Những điều kiện chủ quan của mỗi NHTM sẽ đóng vai trò quyết định tới việc có phát triển được bao thanh toán hay không song những điều kiện khách quan bên ngoài NHTM sẽ có tác động không nhỏ tới quyết định triển khai. Các yếu tố khách quan sẽ chi phối sự triển khai diễn ra nhanh chóng hay chậm chạp, thuận lợi hay bất lợi. Việc xem xét toàn diện các điều kiện bên trong và bên ngoài ngân hàng giúp cho nhà quản lý đưa ra những quyết định sáng suốt cho việc phát triển hoạt động bao thanh toán. Kế sau các điều kiện chủ quan, các điều kiện khách quan được xem xét tiếp theo là:
1.3.2.1 Môi trường kinh tế xã hội
Môi trường kinh tế xã hội là nơi diễn ra mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như mọi hoạt động khác của đời sống. Mảnh đất ấy có tốt,
có màu mỡ thì mới nuôi dưỡng được các hoạt động kinh tế, xã hội phát triển. Môi trường ấy luôn luôn vận động, biến đổi không ngừng theo thời gian làm nảy sinh các nhu cầu mới, tạo điều kiện cho sự ra đời của cái mới, cái tiến bộ. Môi trường kinh tế xã hội ổn định, phát triển, hoạt động thương mại nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng có chiều hướng tăng trưởng tích cực đã tiềm tàng một nhu cầu rất lớn đối với việc phát triển bao thanh toán. Thực vậy, sự phát triển ngày càng cao của kinh tế xã hội nảy sinh nhu cầu chuyên môn hóa trong hoạt động sản xuất theo đó người sản xuất, phân phối hàng hóa hay cung ứng dịch vụ chỉ tập trung vào hoạt động sản xuất,bán hàng và cung ứng dịch vụ; việc quản lý và thu tiền từ việc bán hàng hay cung ứng dịch vụ sẽ được Ngân hàng đảm trách. Không chỉ vậy, sự phát triển càng cao kéo theo sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp để tranh giành thị trường mở rộng sản xuất kinh doanh, để làm được điều đó các doanh nghiệp phải đẩy nhanh vòng quay vốn lưu động, rút ngắn chu kỳ kinh doanh. Thực tế ấy đã mở ra cơ hội phát triển cho bao thanh toán góp phần thỏa mãn tốt hơn yêu cầu được hỗ trợ để phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và hơn nữa là của nền kinh tế bởi vì bao thanh toán hội tụ đủ chức năng thỏa mãn được nhu cầu của các doanh nghiệp.
Hơn nữa trong thời đại hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, môi trường kinh tế xã hội rộng mở đã đưa đến thời cơ vận hội mới cho phát triển hoạt động bao thanh toán xuất- nhập khẩu. Tín dụng xuất nhập khẩu và rủi ro trong việc thu hồi các khoản phải thu từ bên nhập khẩu luôn là mối lo của các nhà xuất khẩu. Trong khi đó các nguồn tài trợ truyền thống vẫn chưa đủ khả năng đáp ứng nhu cầu đó của bên xuất khẩu. Triển khai bao thanh toán chính là việc đem lại những dịch vụ mới, hữu ích và bổ sung cho các hoạt động,
dịch vụ truyền thống, góp phần hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp xuất- nhập khẩu ngày càng tốt hơn.
1.3.2.2 Hệ thống luật pháp
Đối với bất kỳ một hoạt động nào đều phải có một hàng lang pháp lý chặt chẽ cho việc phát triển hoạt động đó và chỉ khi có hành lang pháp lý mới tạo điều kiện, tạo động lực thúc đẩy việc triển khai và phát triển hoạt động đó. Mức độ thông thoáng của hành lang pháp lý sẽ mang yếu tố quyết định tới mức độ phát triển của hoạt động. Tuy nhiên các nhà hoạch định chính sách, các nhà làm luật luôn luôn thận trọng trong việc giới hạn mức độ hoạt động để phù hợp với sự phát triển kinh tế hiện tại để tránh rủi ro cho hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Trực tiếp điều chỉnh về hoạt động bao thanh toán, về nguồn luật trong nước có những luật, quyết định như sau:
- Quyết định số 1096/2004/QĐ-NHNN ngày 06 tháng 09 năm 2004 về quy chế hoạt động bao thanh toán của các tổ chức tín dụng;
- Quyết định số 30/2008/QĐ- NHNN ngày 16 tháng 10 năm 2008 về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế hoạt động bao thanh toán.
