THỦ ĐÔ VÀ ĐÔ THỊ KHI NHỮNG DIỄN NGÔN TÌM ĐƯỢC SỰ HÒA GIẢ

Một phần của tài liệu Viết lại Hà Nội: diễn ngôn về thành phố trong sáng tác của Phạm Thị Hoài và Nguyễn Bình Phương (Trang 99 - 124)

Trong khuôn khổ của một luận văn, người viết không có tham vọng bao quát được toàn bộ các diễn ngôn về Hà Nội trong văn học miền Bắc Việt Nam giai đoạn 1945- 1975, cũng không thể khai thác được hết những biến thể đa dạng của các nhánh diễn ngôn. Chúng tôi chỉ đi vào xác định những kiểu diễn ngôn chính và phân tích những trường hợp tiêu biểu cho công thức chung của nhánh đồng thời có những cảm thức riêng mới mẻ. Ở nhánh diễn ngôn có xu hướng hòa giải sự tương phản, đối lập của diễn ngôn thủ đô và diễn ngôn đô thị, chúng tôi lựa chọn khai thác các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng như kịch bản sân khấu Những người ở lại, Lũy hoa và đặc biệt là tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô. Hai tác phẩm trước là sự chuẩn bị, sự trăn trở về đề tài Hà Nội và nhất là Hà Nội trong những ngày tháng cực kì căng thẳng mùa đông năm 1946 cho tiểu thuyết ra đời năm 1961. Sống mãi với thủ đô là tiểu thuyết lớn nhất của Nguyễn Huy Tưởng đồng thời là tác phẩm cuối cùng của nhà văn. Sống mãi với thủ đô mà chúng ta đang có trong tay mới chỉ là quyển một trong bộ tiểu thuyết mà tác giả dự định viết. Tuy mang thân phận một tiểu thuyết dở dang nhưng nó lại là một diễn ngôn thủ đô đep một cách trọn vẹn. Mặc dù nhà văn Nguyễn Tuân đã hết sức tiếc nuối khi phải gấp lại trang cuối của tiểu thuyết và theo ý ông quyển một này mởi chỉ thấy rõ một Hà Nội “quyết tử”, cần phải viết tiếp quyển hai “quyết sinh” nhưng hình như chính sự dừng lại ở đây đã khiến cho tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trở nên hết sức đặc biệt. Diễn ngôn của ông là sự hòa giải giữa diễn ngôn thủ đô và diễn ngôn đô thị. Sự dở dang, chưa hoàn kết của Sống mãi với thủ đô khiến cho khí thế hào hùng của thủ đô và vẻ lãng mạn hào hoa của một đô thị hài hòa với nhau một cách tự nhiên chứ không phải là sự gắng sức để trở nên hào hùng hay nỗ lực níu giữ những nét đô thị đang dần phôi pha. Hai diễn ngôn này luôn song song tồn tại, đan xen, hài hòa với nhau khi nhà văn viết về cảnh sắc, không khí của phố phường trước giờ súng nổ, về những sự kiện lịch sử hay về con người Hà Nội đương thời.

Nguyễn Huy Tưởng là một nhà văn Hà Nội. Cụm từ “nhà văn Hà Nội” được hiểu theo cả hai nghĩa, nhà văn sinh ra và lớn lên, suốt đời gắn bó với Hà Nội, người rất nặng lòng với Hà Nội trong các sang tác của mình và có đóng góp quan

