- Vùng núi cao: Với các mô hình luân canh rừng – rẫy, chăn thả dưới tán rừng, canh
9.2.2. Vùng Trung du Bắc Bộ
Với tổng diện tích 2,3 triệu ha (chiếm 7,1% diện tích cả nước) độ che phủ rừng 32,1% ( Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2003). Vùng này bao gồm 7 tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hoà Bình hình thành một vành đai quanh châu thổ sông Hồng.
ở đây có cả những cánh đồng lúa nước, cả những đồi độc lập và các dãy đồi liên tục. Tài nguyên rừng còn lại rất ít. Những đồi trọc là điểm đặc trưng gây ấn tượng mạnh ở nhiều vùng. Các đồi này bị canh tác quá mức đã tạo ra vấn đề sinh thái môi trường với tốc độ xói mòn rất mạnh.
Những vùng đồi này đã từng có rừng rậm che phủ, cho đến tận cuối năm 50 ở đây vẫn chỉ thưa thớt người dân tộc thiểu số. Từ năm 1954 trở đi Nhà nước khởi xướng chương trình di
dân từ vùng đồng bằng sông Hồng đông đúc tới vùng trung du thưa dân này. Những người dân khai hoang vốn đã quen với lối canh tác trên đất bằng, ở trung du họ gặp một môi trường mới, việc canh tác trên đất dốc là điều mới mẻ với họ, do đó người dân vẫn áp dụng những kỹ thuật sản xuất ở đất bằng cho vùng trung du. Vì thế ruộng lúa nước và vườn nhà ở trung du tỏ ra vẫn có chu trình dinh dưỡng có hiệu quả. Nhưng tình hình ở trên các vùng đất dốc hoàn toàn ngược lại. Trước hết rừng bị phá đi để lấy gỗ, củi và lấy đất trồng trọt. Đất đồi thường được sử dụng theo kiểu bóc lột để trồng sắn, khoai,...để chăn thả trâu bò và lấy củi đun. Khi dân số tăng lên, đất đồi càng được sử dụng liên tục quá mức dẫn đến xói mòn nghiêm trọng không thể canh tác được.
Để giải quyết tình trạng này cùng với việc nhanh chóng chia đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần phải đẩy mạnh việc xây dựng các vườn rừng, trang trại lâm nghiệp của các hộ gia đình với việc hướng dẫn trồng các loài cây đa mục đích vừa bảo vệ và cải tạo đất vừa cung cấp nhiều sản phẩm khác nhau.
Khuyến khích phát triển các loại hình VAC hoặc RVAC, ở đây thường không có rừng tự nhiên nên bố trí rừng trồng ở trên phần đỉnh đồi để giữ đất, nước, phần sườn đồi trồng các loài cây ăn quả thân gỗ lâu năm để trong quá trình chăm sóc sẽ cải tạo được đất nhanh chóng.
Đây là vùng cung cấp gỗ cho các ngành công nghiệp (gỗ trụ mỏ, gỗ nguyên liệu giấy sợi, ván nhân tạo). Trên diện tích trồng rừng công nghiệp nên kết hợp trồng xen dưới tán hoặc trồng xen theo băng các loài cây họ đậu thân bụi hoặc thân gỗ để phục hồi môi trường sinh thái được nhanh chóng. Ở những nơi đất còn tốt có thể áp dụng phương thức Taungya là hợp lý với các loài cây công nghiệp theo hướng kết hợp giữa các loài cây công nghiệp dài ngày (chè, cọ, sơn,...) và cây chịu bóng dưới tán (dứa, sả, hương bài, gừng, riềng...) góp phần phục hồi môi trường sinh thái của vùng.