niệm về Hà Nội như một đô thị mới chính thức xuất hiện trong văn học Việt Nam. Và cùng với sự ra đời của diễn ngôn đô thị đậm màu sắc lãng mạn, cảm thức về một Hà Nội thanh lịch, hào hoa mới ra đời. Những nét đẹp mà chúng ta thường mặc định là bản sắc của Hà Nội kì thực mới chỉ xuất hiện các đây khoảng một thế kỉ, nghĩa là xuất hiện rất muộn trong dòng mạch 1000 năm lịch sử của diễn ngôn về Hà Nội. Trước đó, dưới triều Nguyễn, sau khi đánh mất vị trí kinh đô, bị giáng xuống cấp tỉnh và đánh mất cả tên gọi của mình, Thăng Long chỉ còn diện mạo của một phế đô, gợi niềm xót xa hoài cổ “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Thậm chí cuối thế kỉ XIX, người dân còn có thể tự do ra vào thành, lập trại làm ăn sinh sống, tạo nên khu thập tam trại. Thăng Long còn không giữ được ngay cả chút uy nghiêm từng có của nó, vì thế, diện mạo sang

trọng, thanh lịch, hào hoa tất yếu không thể xuất hiện trước những diễn ngôn đô thị đậm chất lãng mạn đầu thế kỉ XX.

Năm 1945 là một dấu mốc vô cùng quan trọng trong lịch sử chính trị xã hội cũng như lịch sử diễn ngôn về Hà Nội, Nó là điểm khởi đầu cho một mạch diễn ngôn mới- đó là diễn ngôn thủ đô. Mặc dù từng nhiều lần là kinh đô của quốc gia Đại Việt trong thời kì phong kiến, đến đầu thế kỉ XX thì từng là thủ phủ của toàn xứ Đông Dương thuộc Pháp nhưng chỉ đến ngày 2/9/1945, cùng với sự khai sinh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ý niệm thủ đô mới ra đời.

Ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh đến sự thay đổi về thể chế và ý thức quyền lực trong đời sống xã hội. Chính sự thay đổi này sẽ dẫn đến việc diễn ngôn thủ đô ra đời, thay thế diễn ngôn quan trọng của giai đoạn trước là diễn ngôn đô thị. Sau ngày 2/9/1945, Hà Nội trở thành thủ đô của một quốc gia độc lập, theo thể chế dân chủ cộng hòa. Xã hội không còn theo thể chế thực dân nửa phong kiến nữa, tầng lớp trung tâm của thời đại là nhân dân lao động- những người nông dân bị bóc lột “một cổ hai tròng áp bức” và những công nhân làm thuê trong các nhà máy, công xưởng trước Cách mạng tháng Tám. Chính họ là những người nổi dậy biểu tình giành chính quyền từ tay thực dân, phát xít. Trong cách đánh giá nhìn nhận của họ, tầng lớp tiểu tư sản thành thị nếu không phải là những kẻ thân Pháp, bán nước thì cũng là những kẻ nhu nhược, hèn nhát, không dám chống lại kẻ thù, không có tinh thần cách mạng. Những trí thức tiểu tư sản, người theo học trường Tây, nói tiếng Tây, nếp sống đô thị, sang trọng, kiểu cách, khác với sự giản dị, lam lũ vất vả của những người lao động… đều bị nghi ngờ về lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu, Họ không có được cảm tình của những người cách mạng, vì thế lối sống đô thị đậm màu sắc tiểu tư sản trước đây cũng bị xem như là tàn dư của thời thuộc Pháp, không thể tiếp tục duy trì. Trong cuốn Lịch sử Hà Nội, Philippe Papin viết về sự chuyển giao quyền lực trong các giai tầng xã hội ở giai đoạn này như sau: “Các chiến sĩ cách mạng giờ đây đã làm chủ thành phố và họ hết sức cảnh giác bởi không những dân thành phố đã không tích cực tham gia cuộc chiến tranh giải phóng đất nước mà thành phố trước đây còn là cái nôi của tầng lớp tư sản và trung lưu phức tạp, ít thiện