trọng cho dòng văn học viết về Hà Nội. Không nhiều nhà văn gắn tên mình với mảnh đất nghìn năm văn hiến lại có được sự gắn bó máu thịt với thủ đô như Nguyễn Huy Tưởng. Mỗi nhà văn có một miền quê trong sáng tác, đó có thể là mảnh đất quê hương, miền quê của những tháng ngày từng sống và trải nghiệm, miền quê trong kí ức hay một miền ước vọng… Còn đối với Nguyễn Huy Tưởng, Hà Nội là quê hương, là miền đất suốt đời gắn bó, cống hiến và sẵn sang hi sinh vì nó, và tất nhiên, là miền quê trong sáng tác của ông. Khối lượng tác phẩm Nguyễn Huy Tưởng để lại không nhiều nhưng rất nhiều trong số đó đều được lấy cảm hứng từ lịch sử và cảm hứng từ Thăng Long. Những tác phẩm như kịch Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì, Những người ở lại, Lũy hoa, Sống mãi với thủ đô đều là nơi mà cảm hứng Thăng Long và cảm hứng lịch sử gắn bó mật thiết với nhau. Ông là người có ý thức lịch sử rất sâu sắc. Năm chưa đầy hai mươi tuổi, nhà văn đã từng suy tư: “Người không biết lịch sử nước mình là một con trâu đi cầy ruộng. Cầy với ai cũng được mà cầy ruộng nào cũng được”. Ý thức về lịch sử đến với ông từ rất sớm, hòa cùng tình yêu Hà Nội mãnh liệt nên ông đã chọn giữ lại một Hà Nội truyền thống trong trang văn của mình, không đơn thuần là níu lại cảnh trí hay phong khí như rất nhiều nhà thơ, nhà văn, những người viết bút kí đã làm: Nguyễn Tuân với Vang bóng một thời, Thạch Lam với Hà Nội băm sáu phố phường, Vũ Bằng với Thương nhớ mười hai, Trọng Lang viết Hà Nội lầm than, Doãn Kế Thiện viết Hà Nội cũ… Còn Nguyễn Huy Tưởng, ông níu lại cho Hà Nội một lịch sử- đau thương và hào hùng, níu lại cho thành phố kí ức của nó, nếu không một lúc nào trong sự tàn phá của ngoại cảnh hay sự vô tình của thời gian và trí nhớ, người ta sẽ lãng quên, thành phố sẽ mang thân phận của kẻ “vong bản”. Không ít người sẽ cảm thấy lịch sử đã có người viết sử ghi chép và lưu lại, nhà văn không buộc phải gánh lấy trách nhiệm đó. Nhưng lịch sử chỉ là những sự kiện được ghi chép lại từ con mắt bên ngoài cùng với nỗ lực đem đến một đánh giá thật khách quan còn lịch sử mà những người như nhà văn Nguyễn Huy Tưởng muốn tha thiết níu giữ là thứ lịch sử nhìn từ bên trong. Trong những trang văn về đề tài lịch sử ấy, nhà văn không cố gắng thể hiện lịch sử

của một kinh thành, một thủ đô, một thành phố, Hà Nội trong sáng tác của ông giống như câu chuyện một thân phận, một cuộc đời.

Được hoàn thành năm 1958 và ra mắt độc giả năm 1961, tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô viết về một sự kiện lịch sử diễn ra từ trước đó hơn mười năm. Việc lựa chọn sự kiện Hà Nội mùa đông năm 1946 chắc chắn là một sự lựa chọn đầy trăn trở của nhà văn. Nguyễn Huy Tưởng không chọn viết về Hà Nội năm 1945 với mốc son chói lọi của cuộc đấu tranh giành lại đất nước sau bao nhiêu năm dài nô lệ để rồi khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông cũng không chọn viết về Hà Nội năm 1954, mốc thời gian lịch sử kết thúc một chặng đường gian khổ mà vẻ vang đồng thời là điểm khởi đầu cho một chặng đường mới, mốc lịch sử chắp cánh cho giấc mơ của toàn dân tộc. Cả năm 1945 lẫn 1954 không thể là mốc thời gian thích hợp để khởi đầu cho tự sự của một thành phố. Mốc tháng 9 năm 1945 hay mốc tháng 10 năm 1954 đều đánh dấu sự thắng thế và lấn át của một Hà Nội thủ đô đối với một Hà Nội đô thị, của một trung tâm chính trị, quyền lực đối với những nét văn hóa của một thời đã qua. Ở cả hai mốc lịch sử quan trọng này vị thế của diễn ngôn thủ đô và diễn ngôn đô thị không ngang bằng, bình đẳng, thậm chí tương phản gay gắt với nhau. Nhưng chính những ngày đêm tháng 12 năm 1946 chính là lúc cả một Hà Nội thủ đô cách mạng và một Hà Nội đô thị đều phải đối diện với thử thách của lịch sử- thử thách đến từ bên ngoài, đối diện với nguy cơ mất mát như nhau. Thủ đô non trẻ sợ đánh mất vị trí trung tâm cùng những thành quả cách mạng của nó còn đô thị hào hoa sợ bị hủy hoại những giá trị làm nên niềm kiêu hãnh của mình. Dù đứng trên tư cách lịch sử nào thì Hà Nội cũng phải đứng lên, hành động để giữ lại những giá trị thuộc về nó: cả những giá trị của thời đại cách mạng mới lẫn những giá trị của nghìn năm văn hiến Thăng Long, những giá trị làm nên chân dung một thủ đô anh hùng lẫn những nét đẹp của một đô thị lãng mạn và kiêu sa Có lẽ bởi tính chất đặc biệt của mốc thời gian lịch sử này mà Nguyễn Huy Tưởng đã chọn viết về Hà Nội mùa đông năm 1946 để cùng một lúc giữ được một thủ đô và một đô thị trong sáng tác của mình, để Hà Nội luôn giữ được vẻ đẹp riêng, bản sắc riêng trong sự hài hòa của hai tư cách đó.

