7. Kết cấu của luận văn
1.2.2. Thực trạng kinh tế, cơ cấu kinh tế Thành phố Hà Nội trước năm 1996
Những chủ trương, định hướng, chính sách lớn của Đảng và nhà nước trong công cuộc đổi mới về chuyển dịch CCKT, đã được Thành ủy Hà Nội quán triệt thực hiện một cách nghiêm túc, sáng tạo phù hợp với điều kiện cụ thể của Thủ đô Hà Nội trong từng thời kỳ.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ X (10 - 1986), đã xác định những vấn đề quan trọng mà Đảng bộ Thủ đô cần giải quyết: Mọi công tác phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm mục tiêu; phải coi trọng tổ chức công tác thực tiễn một cách cụ thể tỷ mỉ; phải chuyển mạnh từ cách làm ăn theo lối cũ, quan liêu, bao cấp, sang hoạt động năng động sáng tạo, hạch toán kinh tế và kinh doanh XHCN, không ngừng tăng năng suất và hiệu quả, nâng cao chất lượng và tạo ra sản phẩm ngày càng nhiều cho xã hội, chúng ta phải kiên quyết,
không thỏa hiệp đối với những cá nhân, đơn vị vẫn giữ nếp nghĩ, cách làm theo lối cũ, không chịu vận dụng để nắm vững và vận dụng đúng đắn các quy luật kinh tế [2, tr.56].
Ngay từ Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ X, Thành ủy Hà Nội đã quan tâm phát triển kinh tế theo chiều sâu, chú trọng chuyển dịch CCKT giữa các ngành và nội ngành. Đại hội nhận định: “một nền kinh tế có cơ cấu hợp lý mới ổn định và phát triển được” và đề ra mục tiêu “từng bước xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý của Thủ đô”. Đảng bộ Hà Nội chủ trương: "Phải xây dựng cơ cấu kinh tế bao gồm công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và kinh tế đối ngoại” [2, tr.60].
Công nghiệp, phải tiến lên trình độ hiện đại có những ngành mũi nhọn, những sản phẩm tiêu biểu cho Thủ đô và giữ vị trí quan trọng trong việc cung ứng tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng cho cả nước.
Nông nghiệp, phải được trang bị kỹ thuật mới, áp dụng nhanh chóng các thành tựu khoa học hiện đại về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, để trở thành vành đai thực phẩm lớn, bảo đảm cung ứng ngày càng tăng hàng hoá cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thành phố.
Dịch vụ, bao gồm các ngành lưu thông, phân phối, giao thông vận tải, các ngành kinh tế đô thị, nhà ở, cấp thoát nước, cấp điện, giao thông công cộng, thông tin liên lạc… phải được xây dựng và từng bước hiện đại hoá để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của một trung tâm công nghiệp lớn của hàng triệu người làm việc sinh sống.
Kinh tế đối ngoại “bao gồm cả xuất, nhập khẩu và các quan hệ hợp tác kinh tế dưới mọi hình thức giữa Hà Nội với thủ đô các nước XHCN và các nước khác, phải được mở rộng nhanh chóng để sử dụng có hiệu quả sự phân công hợp tác quốc tế” [2, tr. 61].
Đây được coi là những một trong những chủ trương, đầu tiên của Đảng bộ Thành phố lãnh đạo chuyển dịch CCKT ngành và nội ngành.
Sau khi ổn định được sản xuất nông nghiệp, bước vào giai đoạn mới của CNH, HĐH đồng thời để phát huy vai trò đầu tàu của Thủ đô đối với phát triển
kinh tế vùng, Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XI (vòng 1) ( từ 25 đến 24-4-1991); Đại hội (vòng 2) (ngày 16-11-1991), đã xác định: “Trong 5 năm tới, Hà Nội phấn đấu có bước chuyển rõ về cơ cấu ngành kinh tế”.
Cơ cấu ngành kinh tế Thủ đô được hình thành trên cơ sở liên kết kinh tế Trung ương với kinh tế địa phương trên địa bàn Hà Nội, có tính đến nhu cầu và mở rộng sự liên kết kinh tế với toàn vùng, với các tỉnh khác cũng như hợp tác với nước ngoài. Trong những năm trước mắt, sớm hình thành cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - thương mại, dịch vụ, du lịch - nông nghiệp [3, tr.50].
Từ ngày 29 đến ngày 31-3-1994, Đảng bộ Thành phố tiến hành Hôị nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ. Hội nghị đã nêu bật nhữmg thành tựu lớn của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI và đề ra những nhiệm vụ chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng CNH, HĐH : tiếp tục phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, củng cố vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh; mở rộng kinh tế đối ngoại.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghi giữa nhiệm kỳ của Thành ủy về điều chỉnh CCKT theo hướng CNH, HĐH, Thành ủy đã chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục sắp xếp chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo quyết định 90/CP của chính phủ.