Ngoài ra một số luật quyết định khác có liên quan như
- Luật các Tổ chức tín dụng năm 2007 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng năm 2004;
- Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 1997 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2003;
- Quyết định 457/2005/QĐ-NHNN quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD và quyết định số 03/2007/QĐ-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN…
Hoạt động bao thanh toán quốc tế có liên quan tới nhiều quốc gia nên trong bao thanh toán xuất- nhập khẩu được áp dụng các quy tắc, tập quán và thông lệ về bao thanh toán. Khung pháp lý chuẩn điều chỉnh hoạt động bao thanh toán quốc tế được các đơn vị bao thanh toán thế giới thường sử dụng là:
- Quy tắc chung về Bao thanh toán quốc tế của Hiệp hội bao thanh toán quốc tế (General Rules For International Factoring)
- Công ước UNIDROIT được thông qua ngày 28/05/1988 tại Ottawa – Canada. (UNIDROIT Convention on International Factoring – Ottawa, Canada, 28th May 1988)
- Công ước Liên Hiệp Quốc về việc chuyển nhượng những khoản phải thu trong thương mại quốc tế (UNICITRAL) được Hội đồng chung Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 12/12/2001 và để ngỏ cho Chính phủ các nước tham gia ký kết.
Về điều kiện để được hoạt động bao thanh toán tại NHTM, Quyết định số 1096/2004/QĐ-NHNN ngày 06 tháng 09 năm 2004 về quy chế hoạt động bao thanh toán của các TCTD và quyết định số 30/2008/QĐ- NHNN ngày 16 tháng 10 năm 2008 về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế hoạt động bao thanh toán quy định:
“ Khoản 1: Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện hoạt động bao thanh toán trong nước khi tổ chức tín dụng có đủ các điều kiện sau:
b. Tỷ lệ nợ nợ xấu trên tổng dư nợ tại thời điểm cuối từng tháng của ba tháng gần nhất dưới 5%; không vi phạm các quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng;
c. Không thuộc đối tượng đang bị xem xét xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng nhưng đã khắc phục được hành vi vi phạm.
Khoản 2. Đối với hoạt động bao thanh toán xuất nhập khẩu: Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1điều này, tổ chức tín dụng xin hoạt động bao thanh toán xuất- nhập khẩu phải là tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối.”
1.3.2.3 Hệ thống thông tin ngoài ngân hàng
Thông tin từ khách hàng là yếu tố đầu vào làm cơ sở cho việc ra quyết định thực hiện bao thanh toán. Tuy nhiên, ngoài những thông tin, tài liệu do khách hàng cung cấp NHTM còn phải tiến hành thu thập thông tin từ các nguồn bên ngoài nhằm có thông tin đầy đủ hơn về khách hàng và tránh sự lừa đảo từ phía khách hàng. Một nền kinh tế có nhiều kênh thông tin doanh nghiệp, hệ thống thông tin minh bạch là điều kiện tốt cho ngân hàng thực hiện bao thanh toán hiệu quả, mức độ rủi ro thực hiện bao thanh toán giảm thiểu đáng kể. Song điều này thường bị hạn chế ở các quốc gia đang phát triển. Ở hầu hết các quốc gia đang phát triển hệ thống thông tin doanh nghiệp hạn chế, không minh bạch và độ tin tưởng thấp do nhiều nguyên nhân như công tác quản lý doanh nghiệp kém, công tác kiểm toán kém…Tại các quốc gia phát triển hệ thống thông tin minh bạch, công khai, hoạt động kiểm toán chất lượng sẽ tạo điều kiện cho hoạt động bao thanh toán phát triển và giảm thiểu mức độ rủi ro.
Khách hàng tiềm năng là những người có hiểu biết về hoạt động bao thanh toán và có nhu cầu sử dụng. Khách hàng là nhân tố quyết định thành công cho mọi hoạt động của ngân hàng vì vậy trong bất kỳ hoạt động nào bên cạnh việc chăm sóc khách hàng truyền thống NHTM luôn tìm tòi, phát triển khách hàng tiềm năng. Điều này còn có ý nghĩa hơn khi ngân hàng tiến hành triển khai một hoạt động mới vì vậy trước khi ra mắt thị trường ngân hàng phải tìm hiểu, tính toán và xác định khách hàng tiềm năng cho hoạt động đó.