3.1. Hà Nội- hào hùng và hào hoa

Tinh thần sử thi hào hùng chính là đặc điểm nổi bật của diễn ngôn thủ đô còn nét thanh lịch hào hoa là điểm nổi bật trong diễn ngôn đô thị từ đâu thế kỉ. Nét hào hùng trong diễn ngôn của Nguyễn Huy Tưởng vừa có điểm chung với cảm hứng sử thi trong diễn ngôn thủ đô đương thời vừa có sự tiếp nối cảm hứng về kinh đô Thăng Long với truyền thống lịch sử vừa có những cảm thức vay mượn từ Paris và cảm thức thị dân.

3.1.1. Cảm hứng về Thăng Long nghìn năm văn hiến và cảm hứng về thủ đô của thời đại cách mạng

Cảm hứng truyền thống lịch sử văn hóa của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến hòa quyện trong cảm hứng về một thủ đô của thời đại mới là cảm thức rất nổi bật trong tác phẩm này khi tác giả lựa chọn nhân vật chính là Trần Văn đồng thời cũng đặt điểm nhìn ở nhân vật này. Trần Văn vốn không phải là một người Hà Nội gốc nhưng anh đã có một quãng thời gian đi dạy học gắn bó với thủ đô Hà Nội, có mối tình với một người con gái Hà Nội. Đặc biệt, Trần Văn còn là một thầy giáo dạy lịch sử nên anh tuy không sinh ra và lớn lên ở thủ đô nhưng lại gắn bó tâm hồn mình với những trang lịch sử vẻ vang của thủ đô và đất nước. Trong những giây phút cuối cùng thầy trò lưu luyến trước khi trường đóng cửa chuẩn bị kháng chiến, Trần Văn đã nói với những người học trò của mình về sự kiện lịch sử diễn ra ngày 20/11/1873, khi quân Pháp đánh thành Hà Nội và đại bác của chúng làm thủng một cái lỗ rất sâu ở Cửa Bắc và về những câu chuyện kể vẫn còn được lưu truyền về hai nhà nho Hà Nội. Một người leo lên lấp cái lỗ ấy đi và đề nơi đó một bài thơ đại ý để nhân dân hàng ngày khỏi trông thấy thế mà thêm nhục. Và một người khác hang đem lại khoét cái lỗ ra như cũ, bên cạnh đề mấy câu thơ đại ý khuyên không nên xóa đi mà phải để mọi người thấy cái nhục mà nghĩ việc cứu nước. Cứ thế người lấp kẻ đục, thơ đối chọi nhau, ai cũng tỏ ra mình là người yêu nước. Cuối cùng ông thứ hai viết: cái lỗ đạn này không chỉ lấp được bằng đất bằng vôi mà chỉ có thể lấp được bằng gươm bằng súng.

Là người am hiểu và thiết tha với truyền thống lịch sử nước nhà, Trần Văn cảm thấy được hào khí của thủ đô trong từng bước đi của mình. Đứng ở vườn hoa

“Văn nao nao nhớ lại cái buổi chiều mùa thu năm ngoái khi anh cùng hang vạn con người dự cuộc mít- tinh ở vườn hoa Ba Đình về qua đây. Tai anh còn văng vẳng những lời trong bản Tuyên ngôn độc lập do chủ tích Hồ Chí Minh đọc trước một bể người cuồn cuộn, một rừng cờ rực đỏ” [35, 29], Anh luôn nhìn thành phố của mình bằng cái nhìn suốt chiều dài lịch sử: “Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học nối tiếp nhau thất bại. Anh có ngờ đâu Cách mạng Tháng Tám nổ ra, nước Việt Nam nhỏ bé của anh ngang nhiên thành lập chế độ cộng hòa dân chủ đầu tiên ở châu Á và chính anh lại được sống những ngày lớn lao ấy” [35, 29]. Đi giữa phố phường những ngày căng thẳng trước giờ nổ súng, lòng anh thường “dạt dào hoài cổ”, anh “bâng khuâng như sống trong quá khứ” “thuở Lê Thái Tổ thắng trận đi chơi hồ, trao lại cho con rùa thiêng thanh kiếm đuổi giặc nay không dùng đến nữa, thuở những tao nhân mặc khách đến đấy để ngâm thơ vịnh nguyệt, xướng họa với nhau, hào hứng giữa cảnh trời xanh nước biếc của cái hồ đẹp nằm giữa đất kinh kỳ” [35, 216]. Trần Văn luôn sống giữa một Hà Nội- thực thể vật chất cùng những nhà, những phố anh đi qua, những thắng cánh thủ đô như Hồ Gươm, chợ Đồng Xuân, những tên phố quen thuộc Hàng Đào, Hàng Bông, Cửa Nam, Tràng Thi, Cửa Bắc, Yên Ninh… Và đồng thời anh sống giữa một Hà Nội- tinh thần - một Hà Nội của lịch sử và huyền thoại- cả huyền thoại kinh đô hòa trong huyền thoại thủ đô, lớp huyền thoại của hang nghìn năm, mấy trăm năm về trước và cả huyền thoại mới ra đời mùa thu năm 1945 Anh đã nói với những thành viên đội tự vệ của mình: “Chúng ta là người Hà Nội, chúng ta phải làm gương cho toàn quốc. Hà Nội là đất chiến thắng, Hà Nội có Đống Đa. Hà Nội là đất nghĩa khí, Hà Nội có cụ Hoàng Diệu. Hà Nội là đất cách mạng, Hà Nội có vườn hoa Ba Đình. Đến lượt chúng ta bây giờ, chúng ta phải giải phóng Thủ đô, như Trần Quang Khải cách đây 700 năm cướp lại Thăng Long, ngâm bài thơ cướp giáo; như Lê Lợi giải vây cho Đông Đô; như Quang Trung diệt tan quân Tôn Sĩ Nghị trong ngày tết chiến thắng đẹp nhất trong lịch sử nước ta” [35, 226] Trong những lời hào hùng của Trần Văn chan chứa niềm tự hào về một Thăng Long “địa linh nhân kiệt”, từ nghìn xưa đã là vùng đất không chịu khuất phục trước kẻ thủ bao giờ. Con mắt lịch sử ấy đã