Sau 10 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Hà Nội, so với nhiều năm trước, thế và lực của Hà Nội đã tăng lên đáng kể. Kinh tế Thủ đô nhanh chóng vượt qua khỏi khủng hoảng, tăng trưởng với tốc độ khá, từng bước phát triển theo hướng bền vững. Các thành phần, các ngành, các lĩnh vực kinh tế đều phát triển. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tăng bình quân 8.35%/năm (giai đoạn 1986 - 1990 tăng 4.48%/ năm [3, tr.27], giai đoạn 1991 - 1995 tăng 11,9 %/ năm [4, tr.37]. Đời sống nhân dân được cải thiện.
Ngành công nghiệp có vai trò ngày càng quan trọng trong CCKT Thủ đô giai đoạn 1991 – 1995 tăng bình quân 14,33% vượt chỉ tiêu đề ra (5-6%/năm) [4, tr.37]. Một số ngành công nghiệp chủ lực như: quạt điện, xe đạp Viha, hàng điện tử, may, dệt kim được ưu tiên phát triển; bước đầu hình thành một số ngành
công nghiệp mới ở Thủ đô, như công nghiệp thực phẩm vi sinh, công nghiệp điện tử, tin học. Nhiều sản phẩm công nghiệp của Hà Nội đã khẳng định khả năng cạnh tranh và đứng vững trên thị trường.
GDP ngành dịch vụ tăng bình quân 9,22%/năm. Lưu thông hàng hóa và dịch vụ diễn ra thuận lợi, “Tổng mức mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ thị trường xã hội trong 5 năm tăng gấp 3 lần” [4, tr.37]. Thị trường trong và ngoài nước được củng cố và phát triển. Văn minh thương mại được Thành ủy quan tâm chỉ đạo, đảm bảo phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. “Tổng kim ngạch xuất khẩu của địa phương trong 5 năm là 558,8 triệu USD, tăng bình quân hàng năm 16,5%./ năm” [4, tr.38]; tỷ trọng các sản phẩm thô, tinh chế ngày càng giảm. “Nhờ kinh tế phát triển, 5 năm qua chỗ làm việc đã tăng thêm 54% so với thời kỳ 1986 - 1990” [4, tr.38].
Hoạt động kinh tế đối ngoại được mở rộng. Tính đến hết năm 1995, có 210 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký 3,3 tỷ USD (trong đó có 67 dự án do Thành phố làm chủ quản đầu tư với số vốn hơn 1,4 tỷ USD); có 1,3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đã triển khai thực hiện. Đã tạo được nhiều thị trường xuất nhập khẩu mới, thay thế thị trường truyền thống bị thu hẹp [4, tr.37- 38].
Cơ cấu sản xuất nông nghiệp ngày càng có sự chuyển dịch theo hướng tiến bộ. Đời sống nông thôn ngoại thành từng bước được nâng cao. Trong khi diện tích nông nghiệp thành phố liên tục giảm do yêu cầu phát triển đô thị, công nghiệp, nhưng GDP nông nghiệp bình quân cả giai đoạn 1986 - 1995, vẫn tăng 6,19%/năm. Tỷ trọng ngành trồng trọt giảm từ 1,9%/năm giai đoạn 1986 - 1990 xuống còn 1,35%/năm thời kỳ (1991 - 1995); ngành chăn nuôi tăng từ 6,75%/năm giai đoạn (1986 – 1990) lên 7,2%/năm giai đoạn (1991 - 1995). Cơ cấu sản phẩm chuyển dịch theo hướng phát triển các sản phẩm có giá trị kinh tế, chất lượng cao; hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mô hình làng nghề được quan tâm phát triển. Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XII (5 -1996), đánh giá: “Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh và tăng vụ, phát triển ngành nghề nên giá trị sản lượng tính trên một đơn vị diện tích
ngày càng tăng, năm 1991 đạt 14,9 triệu đồng/ ha, năm 1995 đạt 28,2 triệu đồng/ ha” [4, tr.40].
Bảng 1.1: Tăng trưởng cơ cấu kinh tế Thủ đô sau 10 năm đổi mới [17, tr.31]
Đơn vị tính: %
Giai đoạn 1986 - 1990 1991 - 1995
Tăng trưởng GDP 4,48 12,5
1. Công nghiệp 1,65 13,73
2. Dịch vụ 5,78 12,66
3. Nông lâm - thủy sản 6,76 5,62
Trong giai đoạn 1990 - 1995, dưới sự lãnh đạo của Thường vụ Thành ủy và sự lãnh đạo thực hiện của UBND Thành phố, CCKT Thủ đô chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp làm đòn bẩy phát triển dịch vụ, nông nghiệp; giảm tỷ trọng các ngành dịch vụ và nông nghiệp để chọn lọc từng bước nâng cao chất lượng và phát triển theo chiều sâu. Tỷ trọng giá trị tăng thêm: công nghiệp tăng từ 27,9% năm 1985, lên 33,01% năm 1995, dịch vụ giảm từ 66,5% năm 1985, xuống còn 61,60% năm 1995, nông - lâm - thủy sản từ 5,6% năm 1985 [100, tr. 94], xuống còn 5,39% năm 1995 [17, tr.31].