Đối tượng khách hàng của bao thanh toán tương đối rộng. Bao thanh toán có khả năng phục vụ cho mọi doanh nghiệp dù hoạt động trong lĩnh vực nào sản xuất, thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu… cho dù doanh nghiệp đó quy mô lớn hay nhỏ. Song điều quan trọng là khách hàng đó phải hiểu biết về bao thanh toán và có nhu cầu thực sự đối với bao thanh toán. Ở các quốc gia phát triển hoạt động bao thanh toán khá phổ biến song vì có nhiều đơn vị bao thanh toán nên sự cạnh tranh để giành khách hàng khá gay gắt. Trái lại, quốc gia đang phát triển được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng, ít đơn vị bao thanh toán song do sự hiểu biết của các doanh nghiệp về bao thanh toán còn hạn hẹp nên đa số còn dè dặt trước hoạt động mới này. Song với thời đại công nghệ hiện đại, trình độ dân trí ngày càng cao việc phát triển khách hàng tiềm năng không quá khó với các quốc gia đầy tiềm năng này.
Trong giai đoạn đầu phát triển, dễ dàng và tiết kiệm nhất, Ngân hàng nên phát triển khách hàng tiềm năng cho hoạt động bao thanh toán từ chính khách hàng mà ngân hàng đang phục vụ, đặc biệt là các khách hàng trung thành với ngân hàng. Số lượng khách hàng ngân hàng đang phục vụ càng lớn sẽ là một tiềm năng giàu mạnh cho ngân hàng. Trong nhóm khách hàng ngân hàng đang phục vụ, ngân hàng cần lưu ý đặc biệt tới đối tượng khách hàng tiềm năng có nhu cầu cao sử dụng bao thanh toán. Tận dụng các mối quan hệ sẵn có này ngân hàng có thể dễ dàng quảng bá hoạt động bao thanh toán tới khách hàng và
có thể tạo điều kiện ưu đãi hơn đối với những khách hàng này trong thời gian đầu triển khai hoạt động nhằm thu hút khách hàng.
1.3.2.4 Các Hiệp hội bao thanh toán
Các Hiệp hội bao thanh toán được lập nên bởi các đơn vị bao thanh toán trong một quốc gia (Hiệp hội bao thanh toán quốc gia) hoặc giữa các quốc gia có hoạt động bao thanh toán (Hiệp hội bao thanh toán quốc tế - FCI), có điều lệ hoạt động được các thành viên thống nhất thông qua. Các Hiệp hội bao thanh toán vừa đại diện và bảo vệ lợi ích cho các Hội viên, đồng thời là cầu nối hữu hiệu giữa Chính phủ và các đơn vị bao thanh toán trong quá trình hoạch định và thực hiện các quy định bao thanh toán. Không những vậy, các Hiệp hội bao thanh toán ra đời đóng vai trò quan trọng tư vấn và giúp đỡ các hội viên trong quá trình phát triển bao thanh toán. Trước khi tiến hành triển khai bao thanh toán các NHTM cần tham gia vào các Hiệp hội này để được chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, nhận sự tư vấn của Hiệp hội và các thành viên. Đó cũng sẽ là điều kiện đảm bảo cho sự thành công khi triển khai hoạt động bao thanh toán tại ngân hàng song thực tế có nhiều quốc gia vẫn chưa có Hiệp hội này. Kinh nghiệm cho thấy mức độ hoạt động, phát triển của các Hiệp hội này sẽ có tác động đáng kể tới sự phát triển hoạt động bao thanh toán ở quốc gia đó.
1.3.2.5 Sự mở đường của các ngân hàng thương mại đã phát triển bao thanh toán
Các NHTM thực hiện bao thanh toán trước đóng vai trò như những người khai thông mở đường cho hoạt động bao thanh toán phát triển. Các NHTM phát triển sau có điều kiện thuận lợi hơn trong phát triển bao thanh toán vì sẽ tham khảo được cách thức tổ chức hoạt động, rút được bài học kinh nghiệm từ sự thành công hay thất bại của các ngân hàng này để học tập những thành tựu, khắc phục những điểm yếu khi triển khai hoạt động này tại ngân hàng. Hơn nữa,
các NHTM đi trước đã đóng vai trò quan trọng trong khai thông thị trường, bao thanh toán đã được giới thiệu tới nhiều khách hàng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như hội thảo, quảng cáo, hướng dẫn trên website… Tuy đây không phải là điều kiện tiên quyết cho việc triển khai bao thanh toán thành công song là một điều kiện thuận lợi hơn cho các NHTM khi triển khai hoạt động.
Chương 2: Sự cần thiết phát triển hoạt động bao thanh toán tại Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Việt