3. Những biểu hiện cụ thể của các tầng ý nghĩa nhân sinh trong truyện ngắn
3.2.4.2. Đối với người nghệ sĩ
Từ hai phát hiện về bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ và bi kịch gia đình hàng chài; và đặc biệt qua câu chuyện của người đàn bà vùng biển khiến Phùng nhận ra: trong nghề nghiệp anh là người yêu nghề, nhưng trong cuộc sống anh có cái nhìn giản đơn. Để rồi cũng như Đẩu, anh “vỡ ra” rằng:
- Đằng sau cái đẹp không phải bao giờ cũng là chân lý của sự toàn thiện, của đạo đức.
- Đằng sau vẻ ngoài lam lũ, thô kệch của người đàn bà vùng biển lại lấp lánh tình thương, lòng vị tha, đức hy sinh của người mẹ.
“Chiếc thuyền ngoài xa” là bức ảnh đẹp toàn bích; nhưng khi chiếc thuyền ở gần lại phơi bày một hiên thực nghiệt ngã về thân phận con người. Điều đó cho thấy: Nghệ thuật và cuộc sống không phải là một, và không phải bao giờ cũng thống nhất với nhau. Nghệ thuật thì đẹp, trong khi cuộc sống thì đầy nhọc nhằn khổ cực. Nghệ thuật phải xuất phát từ cái cực nhọc của đời sống, của số phận. Nghệ thuật phải phát hiện ra cái đẹp trong cuộc sống và trong con người.
3.2.4.3. Quan niệm nghệ thuật mới mẻ của Nguyễn Minh Châu về con người và cuộc sống:
Câu chuyện ẩn chứa những triết lý sâu sắc của nhà văn về cuộc sống và con người:
- Cuộc sống chứa đựng nhiều nghịch lý bất ngờ không thể đoán trước, người làm nghệ thuật phải có cái nhìn đúng đắn, sâu sắc mới khám phá được cuộc sống đa chiều đầy phức tạp.
- Nghệ thuật chân chính phải luôn gắn với cuộc đời, vì cuộc đời.
- Tâm hồn con người là một thế giới đầy bí ẩn. Không thể nhìn đời, nhìn người từ một phía.
- Đề ra một cách ứng xử mới trong cuộc sống: con người phải bao dung, độ lượng, đồng cảm với nhau mới vượt qua được mọi khó khăn nhọc nhằn trên trần thế này.