cảm với cách mạng. Còn một nguyên nhân quan trọng nữa là Hà Nội đã từng là nơi ăn chơi đàng điếm, thành phố của các quán cà phê, cô đầu, rạp chiếu bóng và biệt thự kiểu Pháp, những biệt thự thật đẹp nhưng cũng dễ làm sa ngã long người. Hơn nữa, Hà Nôi từng là nơi có truyền thống chống đối chính quyền một cách khôn khéo thông qua giới báo chí sắc sảo và những quy tắc đã thấm sâu vào đời sống thường nhật. Hà Nội từng là khởi điểm của chế độ thuộc địa, là công cụ để duy trì chế độ này, vì thế giờ đây Hà Nôi đáng bị ngờ vực” [295]. Diễn ngôn đô thị bởi lẽ đó không còn là diễn ngôn trung tâm trong đời sống văn hóa Hà Nội, hơn thế, nó còn bị dạt ra bên lề bởi sự đối lập tương phản với diễn ngôn thủ đô của thời đại mới.

Nếu như năm 1945 chứng kiến sự phân hóa của diễn ngôn Hà Nội thành hai dòng- dòng chính và dòng ngầm thì năm 1954 cũng là mốc thời gian quan trọng với lịch sử diễn ngôn về Hà Nội. Nó đưa diễn ngôn Hà Nội vào một cuộc xê dịch không gian theo chân những người Hà Nội di cư vào miền Nam, để rồi đến năm 1975, cuộc xê dịch không gian còn xa hơn nữa, khi những người Hà Nội di cư sang nước ngoài, khắc khoải nhớ về Hà Nội trong kí ức. Năm 1954, sau Hiệp định Geneve, sự chia cắt đất nước ở vĩ tuyến 17- con sông Bến Hải và cuộc di cư của người Bắc vào Nam đã khiến cho sự phân nhánh diễn ngôn càng them phức tạp. Ở miền Nam, diễn ngôn Hà Nội là một miền kí ức xa xôi, hoàn toàn bị gián cách với Hà Nội đương thời. Trong kí ức của những người Hà Nội vào Nam, diễn ngôn về thành phố là vẻ lãng mạn hào hoa đầu thế kỉ. Sự xa xôi về cả không gian lẫn thời gian cùng những ảo ảnh kí ức và nỗi nhớ mong mà hình ảnh đô thị lãng mạn càng lung linh, diễm ảo hơn. Bởi Hà Nội đối với họ là quê Hương, là không gian gốc, là những tháng năm tuổi trẻ đắm say nhiều mơ mộng nên một khi Hà Nội trở thành miền không gian ngoài tầm với nó sẽ đẹp đẽ hơn nhiều so với thực tế và đẹp hơn cả nó đã từng. Hà Nội trong những diễn ngôn tạo sinh ở một không gian khác sẽ càng đẹp càng xa và càng xa vời càng đẹp đến khắc khoải Còn ở miền Bắc song song tồn tại với diễn ngôn thủ đô hào hùng ở dòng chính, những diễn ngôn đô thị lại không có được vẻ lung linh của hoài niệm, nó mang trong mình cảm thức về một đô thị phôi pha, những nét đẹp cứ cũ kĩ dần đi, nhạt nhòa, mất mát dần đi, thậm chí bị hủy hoại.

Trong khuôn khổ của luận văn chúng tôi chỉ giới hạn tìm hiểu diễn ngôn Hà Nội ra đời trong không gian miền Bắc Việt Nam giai đoạn 1945- 1975.

Một phần của tài liệu Viết lại Hà Nội: diễn ngôn về thành phố trong sáng tác của Phạm Thị Hoài và Nguyễn Bình Phương (Trang 49 - 55)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(128 trang)
w