khiến cho Hà Nội trong tiểu thuyết Nguyễn Huy Tưởng có nhiều điểm tương đồng với Hà Nội trong diễn ngôn thủ đô. Tuy nhiên, khác với diễn ngôn thủ đô, con mắt lịch sử này không đặt ở tầm cao và xa mà lai là cảm thức lịch sử của một cá nhân, cảm thức của người đi giữa phố phường như đang sống lại, như đang thấm thía cả lịch sử phố phường. Vì thế Thăng Long- Hà Nội trong suy nghĩ của Trần Văn từ kinh đô đến thủ đô đều hào hung nhưng cũng hết sức đáng thương. Đối với anh, Hà Nội còn là cái thành phố “già nua, trải qua nhiều tàn phá của gió bão, nhiều đổi thay của xã hội”, “Hà Nội đau khổ” trong “sự thay phiên của những đạo quân ngoại quốc ấy, lướt đi như những giấc mơ đầy quái vật, trước những phố phường ngao ngán”. Thủ đô hào hung được nhìn qua con mắt lịch sử của Trần Văn, vừa đáng tự hào lại vừa buồn thương tội nghiệp. Thủ đô trong diễn ngôn của Nguyễn Huy Tưởng cũng mạnh mẽ, cũng mang tầm vóc anh hùng sử thi nhưng cảm nhận về chất sử thi không hoàn hảo tuyệt đối. Năm 1945, Hà Nội đã ghi tên mình vào lịch sử dân tộc và lịch sử nhân loại cùng sự kiện khai sinh một nền cộng hòa dân chủ mới, lật đổ ách thống trị của thực dân gần 100 năm, xóa bỏ sự tồn tại của chế độ phong kiến đã tồn tại cả nghìn năm và chỉ bằng các hoạt động đấu tranh hòa bình. Trong rất nhiều diễn ngôn,Việt Nam năm 1945 mang hình bóng của người anh hùng Phù Đổng trong giờ phút thử thách của lịch sử vụt đứng dậy, vươn vai trở thành người tráng sĩ khổng lồ của thời đại: “Ngực lép bốn nghìn năm/ Trưa nay cơn gió mạnh/ Thổi phồng lên tim bỗng hóa mặt trời” (Tố Hữu). Nhưng trong diễn ngôn của Nguyễn Huy Tưởng, Hà Nội không phải là một thành phố sinh ra đã anh hùng và sinh ra chỉ để trở thành một huyền thoại anh hùng. Hà Nội chỉ là một thành phố đẹp, mong ước giản dị sự bình yên của bao đời nhưng thời thế đã buộc nó phải trở thành anh hùng cũng như với bao nhiêu người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung, họ chiến đấu và trở thành những con người của lịch sử cũng chỉ bởi “kẻ thù buộc ta ôm cây súng”. Trong những dòng suy tư miên man của Trần Văn khi nhìn ngắm quang cảnh phố phường, Hà Nội là “những mái hiên nhô ra, thụt vào, bày một cảnh tượng chắp vá. Những ngôi đền nhỏ, bưng lên trên một nóc nhà thấp, như một người già mà con

Một phần của tài liệu Viết lại Hà Nội: diễn ngôn về thành phố trong sáng tác của Phạm Thị Hoài và Nguyễn Bình Phương (Trang 99 - 124)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(128 trang)
w