Sau 10 năm đổi mới, Thành phố Hà Nội đang hình thành rõ nét CCKT:
công nghiệp - thương mại, du lịch, dịch vụ - nông nghiệp theo hướng hiện đại
hóa. Cùng với sự phát triển quy mô và thay đổi tỷ trọng trong tổng GDP của nền kinh tế, mối quan hệ giữa các ngành kinh tế cũng có sự thay đổi quan trọng về chất. Các ngành có mối quan hệ chặt chẽ với nhau hơn, không chỉ trao đổi sản phẩm mà trao đổi, hợp tác ngay trong quá trình sản xuất. Công nghiệp đã ngày càng bám sát hơn nhu cầu thị trường và các ngành sản xuất khác; hoạt động dịch vụ không tách rời mà ngày càng gắn vào phục vụ sự phát triển của công nghiệp - nông, lâm, thủy sản. Nông nghiệp chuyển sang sản suất hàng hóa, trồng cây công nghiệp cung cấp nguyên liêu cần thiết cho công nghiệp, sản xuất nhiều lương thực, thực phẩm cung cấp cho các ngành thương mại, du lịch, dịch vụ, thông qua dịch vụ để trao đổi hàng hóa, đồng thời áp dụng thành tựu công
nghiệp nâng cao năng xuất chất lượng sản phẩm. Từng bước trong các ngành kinh tế hình thành mối liên hệ hỗ trợ, thúc đẩy nhau cùng phát triển giữa các ngành.
Cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế Thành phố đang dần được hoàn thiện theo những nguyên tắc của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Kinh tế Thủ đô tăng trưởng và phát triển gắn với việc đảm bảo phát triển các mục tiêu văn hóa xã hội.
Bảng 2.2: Tỷ trọng cơ cấu kinh tế Hà Nội (theo GDP) trong 10 năm
đổi mới (%) [17, tr.31]
Năm 1985 1990 1995
Tổng số 100 100 100
1. Thương mại, du lịch, lịch vụ 66,5 61,95 61,60
2. Công nghiệp 27,9 29,04 33,01
3. Nông - lâm - thủy sản 5,6 9,01 5,39
Kinh tế Thủ đô đã khắc phục được tình trạng đình đốn, liên tục đạt được trình độ tăng trưởng cao, bước đầu đã có tích luỹ, lạm phát bị đẩy lùi, số lao động có việc làm tăng lên, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, nhân dân tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới.
Cùng với chuyển dịch CCKT ngành, cơ cấu thành phần kinh tế và CCKT vùng cũng có sự chuyển dịch tích cực.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế và chuyển dịch CCKT, Hà Nội cũng còn một số hạn chế, yếu kém: tiềm năng của Thành phố chưa được khai thác đúng mức, chương trình thu hút vốn chậm triển khai kết quả đạt được thấp, vốn nhàn rỗi trong nhân dân còn nhiều, quỹ đất đai, nhà xưởng, kho tàng, máy móc, thiết bị chưa được khai thác sử dụng hợp lý. Việc hợp tác sản xuất kinh doanh với các cơ sở Trung ương trên địa bàn và các địa phương còn ít. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp chưa cao, nhất là khu vực kinh tế Nhà nước. Một số cơ sở chưa năng động, tìm tòi phương hướng phát triển, chậm đổi mới trong cơ chế quản lý và lúng túng trong việc huy động vốn, để đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ. Vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước
trên một số lĩnh vực kinh tế chưa thể hiện rõ nét, như: thương mại và thị trường, tín dụng nông thôn, hướng dẫn và liên kết các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Trong sản xuất nông nghiệp vấn đề đổi mới hình thức tổ chức và quản lý HTX chậm được nghiên cứu tổng kết thực tiễn và đề ra phương hướng chỉ đạo. Việc quản lý đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn lỏng lẻo, hoạt động liên doanh hợp tác với nước ngoài còn sơ hở, có những mặt chưa quản lý tốt gây thiệt hại cho Nhà nước và quyền lợi công dân. Trong quản lý kinh tế, các cấp chính quyền trong hoạt động thực tế chưa phân định rõ chức năng quản lý Nhà nước về hành chính - kinh tế và chức năng quản lý kinh doanh, nên thường nắm cái không cần nắm, buông lỏng cái cần quản lý; chuyển dịch CCKT còn chậm [4, tr.46-48].